Giới thiệu nét đẹp quê hương thông qua video AI

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nhằm phát huy tiện ích của trí tuệ nhân tạo (AI), nhóm tác giả của Trường THCS Chu Văn An (thị trấn Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã sáng tạo các video tích hợp giới thiệu nét độc đáo của lễ hội truyền thống, danh lam thắng cảnh nhằm giúp cho việc học môn Giáo dục địa phương tốt hơn.

Nhóm tác giả gồm: Võ Phan Ngọc Tường Vi (lớp 9A6), Nguyễn Thị Ngọc Nhi (lớp 9A6), Phạm Quỳnh Anh (lớp 8A5) và Lê Nguyễn Quỳnh Như (lớp 8A5). Trước khi tạo các video AI, nhóm đã khảo sát hơn 300 học sinh của trường về các vấn đề: Sở thích, mong muốn của học sinh khi học tập môn Giáo dục địa phương. Hiểu biết của học sinh về lễ hội truyền thống, danh lam thắng cảnh, nét đặc sắc về văn hóa địa phương. Làm thế nào để nâng cao nhận thức, bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước cho học sinh trong trường?...

“Sau khi tìm hiểu, chúng em thấy nhiều bạn chưa có hứng thú với môn học. Bên cạnh đó, nguồn tài liệu thiếu phong phú, học sinh tiếp cận môn học với thái độ dửng dưng, học vì bị ép buộc, học chỉ để đủ điểm”-Vi chia sẻ.

Nhóm tác giả tham khảo ý kiến của giáo viên để thực hiện các video AI hỗ trợ việc học tập môn Giáo dục địa phương. Ảnh: M.N

Nhóm tác giả tham khảo ý kiến của giáo viên để thực hiện các video AI hỗ trợ việc học tập môn Giáo dục địa phương. Ảnh: M.N

Sau khi khảo sát, thống kê và phân loại dữ liệu thu thập được, từ tháng 9-2023, nhóm tác giả đã xin ý kiến của giáo viên dạy môn: Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn và Giáo dục địa phương để thực hiện ý tưởng. Đồng thời, nhóm nghiên cứu từng bài học của môn Giáo dục địa phương các lớp 6, 7, 8 để thiết kế những video AI phù hợp.

Cụ thể, đối với môn Giáo dục địa phương lớp 6, nhóm tổng hợp hình ảnh, video liên quan đến chủ đề văn hóa-lịch sử, danh lam thắng cảnh ở Gia Lai như: thắng cảnh Biển Hồ, thác Phú Cường, chùa Minh Thành, Quảng trường Đại Đoàn Kết, núi lửa Chư Đang Ya; nghề dệt thổ cẩm truyền thống; nghề chế tác nhạc cụ dân tộc.

Với môn Giáo dục địa phương lớp 7, nhóm thực hiện video clip với các chủ đề: âm nhạc truyền thống, sự đa dạng ẩm thực của các dân tộc ở tỉnh Gia Lai. Video clip của môn Giáo dục địa phương lớp 8 đề cập các lễ hội truyền thống ở tỉnh như: lễ bỏ mả, lễ mừng lúa mới…

Để có thông tin chính xác, nhóm vận dụng kiến thức đã học; tìm hiểu thêm kiến thức trong môn Giáo dục địa phương và sách báo, mạng xã hội; trao đổi với những người am hiểu văn hóa truyền thống đang sinh sống trong huyện.

Về hình ảnh, các thành viên trực tiếp chụp hình và sử dụng hình ảnh sưu tầm trên mạng internet. Tiếp đó, nhóm sử dụng Ứng dụng Vbee AIVoice Solutions-công cụ chuyển đổi văn bản sang âm thanh; ứng dụng AI Studio-D-ID: công cụ tạo MC ảo bằng trí tuệ nhân tạo; ứng dụng Capcut để edit video với các hiệu ứng nhanh.

