Sức khỏe

Gỡ khó về tài chính cho bệnh viện công - Kỳ cuối: Cần giải pháp căn cơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhằm nắm bắt rõ thực trạng cũng như khó khăn, vướng mắc của các đơn vị y tế công lập trong việc thực hiện tự chủ về tài chính, Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh Gia Lai đã tiến hành khảo sát “Việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính và chế độ chính sách đối với công chức, viên chức, người lao động trong cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2022”. Qua đó, đề xuất giải pháp gỡ khó, tạo điều kiện để các đơn vị hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Nhiều kiến nghị, đề xuất

Tại các buổi làm việc với đoàn khảo sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh, đại diện các đơn vị y tế công lập đã có nhiều kiến nghị, đề xuất nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong thực hiện cơ chế tự chủ tài chính.

Bác sĩ Lý Tiến Thành-Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Y dược cổ truyền-Phục hồi chức năng tỉnh-kiến nghị: Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Y tế và Sở Tài chính cần xem xét, kiến nghị bổ sung ngân sách cho Bệnh viện khi nguồn thu không đủ chi lương và các khoản phụ cấp cho nhân viên; đồng thời, kiến nghị với các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn, bất cập trong công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cần xem xét để Bệnh viện thực hiện tự chủ một phần kinh phí chi thường xuyên phù hợp với đặc thù của bệnh viện chuyên khoa y học cổ truyền.

Cán bộ y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh chăm sóc bệnh nhân. Ảnh: N.N

Cán bộ y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh chăm sóc bệnh nhân. Ảnh: N.N

Còn bác sĩ Mai Minh Hiền-Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh thì đề xuất: Trung ương cần sửa đổi mức hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi nghề theo Nghị định số 56/2011/NĐ-CP của Chính phủ, chế độ phụ cấp độc hại theo Thông tư số 07/2005/TT-BNV của Bộ Nội vụ cho một số cán bộ làm việc trong môi trường lao; nhanh chóng thực hiện chính sách tiền lương mới.

Trong quá trình thực hiện Quyết định số 373/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, tỉnh cần đẩy mạnh đầu tư cho chương trình chống lao, cấp kinh phí cho các hoạt động phòng-chống lao từ tỉnh đến xã. Hiện nay, Thông tư số 26/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu y tế-dân số giai đoạn 2016-2020 đã hết hiệu lực. Vì vậy, HĐND tỉnh cần sớm quyết định phê duyệt định mức kinh phí hỗ trợ người làm công tác chống lao cơ sở.

Sở Y tế, Bảo hiểm Xã hội phân phối cơ số thẻ khám bảo hiểm y tế để đơn vị phối hợp sàng lọc cộng đồng cùng với chiến lược 2X, bệnh nhân hen-COPD sau khi được sàng lọc, đo chức năng hô hấp có biểu hiện bệnh lý của phổi được tiếp nhận điều trị theo chuyên khoa, không cần có giấy chuyển viện của trung tâm y tế huyện.

Theo bác sĩ Nguyễn Tấn Phúc-Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, phương án tự chủ giai đoạn 2023-2025 đã có sự thống nhất từ Đảng ủy, Ban Giám đốc, Công đoàn và toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động. Bệnh viện xây dựng phương án tự chủ giai đoạn 2023-2025 là đơn vị sự nghiệp công tự đảm bảo chi thường xuyên (nhóm II, đảm bảo chi thường xuyên 100%) và trình các cấp thẩm quyền phê duyệt.

Để đảm bảo hoạt động trong thời gian tới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh kiến nghị Bộ Y tế điều chỉnh giá dịch vụ đảm bảo các yếu tố chi phí còn thiếu. Đề nghị UBND tỉnh, Sở Y tế và Sở Tài chính xem xét cấp hỗ trợ kinh phí chi thường xuyên do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 năm 2020, 2021, 2022, các khoản kinh phí theo Đề án được duyệt và kinh phí thực hiện nhiệm vụ cấp thẩm quyền giao để đơn vị đảm bảo nguồn kinh phí hoạt động bình thường.

Theo bác sĩ Vũ Trọng Dũng-Phó Giám đốc Bệnh viện 331, trong khi các bệnh viện công bỏ công sức ra đào tạo nhân lực thì các bệnh viện tư lại mời chào bằng mức lương cao, dẫn đến việc bệnh viện công bị “chảy máu” nhân lực. Nên chăng cần có cơ chế và giải pháp ràng buộc để giảm thiểu tình trạng này.

