Thời sự - Bình luận

Gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng - đã cấp cứu thì phải thần tốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

“Đừng cầu toàn quá, không chờ hết dịch, hết giãn cách mới bắt đầu hỗ trợ”, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung nói tại hội nghị sơ kết 6 tháng ngành lao động sáng 14.7.
 

Người dân gặp khó khăn khi tiếp cận các gói hỗ trợ. Ảnh Trần Lưu
Người dân gặp khó khăn khi tiếp cận các gói hỗ trợ. Ảnh Trần Lưu


Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ đạo quyết liệt để thúc đẩy gói hỗ trợ này đến nhanh với các nhóm đối tượng thụ hưởng. Ông Dung khẳng định, các thủ tục hành chính cũng giảm tới 2/3 để người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận chính sách.

“Nhanh” là nhu cầu, là yêu cầu và là mệnh lệnh của dân đối với các cơ quan thực hiện gói hỗ trợ này. Nói là mệnh lệnh của dân bởi vì xét cho cùng, ngân sách là từ đồng tiền thuế của người dân, sử dụng ngân sách để lo cho dân là việc đương nhiên, là việc phải làm và làm cho có hiệu quả.

Và đó cũng là mệnh lệnh của Chính phủ, như chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, đó là phải bảo đảm hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, khách quan, công bằng, đáp ứng được nguyện vọng của đại đa số người dân và đòi hỏi của thực tiễn.

Vì sao nhanh? Vì đã cấp cứu thì phải kịp lúc. Các đối tượng gặp khó khăn vì đại dịch COVID-19 đang chờ đồng tiền hỗ trợ như một liều thuốc cấp cứu, nếu đến chậm, kéo dài hằng tháng thì nó không còn ý nghĩa cấp cứu nữa. Cũng giống như thuốc đến thì bệnh nhân đã qua đời.

Vì sao nhanh? Vì trong các nhóm đối tượng được hỗ trợ, có nhóm lao động tự do bị mất kế sinh nhai. Đa số họ là những người “ráo mồ hôi là hết tiền”, vì thế tiền hỗ trợ, dù ít ỏi cũng rất cấp thiết để giúp họ vượt qua khó khăn, chờ cơ hội trở lại với công việc. Đồng tiền đến tay họ kịp thời, không chỉ là giúp xoay sở sinh hoạt, mà động viên tinh thần, đem đến sự ấm áp trong những ngày dịch bệnh.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đã chia sẻ về điều này: “Người dân ngóng từng ngày, nếu cơ quan, địa phương, đơn vị nào làm chậm là có lỗi với dân, nếu có làm sai thì có tội với dân”.

Đến đây, tưởng cũng cần nhìn lại gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng năm 2020, vì có nhiều thủ tục phức tạp, cho nên đã không thực hiện kịp thời, chưa có hiệu quả, đạt được kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp.

Gói lần này đã loại bỏ những thủ tục phức tạp đó, các địa phương phải nỗ lực tối đa để hoàn thành nhiệm vụ. Có lẽ, cũng cần đề ra “hạn chót” cho việc thực hiện, địa phương nào không hoàn thành đúng hạn phải chịu trách nhiệm.

Cũng cứ thẳng thắn để nói lên rằng, đừng để dân lên tivi mà nhận.

 

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/goi-ho-tro-26000-ti-dong-da-cap-cuu-thi-phai-than-toc-930905.ldo

Theo Lê Thanh Phong (LĐO)

Có thể bạn quan tâm