Thơ ông đầy những câu hỏi lớn lao về Tổ quốc và Nhân dân, luôn trăn trở, dằn vặt trước sự vĩ đại và cả những đời thường ông gặp. Có cảm giác trong ông, máu luôn sôi lên và tim cũng luôn rung những nhịp ngân về những điều lớn lao thiêng liêng. Ông rất thành công ở mạch thơ mang cảm hứng sử thi mà “Tổ quốc nhìn từ biển” là một ví dụ.
Nhưng một mặt nữa, ông cũng là thi sĩ của tình yêu cá nhân. Những bài thơ tình của ông làm xốn xang không ít trái tim người đọc. Tôi từng rưng rưng khi đọc thơ của ông viết về mẹ, về vợ. “Đêm nay ba nén hương tàn/Nước trong một chén, kinh ngàn lời ru/Mẹ tôi vạt áo nâu xưa/Tay thành kính chắp, khói mờ dương gian”-ông viết về mẹ như thế. Và đây là một đoạn ông viết về... cô bé ấy: “Cô bé ấy có một lần nói khẽ/Anh tin không, em sẽ ngủ một tuần/Anh đừng đến và đừng buồn anh nhé/Em ngủ rồi còn ai nữa mà mong/Em ngủ rồi, em có dậy nữa không/Mùa thu tiễn anh qua miền phố vắng/Mỏng manh quá lời yêu không đủ ấm/Những đam mê ngày ấy ngỡ xa rồi”.
Ông hiện sống và sáng tác ở Hà Nội, là hội viên hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội.
Nhà thơ Văn Công Hùng chọn và giới thiệu.
NHỮNG CÂU THƠ BẰNG ĐẤT NUNG
Anh bay qua xứ sở của những ngọn tháp cô đơn
cô đơn suốt đời
trong vũ điệu bí ẩn của những người đàn bà
họ hiển lộ với vầng trăng trên ngực trần khao khát
họ hóa thạch với cặp đùi trần tràn trề sức sống phồn sinh
vì có họ nên các đền tháp kia
mới trở thành những câu thơ bằng đất nung
ngân mãi điệu nhạc của lặng im và bí ẩn
trên xứ đất thanh bình.
và nếu như những người đàn bà
không còn xuất lộ trên các đền tháp ấy
thì cánh buồm thi ca bằng đất nung
biết trôi về đâu trong đêm
trên xứ đất điêu tàn
bởi những giấc mơ sự sống cần được thụ thai và sinh nở
nên hai linh vật Linga và Yoni
là khúc hoan ca mãi mãi bất diệt ở xứ đất này.
ĐIỀU BÍ MẬT CHƯA CÓ LỜI GIẢI
***
Ven hồ có hai cây bồ đề
cây thứ nhất nói với ta:
con người sau khi mất thường hóa thành chim
chúng làm tổ trong vòm lá xanh biếc của ta
cây thứ hai nói với ta:
những con chim sau khi chết
thường hóa thành bầy dế nỉ non suốt đêm dưới gốc cây của ta.
Minh họa: H.T |
Vậy phải chăng sự sống trên thế gian này
là sự chuyển hóa từ kiếp này sang kiếp khác
và từ đây ta coi loài chim và bầy dế
đều là bè bạn thân thiết của mình như thuở còn ấu thơ.
nhưng không hiểu loài chim kia có biết kiếp trước chúng là người?
và loài dế kia có biết kiếp trước chúng là chim?
riêng điều bí mật ấy không ai trả lời ta
hai cây bồ đề ở ven hồ.
EM, CÂY ĐÀN BIỂN
Anh thấy vệt nước chảy như tiếng vĩ cầm
trên làn da thấm nắng của em
một ngày trôi bên bờ biển ấm
cát không làm phiền chúng ta
những dấu chân trên cát như nốt nhạc
tiếng vĩ cầm trên cát nhớ em không?
nắng không làm phiền chúng ta
dáng em như cây đàn mảnh mai thon thả
tiếng vĩ cầm trong nắng nhớ em không?
Minh họa: Huyền Trang |
Gió biển không làm phiền chúng ta
gió miết vào những dây đàn xúc động gợi cảm nơi em
tiếng vĩ cầm trong gió nhớ em không?
bên bờ biển ấy
trời xanh là bản nhạc không lời
không làm phiền chúng ta
bởi vì anh và em chỉ là hai giọt nước
chưa hòa tan vào sự bất lực của thi ca trữ tình
vì dường như chúng ta không học cách làm quen với nhau
tiếng vĩ cầm xanh biếc nhớ em không?