Xã hội

Gỡ "điểm nghẽn" trong ý thức người tham gia giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hàng loạt giải pháp đã được chính quyền địa phương và ngành chức năng triển khai nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT), nhưng trong 3 tháng đầu năm, tai nạn giao thông (TNGT) vẫn tăng cả 3 tiêu chí. Nguyên nhân chính là do người tham gia giao thông không chấp hành nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường bộ.
Tai nạn giao thông tăng cả 3 tiêu chí
Trong 3 tháng đầu năm nay, TNGT trên địa bàn tỉnh tăng cả 3 tiêu chí. Qua báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, toàn tỉnh xảy ra 94 vụ TNGT làm 72 người chết, 77 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2021, tăng 9 vụ, tăng 7 người chết và tăng 19 người bị thương. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 4 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm 15 người chết, 4 người bị thương. 6 địa phương có số người chết do TNGT tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021 gồm: Kông Chro tăng 8 người, Đak Đoa tăng 7 người, Chư Prông tăng 5 người, Krông Pa 3 người, Ayun Pa 2 người và Phú Thiện tăng 2 người.
Cũng trong thời gian này, qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng Cảnh sát Giao thông, Cảnh sát Trật tự đã lập biên bản 18.884 trường hợp vi phạm, tạm giữ 2.572 phương tiện, 5.680 giấy tờ các loại; xử phạt 17.434 trường hợp với số tiền trên 9,188 tỷ đồng; tước 706 giấy phép lái xe có thời hạn. Các lỗi vi phạm chủ yếu gồm: vi phạm tốc độ 900 trường hợp, không đội mũ bảo hiểm 1.404 trường hợp, không có giấy phép lái xe 930 trường hợp, vi phạm nồng độ cồn 902 trường hợp, đi không đúng phần đường 111 trường hợp, chở quá khổ, quá tải 110 trường hợp. Ngoài ra, Công an các xã, thị trấn và tổ tự quản ATGT phối hợp với lực lượng Cảnh sát Giao thông tổ chức tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm tại các tuyến, địa bàn phức tạp về an ninh trật tự trong giờ cao điểm và xử phạt 563 trường hợp vi phạm với số tiền 220,123 triệu đồng, nhắc nhở 5.994 trường hợp khác.
Hiện trường vụ xe máy tông nhau vào chiều 10-3 khiến 3 người tử vong tại huyện Kông Chro. Ảnh: Lê Anh
Hiện trường vụ xe máy tông nhau vào chiều 10-3 khiến 3 người tử vong tại huyện Kông Chro. Ảnh: Lê Anh
“Điểm nghẽn” từ ý thức
Ông Võ Ngọc Quảng-Phó Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh-thông tin: Hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ trong thời gian qua đã được các cấp, các ngành đẩy mạnh về tận cơ sở; công tác tuần tra, kiểm soát cũng thường xuyên và quyết liệt hơn, hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ được nâng cấp nhưng TNGT vẫn xảy ra với số vụ cao hơn cùng kỳ năm ngoái.
Theo phân tích của lực lượng chức năng, trong số các vụ TNGT xảy ra, chủ yếu do lỗi trực tiếp của người tham gia giao thông: không chú ý quan sát chiếm 48,84% số vụ; lấn đường chiếm 30,23%; vi phạm tốc độ 11,63% và tránh, vượt, dừng, chuyển hướng sai quy định 6,98%. Đặc biệt, TNGT trên quốc lộ và đường nông thôn tăng do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia và người dưới 18 tuổi gây ra tăng lần lượt là 66,67% và 166,67%. Ông Quảng cho rằng: Hiện nay, một bộ phận thanh-thiếu niên thường xuyên vi phạm quy định pháp luật về trật tự ATGT, thiếu kiến thức và kỹ năng điều khiển phương tiện an toàn. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp không có giấy phép lái xe điều khiển mô tô phân khối lớn, xe độ chế, sử dụng rượu bia, không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu, nẹt pô, đua xe... xảy ra nhiều.
Để kéo giảm TNGT trong thời gian tới, Ban ATGT tỉnh đề nghị chính quyền các cấp và lực lượng chức năng tiếp tục rà soát, lập danh sách, tổ chức tuyên truyền, giáo dục cá biệt đối với những thanh-thiếu niên thường xuyên vi phạm trật tự ATGT trên địa bàn. Tuyên truyền, vận động người dân, nhất là người dân tộc thiểu số cam kết và thực hiện không mua xe mô tô khi trong gia đình chưa có người đủ điều kiện điều khiển, không giao xe mô tô cho người chưa đủ tuổi, người không có giấy phép lái xe tham gia giao thông. Tập trung tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT cho học sinh, sinh viên; xử lý nghiêm, không để tình trạng học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô đến trường.
Ngoài ra, đẩy mạnh đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe mô tô hạng A1 ngay tại cơ sở cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Rà soát, kiểm tra và xử lý triệt để các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT trên mạng lưới đường bộ trong phạm vi quản lý. Huy động tối đa các lực lượng, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát bảo đảm khép kín địa bàn và thời gian, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự ATGT. Đồng thời, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu phương tiện khi xử lý vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện tham gia giao thông; xử lý nghiêm đối với chủ phương tiện giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển xe tham gia giao thông.
LÊ ANH

Có thể bạn quan tâm