“Trong quá trình thực hiện sản phẩm, chúng em nhận được sự hướng dẫn của cô Nguyễn Thị Lan Phương-Giáo viên dạy môn Toán-Tin của trường. Các video sau khi hoàn thành, chúng em nhờ thầy cô thẩm định và điều chỉnh cho phù hợp”-Nhi tâm sự.

Cô Nguyễn Thị Lan Phương chia sẻ: “Các em là học sinh THCS nên kiến thức về văn hóa, du lịch và lễ hội truyền thống còn hạn chế. Các video AI hỗ trợ giáo viên giảng dạy môn Giáo dục địa phương đòi hỏi thông tin mỗi sản phẩm đều phải chuẩn xác. Vì thế, cô trò đã tìm hiểu những tài liệu chính thống, xin bản quyền hình ảnh trong khi thực hiện. Bận rộn với việc học nên để tạo ra các video AI hoàn chỉnh, các em tập trung làm việc vào thứ bảy, chủ nhật trong suốt 4 tháng”.

Các video AI sau khi hoàn thành đã được nhóm gửi cho 304 học sinh để thăm dò ý kiến về lượng kiến thức, hình ảnh, mức độ yêu thích môn học so với trước đây. Em Trần Nguyễn Huyền Trân (lớp 9A6) chia sẻ: “Các video AI có tính sáng tạo, hình ảnh đa dạng giúp em và các bạn dễ ghi nhớ kiến thức hơn. Ngoài học lý thuyết, việc trình chiếu các video AI làm không khí lớp học sôi động, em hứng thú học môn Giáo dục địa phương hơn”.

Cô Lê Thị Hạnh-Giáo viên dạy môn Giáo dục địa phương-cho hay: “Các em học sinh rất sáng tạo, sưu tầm thông tin, hình ảnh và biết áp dụng công nghệ thông tin để tạo ra các sản phẩm phục vụ cho việc học tập. Tôi áp dụng một số video AI do các em thực hiện vào giảng dạy, giúp cho giờ học thêm sinh động, hấp dẫn. Thay vì chỉ tiếp nhận lý thuyết, nhờ có video AI, các em học sinh nắm các kiến thức môn học nhanh và dễ hiểu hơn”.

Nhóm tác giả khảo sát sự hiểu biết của học sinh trong trường về môn Giáo dục địa phương. Ảnh: Minh Nhật

Nhóm tác giả khảo sát sự hiểu biết của học sinh trong trường về môn Giáo dục địa phương. Ảnh: Minh Nhật

Sản phẩm của nhóm tác giả khi tham gia Cuộc thi sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng tỉnh Gia Lai năm 2024 đã đạt giải ba. Qua khảo sát tại Trường THCS Chu Văn An, nhóm tác giả nhận thấy 96% học sinh sử dụng mạng xã hội Facebook và TikTok hàng ngày. Vì thế, nhóm đã lập trang Facebook với tên gọi “Gia Lai-Miền đất hứa” để đăng tải hình ảnh liên quan và các video AI, tạo diễn đàn trao đổi học tập giữa các bạn học sinh. Các video AI khi đăng tải nhận được hàng trăm lượt tương tác, bình luận, chia sẻ.

Nhóm cũng phối hợp với Liên Đội tổ chức cuộc thi “Sử dụng công nghệ AI để tạo ra video với chủ đề “Gia Lai-Miền đất tôi yêu” giúp học sinh phát huy sự hiểu biết về công nghệ thông tin, mảnh đất mình đang sống.

Em Lê Nguyễn Quỳnh Như bày tỏ: “Chúng em sẽ tiếp tục tổng hợp hình ảnh, thông tin để tạo video AI phục vụ việc học tập môn Giáo dục địa phương lớp 9. Đồng thời, thực hiện những video AI liên quan đến các lễ hội, danh lam thắng cảnh của huyện Chư Sê để góp phần quảng bá du lịch địa phương.

Mục đích của chúng em khi thực hiện những video AI này là giúp các bạn có thêm kiến thức, học tốt môn Giáo dục địa phương và có trách nhiệm hơn trong việc gìn giữ, giới thiệu cảnh đẹp của quê hương đến với mọi người”.