Đó là niềm vui từ những trận bóng đá giao hữu, rèn luyện sức khỏe sau giờ làm việc của người dân và sự cổ vũ nhiệt tình cho đội bóng mình yêu thích phía trời Âu đang thi đấu tại vòng chung kết Euro 2024.
Hòa cùng nhịp đập Euro 2024
20 giờ, tại cửa hàng tạp hóa của gia đình anh Nguyễn Đức Anh-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Glar, Bí thư Chi bộ làng Tuơh Klah có khoảng 10 nam thanh niên đang chăm chú theo dõi trận bóng đá tại Euro 2024. Anh Y Pân chia sẻ: “Mình đam mê bóng đá từ nhỏ. Cứ chiều đến là ra sân đá với bạn bè. Biết đá bóng nên mình thường xem các trận đấu. Ngày đi làm, đêm đến bạn bè tập hợp nhau lại cùng xem rồi hò hét cổ vũ, vui lắm.
Với các trận bóng của Euro 2024, bọn mình cũng hẹn nhau cùng xem, cùng bàn luận về những tình huống hay, pha ghi bàn đẹp. Có hôm, cả nhóm góp tiền mua thức ăn mang đến đây, vừa ăn uống chuyện trò vừa xem đá bóng. Mình thấy rất hào hứng khi những đội bóng có trình độ chuyên môn cao như Anh, Pháp, Đức giành được thắng lợi ở trận mở màn. Đây là những đội bóng mình yêu thích và đặt niềm tin sẽ tiến sâu tại giải này”.
Anh Nguyễn Đức Anh tâm sự: “Mỗi khi có đội tuyển Việt Nam thi đấu hay có giải bóng đá ở nước ngoài tổ chức, bà con dân làng thường đến nhà tôi xem truyền hình trực tiếp. Mọi người hô hào cổ vũ cho các đội bóng nên không khí trở nên sôi động. Từ ngày Euro 2024 khai mạc cho đến nay, đêm nào, quán của tôi cũng nhộn nhịp, đông vui. Đa phần bà con chỉ xem trận đấu lúc 20 giờ. Hôm nào có trận đấu giữa các đội mạnh lúc rạng sáng, tôi cũng mở ti vi phục vụ bà con”.
Thanh niên làng Tuơh Klah theo dõi Euro 2024 tại một quán tạp hóa. Ảnh: H.S |
Ông Đinh Ơng-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa:Glar là “cái nôi” của phong trào tập luyện, thi đấu thể thao của huyện. Đây cũng là nơi sản sinh, đào tạo vận động viên có trình độ chuyên môn cao cho thể thao huyện nhà, nhất là bóng đá và bóng chuyền. Nhiều vận động viên là trụ cột của các đội tuyển cấp huyện, tỉnh đi thi đấu thể thao trong tỉnh, khu vực. Huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân xã Glar và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh phong trào tập luyện, thi đấu thể dục thể thao nâng cao sức khỏe, tạo khí thế vui tươi và phấn khởi để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Đã gần 22 giờ mà ở sân bóng Thu Đông (thôn 2) còn khá đông người. Trên sân bóng chia làm đôi có 4 đội đang thi đấu với 20 nam thanh nữ tú. Bên ngoài hàng rào, khán giả chen nhau cổ vũ. Cách sân bóng chưa đầy 2 bước chân, phía trong nhà, có 15 người đàn ông xem trận bóng giữa Romania gặp Ukraine trong khuôn khổ vòng bảng Euro 2024. Chốc chốc, có người hét vang một cách vui sướng khi chứng kiến bàn thắng đẹp hoặc nuối tiếc khi cơ hội thành bàn hỏng ăn.
Cũng có người đang cổ vũ cho các cầu thủ không chuyên ở làng, nghe tiếng hô hào bên trong nhà liền rảo chân đến xem. Dù là hình ảnh quay chậm lại tình huống đã phát trên truyền hình, họ cũng vỗ tay, cười nói rôm rả.
