(GLO)- Họ-những đoàn viên, thanh niên dân tộc Jrai đầy nhiệt huyết, sôi nổi trong mọi phong trào Đoàn của xã Ia Tôr, huyện Chư Prông, bằng nỗ lực và tinh thần không ngại khó khăn, tìm việc làm để gây quỹ giúp nhau phát triển kinh tế và lưu giữ văn hóa truyền thống của dân tộc.
Giúp nhau làm kinh tế
Những thanh niên Jrai trên địa bàn xã Ia Tôr đã tận dụng lợi thế của vùng đất để gây dựng nguồn quỹ nhằm duy trì các hoạt động Đoàn và cùng giúp nhau làm kinh tế, thoát nghèo.
Anh Kpuih Hùng- Bí thư chi đoàn làng Blu giới thiệu về bộ cồng chiêng của chi đoàn. Ảnh: H.T |
Hoạt động này càng phát triển mạnh hơn khi năm 2006, Đoàn xã Ia Tôr phát động thành phong trào gây quỹ theo từng chi đoàn thôn, làng. Theo đó, vào những vụ thu hoạch cà phê, mì, xuống trụ tiêu và cạo mủ cao su, các chi đoàn đã tập hợp đoàn viên, thanh niên cùng nhận làm thuê. Ngoài ra, các chi đoàn còn mượn đất của một số hộ gia đình có nhiều đất sản xuất nhưng ít nhân lực để sản xuất tăng nguồn quỹ.
Anh Nguyễn Quang Phương- Bí thư Đoàn xã cho biết: Từ khi phát động phong trào gây quỹ, các đoàn viên thanh niên trên địa bàn đã hưởng ứng rất nhiệt tình. Đặc biệt, trong số 15 chi đoàn, có 7 chi đoàn thôn, làng của thanh niên Jrai thực hiện rất tốt phong trào này.
Nổi bật là chi đoàn làng Nẻ và làng Blu. Trung bình hàng năm, mỗi chi đoàn gây quỹ với số tiền ít nhất 30 triệu đồng từ các buổi làm thuê. Đặc biệt, sau khi gây quỹ, các chi đoàn không những sử dụng nguồn quỹ để trang bị một số vật dụng phục vụ cho hoạt động của Đoàn như mua cồng chiêng, dàn âm thanh, tổ chức giao lưu giữa các thôn, làng mà còn giúp nhiều đoàn viên khó khăn vay không tính lãi để phát triển kinh tế gia đình.
Chỉ tính riêng chi đoàn làng Blu, trong năm 2012, đã gây quỹ được 33 triệu đồng và giúp đỡ 8 hộ gia đình thanh niên có vốn đầu tư phát triển cà phê và giải quyết những khó khăn trước mắt. Nhận tiền mượn được để đầu tư phân bón cho 6 sào cà phê sắp tới, anh Kpuih Thanh (làng Blu) vui mừng: “Tham gia phong trào, mình không những tận dụng được thời gian rảnh rỗi làm những việc có ích mà còn được giúp đỡ về nguồn vốn và ngày công lao động để phát triển kinh tế gia đình. Mình và vợ tính sẽ cố gắng làm để năm sau có vốn trả nợ cho chi đoàn và giúp đoàn viên khó khăn hơn mình được vay vốn”.
Cùng nhau lưu giữ văn hóa cồng chiêng
Ngoài những ngày lên nương rẫy, đoàn viên, thanh niên còn tham gia các buổi giao lưu văn nghệ, thể thao do Đoàn xã tổ chức vào những dịp lễ lớn của thôn, làng. Trong đó, học đánh cồng chiêng được các bạn trẻ thực hiện ở mọi lúc, mọi nơi từ những người đi trước và bạn bè. Đến nay số lượng đoàn viên, thanh niên biết đánh cồng chiêng trên địa bàn xã khá nhiều. Anh Siu Biu-làng Blu chia sẻ: “Từ nhỏ mình đã được xem ama đánh chiêng, mình thích lắm nên cố theo ama học. Giờ thì mình đã biết đánh và có thể tập cho mọi người cùng chơi để biểu diễn khi làng có hội”. Còn Siu Khoan chia sẻ bí quyết: “Để đánh được chiêng là phải có niềm đam mê và kiên trì. Nếu không có đam mê sẽ không đánh chiêng hay được đâu”.
Tuy nhiên, những nghệ nhân chỉnh chiêng bây giờ trên địa bàn xã còn lại không nhiều. Đây cũng là điều mà đoàn viên thanh niên Đoàn xã Ia Tôr rất trăn trở. Trong Đại hội Đoàn xã lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2012-2017 vừa qua, Đoàn xã Ia Tôr đã lên kế hoạch trong 5 năm tới, 7 chi đoàn thanh niên Jrai trên phải mua được 7 bộ cồng chiêng. Theo kế hoạch, khi có bộ cồng chiêng, ngoài việc sử dụng trong các dịp lễ của làng, các chi đoàn có thể thuê các nghệ nhân chỉnh chiêng về dạy đánh chiêng cho các đoàn viên, thanh niên của mình. Vì vậy, ngoài việc giúp nhau làm kinh tế, các chi đoàn còn tăng cường gây quỹ để mua cho chi đoàn một bộ cồng chiêng.
Anh Ksor Giới- Phó Bí thư Đoàn xã cho biết: “Hiện toàn Đoàn xã đã có 2 chi đoàn có cồng chiêng là chi đoàn làng Blu và chi đoàn làng Nẻ. Với quyết tâm cùng sự nhiệt tình, chịu khó của các đoàn viên, thanh niên tôi tin đến năm 2017, các chi đoàn còn lại sẽ mua được bộ cồng chiêng riêng cho mình”.
Hồng Thương