Thời sự - Sự kiện

“Giữ chân” học trò bằng mô hình bán trú dân nuôi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Với mô hình bán trú dân nuôi, những năm qua, Trường Tiểu học và THCS Trần Hưng Đạo (xã Krông Năng, huyện Krông Pa) đã huy động học sinh tới trường, tăng tỷ lệ chuyên cần và góp phần nâng cao chất lượng dạy học.

Krông Năng là xã vùng khó với gần 98% dân số là người dân tộc thiểu số. Trình độ dân trí hạn chế cùng với địa hình rộng, dân cư sống không tập trung đã phần nào gây khó khăn trong việc duy trì sĩ số học sinh. Điều này luôn khiến các thầy-cô giáo Trường Tiểu học và THCS Trần Hưng Đạo trăn trở. Trước thực tế đó, năm 2019, nhà trường đã xây dựng mô hình bán trú dân nuôi.

Cô và trò Trường Tiểu học và THCS Trần Hưng Đạo vui vẻ chuẩn bị bữa ăn trưa. Ảnh: Mai Ka

Cô và trò Trường Tiểu học và THCS Trần Hưng Đạo vui vẻ chuẩn bị bữa ăn trưa. Ảnh: Mai Ka

Nhà có 4 người con, chị Ksor Nhuk (buôn Ia Sóa) luôn phải tất bật lo miếng cơm, manh áo nên việc học của các con bị sao nhãng. Hơn nữa, nhà cách trường 13 km, các cháu nhiều lúc không thể kịp tới trường đúng giờ.

“Bọn trẻ nhiều lúc phải nghỉ học, ở nhà theo ba mẹ đi làm rẫy. Từ khi nhà trường mở mô hình bán trú, gia đình tôi cho con ở lại để tập trung cho việc học, không phải nghỉ giữa chừng. Thấy các con vui vẻ, hòa nhập với môi trường và thích đi học tôi mừng lắm”-chị Nhuk chia sẻ.

Cũng như đa số các bạn trong lớp 6A, gia đình em Ksor Nga thuộc diện khó khăn, nhà lại cách xa trường. Bố mẹ thường ở lại trên rẫy vào buổi trưa nên em thường chỉ đi học buổi sáng, vắng buổi chiều vì không có ai đưa đến lớp. Việc nghỉ học thường xuyên khiến em không theo kịp bạn bè. Nga tâm sự: “Từ lúc em được học bán trú, em lại ở trường nên không bị vắng học buổi nào. Ở đây, em được các thầy cô chăm sóc từ việc sinh hoạt tới học tập”.

Khi triển khai mô hình bán trú dân nuôi, nhà trường đã nhận được sự quan tâm của Nhà nước trong việc đầu tư xây dựng nhà ở, giường nằm, nhà bếp, phòng ăn, nhà tắm, công trình vệ sinh, công trình nước sạch và sân chơi cho học sinh. Ngoài việc các em được hưởng chế độ chính sách hàng tháng dành cho học sinh bán trú ở vùng đặc biệt khó khăn, nhà trường còn triển khai mô hình vườn rau xanh để bổ sung thêm thực phẩm, đảm bảo dinh dưỡng cho các bữa ăn.

Là người trực tiếp chăm sóc, theo dõi và phụ đạo kiến thức cho các em ở bán trú, thầy Kpă Si-giáo viên bộ môn Tin học-chia sẻ: “4 năm qua, tôi gắn bó thường xuyên với các em. Ngoài việc đảm bảo cho các em về sinh hoạt, học tập, vui chơi, tôi còn dành thời gian tìm hiểu hoàn cảnh từng học sinh để có hướng giúp đỡ cụ thể. Trong quá trình học tập, một vài em cũng có ý định nghỉ học do hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc tự ti vì học yếu. Ngay sau khi nắm bắt tình hình, tôi đã kịp thời phối hợp với giáo viên chủ nhiệm vận động học sinh quay lại lớp; đồng thời, kèm cặp, phụ đạo kiến thức để các em tiến bộ hơn”.

Em Ksor Nga (áo xanh) rất thích ở lại trường vì được các thầy-cô giáo chăm sóc từ việc sinh hoạt tới học tập. Ảnh: Mai Ka

Em Ksor Nga (áo xanh) rất thích ở lại trường vì được các thầy-cô giáo chăm sóc từ việc sinh hoạt tới học tập. Ảnh: Mai Ka

Thầy Mai Văn Nghĩa-Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: Trước đây, nhiều phụ huynh không cho con ở lại bán trú vì muốn có người phụ giúp việc nhà. Nhưng sau khi được nhà trường vận động, đa số gia đình đều đồng ý cho con theo học bán trú. Cùng với đó, các bậc phụ huynh cũng quan tâm đến việc học của con em mình nhiều hơn.

Năm học này, toàn trường có 621 học sinh, trong đó có 192 em ở bán trú. Ngay từ đầu năm học, tỷ lệ huy động học sinh ra lớp đạt 99,5%, chất lượng học tập cũng được nâng lên rõ rệt. “Có được kết quả này, bên cạnh nỗ lực của tập thể cán bộ, giáo viên thì không thể không nhắc đến lợi ích từ mô hình bán trú dân nuôi. Tuy nhiên, nhà trường cũng gặp một số khó khăn khi thiếu chỉ tiêu về y tế học đường và chế độ cho cán bộ, giáo viên làm công tác quản lý khu bán trú”-thầy Nghĩa trăn trở.

Còn ông Nay Yút-Bí thư Đảng ủy xã Krông Năng thì cho hay: Đối với địa bàn vùng khó như Krông Năng, mô hình bán trú dân nuôi thực sự cần thiết nhằm “giữ chân” học sinh, giúp các cháu yên tâm đến lớp. Nhờ mô hình này, tỷ lệ học sinh đến lớp tăng lên theo từng năm, số học sinh bỏ học cũng ít hơn.

Ông Chu Sĩ Lin-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Krông Pa: “Toàn huyện có 45 trường ở 3 bậc học. Trong đó, Trường Tiểu học và THCS Trần Hưng Đạo (xã Krông Năng) là đơn vị duy nhất thực hiện mô hình bán trú dân nuôi. Thời gian qua, đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường đã có nhiều nỗ lực để phát huy hiệu quả mô hình, qua đó duy trì tỷ lệ chuyên cần, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục cũng như đảm bảo sức khỏe của học sinh”.

Có thể bạn quan tâm