“Để phục vụ nhu cầu tập luyện thể thao của bà con, tôi đầu tư hơn 1 tỷ đồng làm sân cỏ nhân tạo. Đồng thời, chi thêm 12 triệu đồng mua máy chiếu để phục vụ người dân có nhu cầu xem bóng đá. Ai không đá bóng thì vào nhà xem Euro 2024. Đêm nào, bà con cũng đến xem; gặp trận hay thì chật kín nhà luôn. Người dân trong xã mê bóng đá lắm, hễ có giải là đến nhà tôi tập trung xem, cổ vũ cho đội bóng yêu thích”-Chủ sân bóng Lê Huỳnh Đức cho hay.
Dân Glar đá bóng tại sân Thu Đông. Ảnh: H.S |
Trọn tình yêu với bóng đá
Ông Yưk (làng Dơk Rơng) không nhớ rõ thời điểm bóng đá du nhập vào Glar là năm nào, nhưng ký ức tuổi thơ quây quần với đám bạn đá bóng thì luôn hiện hữu. “10 tuổi, mình với bạn bè đã biết đá bóng rồi. Mà hồi đó làm gì có tiền để mua bóng hơi như bây giờ. Cả nhóm rủ nhau đi nhặt vải quấn thành trái bóng.
Nhiều hôm trời mưa, sân đất trơn trượt, bóng ướt nhoẹt cũng hè nhau đá. Sân trơn, ngã dúi dụi, người lấm lem bùn đất nhưng vẫn cười tươi hớn hở. Có khi được người lớn mua cho quả bóng hơi, chiều nào cũng đá. Lớn lên một xíu thì thanh niên làng đi làm thuê, trích tiền mua bóng để tập thể thao mỗi ngày”-ông Yưk nhắc nhớ.
Nói không ngoa, bóng đá đã là một phần cuộc sống của người dân xã Glar. Sau khi đi lễ nhà thờ, bà con rủ nhau ra sân bóng. Đi ăn nhà mới xong cũng chia đội đá giao lưu. Anh Pân tiết lộ: “Đi làm thuê hay đi đổi công, chúng tôi cũng chia đội từ trước, khi làm về là ra sân. Có việc làng quan trọng cũng có 1 trận bóng sau đó.
Nhiều khi mọi người đi làm giúp ai đó xong là không lấy tiền mà đề nghị mua cho 1 quả bóng hoặc trả tiền giờ thuê sân cho mọi người đá. Có khi chia đội, có khi cả nam nữ cùng đá chung 1 trận. Vui là chính mà. Còn trong năm thì các thôn, làng, xã và nhà thờ đều có giải bóng đá. Mọi người cùng góp tiền mua quần áo, nước uống, thuê sân bóng. Do có kinh nghiệm nên mình thường được nhờ đứng ra tổ chức giải để cho bài bản, công bằng giữa các đội”.
Sân bóng Thu Đông tổ chức giải bóng đá và trao thưởng cho các đội có thành tích cao. Ảnh: H.S |
Đồng hồ điểm 23 giờ mà vẫn có một nhóm người đến sân Thu Đông thuê sân đá bóng. Sau 1 tiếng mướt mồ hôi trên sân cỏ, họ góp nhau 150 ngàn đồng trả cho chủ sân. Vậy nên, không khó để hiểu vì sao ở Glar lại sản sinh ra nhiều tài năng trẻ ở môn túc cầu. Có thể kể đến một số cầu thủ có tiếng ở các giải bóng đá phong trào trong và ngoài tỉnh như: Dung, Thưng, Kip… Trong đó, chàng trai tên Dung từng là cầu thủ futsal chuyên nghiệp trong màu áo Câu lạc bộ Sana Khánh Hòa. Trong các giải bóng đá do huyện Đak Đoa tổ chức, các đội bóng đến từ xã Glar đều mang về huy chương. Điển hình như năm 2023, tại giải bóng đá quy mô cấp huyện, đội bóng đá nam xã Glar giành chức vô địch.
Phó Chủ tịch UBND xã Bùi Quang Thoại thông tin: Phong trào tập luyện thi đấu thể dục thể thao diễn ra rất sôi nổi. Trong đó, bóng đá là bộ môn thu hút đông đảo người tham gia chơi nhất. Cả 9 thôn, làng đều có sân bóng đá. Hàng năm, các thôn sẽ tổ chức các giải bóng đá tuyển chọn người tham gia giải tranh cúp mùa xuân do UBND xã tổ chức. Ngoài ra, trong năm còn có các giải bóng đá do Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên xã hay do nhà thờ, chủ sân bóng tổ chức.