Hai người trẻ ở tỉnh Vĩnh Long đã tận dụng nguồn khoai lang sẵn có của địa phương để tạo ra những dòng sản phẩm giúp tăng giá trị củ khoai lang cho người nông dân.
Anh Nguyễn Thanh Việt giới thiệu sản phẩm làm từ khoai lang tại cuộc thi khởi nghiệp thanh niên nông thôn LÊ THANH |
Sinh ra và lớn lên ở Vĩnh Long, chị Tăng Thị Cẩm Hằng và anh Nguyễn Thanh Việt nhận thấy khoai lang là nguồn tài nguyên bản địa nổi tiếng ở quê mình. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên đầu ra của khoai lang không đảm bảo, khiến cuộc sống của người dân gặp khó khăn.
Theo chị Hằng, trên thị trường đang có nhiều thương hiệu bánh phồng khác nhau, chủ yếu dùng bột mì và bột gạo. Riêng đối với dự án hợp tác của hai anh chị, họ quyết định lựa chọn từ nguồn sản phẩm chủ lực của Vĩnh Long là khoai lang để sản xuất ra sản phẩm đặc trưng cho tỉnh nhà.
“Bình Tân (một huyện ở Vĩnh Long - PV) được mệnh danh là “Vương quốc khoai lang”. Do đó, tạo ra dòng bánh phồng khoai lang có sự khác biệt và sẽ là sản phẩm đặc trưng của tỉnh Vĩnh Long”, chị Hằng nói.
Để khởi nghiệp, cả hai đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu thị trường, phân tích những nguy cơ và rủi ro, từ đó nghiên cứu phương án khắc phục.
“Nguy cơ rủi ro của bánh phồng khoai lang so với các dòng sản phẩm bánh phồng khác trên thị trường là về giá cả, chất lượng bánh và chiên không cần dầu. Vì thế, chúng tôi đã đề ra phương án khắc phục là hạ giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng. Bên cạnh đó, sẽ cải tiến bao bì, bộ nhận dạng thương hiệu. Cách làm này sẽ giúp người tiêu dùng yêu thích và lựa chọn sản phẩm nhiều hơn”, anh Việt nói.
Anh Việt cũng chia sẻ, cả hai rất vui khi dự án khởi nghiệp này đã và đang có những bước phát triển thuận lợi. Ngoài việc giúp bản thân tự làm giàu, thì còn có nhiều ý nghĩa đến hiệu quả về mặt kinh tế và xã hội. Cụ thể, đó là giải quyết việc làm cho số lao động ở địa phương; sinh viên tham gia làm việc bán thời gian và chính thức khi ra trường; khai thác triệt để và nâng cao giá trị sản phẩm tài nguyên bản địa của tỉnh; phối hợp cùng thanh niên địa phương tỉnh Vĩnh Long triển khai việc ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm khoai lang, giảm bớt được tình trạng “được mùa mất giá”, xu hướng “trồng - chặt” của nông dân.
“Chúng tôi xây dựng nhà xưởng đảm bảo cơ sở đạt an toàn thực phẩm, xây dựng các nguyên tắc, tiêu chuẩn HACCP, ISO 22.000 và 5S để đảm bảo sản phẩm an toàn trước khi đến tay người tiêu dùng”, anh Việt nói.
Để có thể đưa sản phẩm phủ sóng ở nhiều tỉnh thành, chị Hằng cho biết đã có kế hoạch ký kết các hợp đồng phân phối độc quyền với các nhà phân phối trong nước và các công ty xuất khẩu. Bên cạnh đó, sẽ tận dụng sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành trong việc tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại, hội nghị kết nối cung - cầu...
Thực tế, từ hơn một năm nay, sản phẩm đã có mặt ở các hội chợ xúc tiến thương mại tại nhiều tỉnh thành như: Vĩnh Long, Bà Rịa-Vũng Tàu, Trà Vinh, Cần Thơ, Hà Nội... cũng như các phiên chợ xanh tử tế. Hiện công ty đã nhận được đơn đặt hàng từ nhiều đơn vị.
Chị Hằng cũng chia sẻ về dự định đa dạng hóa các sản phẩm khoai lang chế biến như bánh khoai lang, tinh bột, mì miến... nhằm đáp ứng các thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, Trung Đông... Ngoài ra, sẽ mở thêm cửa hàng khởi nghiệp Mr Khoai, chuyên kinh doanh các loại nước uống và thức ăn nhanh từ khoai lang.
Theo Lê Thanh (Thanh Niên)