Cần có chính sách đãi ngộ, thu hút nhân lực

Tại các buổi khảo sát, đại diện các đơn vị y tế cũng đã có nhiều đề xuất về chính sách đãi ngộ, thu hút nhân lực đối với ngành Y tế. Các đề xuất đều cho rằng: Nghề y là một nghề đặc biệt, đào tạo tốn kém nên nhân lực y tế cũng cần có chế độ đãi ngộ đặc biệt. Về vấn đề này, ông Lý Minh Thái-Phó Giám đốc Sở Y tế-nói: Bác sĩ có thời gian đào tạo 6 năm. Ngoài ra, theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, bác sĩ sau khi ra trường phải học thêm 18 tháng tại các bệnh viện lớn mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Vì vậy, cần xây dựng mức lương khởi điểm của bác sĩ cao hơn mức lương khởi điểm chung của bậc đại học. Đề nghị có chính sách ưu đãi về lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ đặc biệt, cơ hội phát triển nghề nghiệp, thăng tiến cho cán bộ y tế làm việc tại khu vực, địa bàn khó khăn…

Phó Giám đốc Sở Y tế cũng đề nghị Bộ Y tế sớm hướng dẫn thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh theo hướng tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám-chữa bệnh; xây dựng, hoàn thiện quy trình chuẩn về chuyên môn, làm cơ sở trong thanh quyết toán bảo hiểm y tế, tránh tình trạng xuất toán bảo hiểm y tế. Tập huấn nâng cao kỹ năng về quản lý, kinh tế y tế, tài chính y tế, quản trị bệnh viện cho lãnh đạo và các cán bộ chủ chốt của các đơn vị.

Nghề y là một nghề đặc biệt, vì vậy, cần có chế độ đãi ngộ đặc biệt để cán bộ, nhân viên y tế yên tâm công tác, cống hiến. Ảnh: Như Nguyện

Nghề y là một nghề đặc biệt, vì vậy, cần có chế độ đãi ngộ đặc biệt để cán bộ, nhân viên y tế yên tâm công tác, cống hiến. Ảnh: Như Nguyện

Bên cạnh đó, Sở Y tế đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan tham mưu ban hành cơ chế chính sách thu hút và chế độ ưu đãi đối với cán bộ ngành Y tế, đặc biệt là cán bộ có trình độ cao, nhân viên công tác tại tuyến xã. Hỗ trợ kinh phí hàng năm cho các đối tượng thuộc diện quy hoạch đào tạo để nâng cao trình độ, nhất là về chuyên môn, bảo đảm các điều kiện thu hút cán bộ chất lượng cao về tỉnh làm việc và ổn định đời sống để viên chức yên tâm công tác.

Sở Kế hoạch và Đầu tư quan tâm bố trí các nguồn vốn đầu tư công đảm bảo đủ kinh phí trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội cho các chương trình, dự án phát triển sự nghiệp y tế. Sở Nội vụ cần tham mưu xây dựng các quy định về chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ thầy thuốc, cán bộ có trình độ chuyên môn cao về công tác tại tỉnh. Sở Tài chính cân đối theo khả năng ngân sách của tỉnh tham mưu cấp thẩm quyền xem xét bố trí kinh phí sự nghiệp để thực hiện Đề án phát triển hệ thống y tế tỉnh đến năm 2030.

Từ kết quả các buổi khảo sát tại một số đơn vị y tế công lập, đoàn khảo sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh đã nắm bắt toàn diện, đầy đủ tình hình cũng như ghi nhận các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của ngành Y tế. Theo Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh Huỳnh Thế Mạnh, mục đích của đợt khảo sát nhằm ghi nhận những việc làm được và chưa làm được, từ đó tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn để các đơn vị y tế công lập hoạt động tốt hơn, đảm bảo công tác khám-chữa bệnh cho người dân.

Thời gian qua, do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, trong đó có cả việc quản lý, điều hành chưa tốt đã dẫn đến việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính và chế độ chính sách đối với viên chức, người lao động trong cơ sở y tế công lập gặp nhiều khó khăn. Đợt khảo sát này, đoàn ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của các đơn vị từ đó tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét, nghiên cứu, quyết định.

Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh Huỳnh Thế Mạnh cho rằng: Trong việc thực hiện các chế độ, chính sách liên quan, những vấn đề cấp thiết, ngành Y tế cần chủ động tham mưu, đề xuất để tỉnh xem xét, kịp thời có sự bổ sung, điều chỉnh phù hợp. Trong đó, Sở Y tế cần tăng cường công tác quản lý từ tỉnh đến cơ sở; rà soát, xem xét các chức danh lãnh đạo còn thiếu để nhanh chóng bổ sung. Về công tác quản lý tài chính, đề nghị Sở Tài chính quan tâm bố trí cán bộ hỗ trợ ngành Y tế các vấn đề liên quan đảm bảo thực hiện theo đúng quy định. Về tự chủ tài chính, Sở Y tế cần nâng cao trách nhiệm, sâu sát và kịp thời hơn, đồng thời kiểm tra thường xuyên. Đối với những bất cập trong phạm vi của Sở Y tế cần nhanh chóng giải quyết, các vấn đề vượt quyền thì tham mưu, kiến nghị lên cấp trên để kịp thời tháo gỡ.

Có thể bạn quan tâm