Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Gương mặt thơ: Song Hảo

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Chỉ với 2 bài thơ được phổ nhạc và được hát khắp trong Nam ngoài Bắc là chị đã đủ nổi tiếng rồi.

guong-mat-tho-song-hao-4967.jpg

Đó là bài “Mùa xuân bên cửa sổ” do nhạc sĩ Xuân Hồng phổ và bài “Tâm hồn” do nhạc sĩ Huy Tiến phổ. Phải đến gần 20 năm sau khi bài “Tâm hồn” được phổ nhạc, với sự góp phần “liên lạc” của tôi, chị và nhạc sĩ mới gặp nhau.

Có lẽ ít người biết chuyện năm 16 tuổi, đang là nữ sinh, chị đã vào chiến khu tham gia kháng chiến và sáng tác từ thời bưng biền gian khổ ấy. Từ “năm 1968, ngoài làm thơ, chị còn viết văn xuôi, với truyện ngắn đầu tay “Thằng Mễnh” đăng ở báo Dân Chủ Mới. Còn bút danh Song Hảo được dùng lần đầu với truyện ngắn Câu chuyện tháng tám viết trong chiến khu, đăng trên báo Đất Thép năm 1972”-Cổng thông tin điện tử Vĩnh Long viết về chị.

Chị tên thật là Lê Thị Tố Lan, sinh năm 1951 ở một cù lao toàn cây trái của tỉnh Vĩnh Long. Tôi đã vào nhà chị, một ngôi nhà bốn phía là gió với cái hiên rất rộng, đủ chỗ cho cả xóm ngồi... nhậu. Sau 1975, chị về thành phố và làm việc ở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, từng là Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Vĩnh Long, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đầu tiên của tỉnh này.

Trở lại với 2 bài thơ nổi tiếng được phổ nhạc, tại sao nó lại... nổi tiếng. Chính là bởi cái thi ảnh, cái ý tưởng táo bạo của thơ chị. Hồi ấy, yêu nhau còn rụt rè lắm. Chả thế mà bài “Mùa xuân bên cửa sổ” rành rành “Cao cao bên cửa sổ có hai người hôn nhau” mà rất nhiều nơi, nhiều lần khi biểu diễn hoặc phát đều bị sửa thành “có hai người bên nhau”. Cũng như thế là bài “Tâm hồn”, tên gốc là “Bao giờ” cũng rất táo bạo khi mà chị bày tỏ rất thật: “Bao giờ anh đau khổ/hãy tìm đến với em”.

Hồi ấy, hầu như chưa ai dám viết như thế. Huống gì chị là nữ và như đã nói, một người đàn bà bình dị, dịu dàng và hết sức lặng lẽ. Chị cho biết khi bài thơ “Mùa xuân bên cửa sổ” ra đời, chị cũng bị góp ý nhẹ. “Cao cao bên cửa sổ/có hai người hôn nhau/hai người rất trẻ/hãy im nghe/rì rầm đường phố/bên cửa sổ/có hai người/hôn nhau”. Đoạn sau, để an toàn chị cho nhân vật người lính và cô công nhân hôn nhau dưới hoa, dù chị kể, chị chính là nhân vật trữ tình ấy.

Những năm 1984-1985, Nhà hát Ca múa nhạc Trung ương vào biểu diễn ở nhà hát ngoài trời Pleiku (giờ là Quảng trường Đại Đoàn Kết), ca sĩ Ái Vân hát bài “Tâm hồn” đã “bị” vỗ tay mời hát đi hát lại tới mấy lần. “Mặt đất còn chông gai/Cuộc đời còn bão tố/Bao giờ anh đau khổ/Hãy tìm đến với em”… đã làm xốn xang bao trái tim. Thật lạ, ở đâu có mẫu người vị tha đến thế! Những câu thơ đầy bao bọc chở che kia, đầy âm vang chờ đợi, với những ngọt ngào nhẫn nhịn đầy cao thượng kia đã làm rung lắc trái tim bao người.

Nhà thơ Văn Công Hùng chọn và giới thiệu.


Người đàn bà đi qua mùa đông


Mùa xuân pha trộn sắc màu không thể rực rỡ hơn

Lấp đầy khoảng trống tâm hồn người đàn bà

đã qua mùa đông nghiệt ngã.

1-nguoi-dan-ba-di-qua-mua-dong-3909.jpg
Minh họa: H.T

Tiếng chim gáy trước sân nhà rất mượt

Tiếng gà gọi ban mai tươi hồng

Bàn tay điểm xuyết thời gian

Trau chuốt gương mặt mình

Lãng quên héo hắt

Người đàn bà đĩnh đạc thong dong

Trái tim ươm mầm hạnh phúc

Đan tay mùa xuân

Khai hội.


Phía sau cánh đồng


Tôi đi trên cánh đồng người đàn bà hoài thai

Bầu vú căng tràn giọt sữa

Tôi uống lấy nguồn đam mê vô tận

Tan trong mỗi tế bào tôi.


Ơi cánh đồng người đàn bà nhân hậu

Phía sau kia

Là giọt mồ hôi đỏ của ba tôi

Ngấm vào rơm rạ

Từng dòng run rẩy khôn nguôi.


Mặt trời đốt lưng ông thành màu nâu đen

Thứ màu không có trong hội họa

Cánh đồng vẫn hân hoan màu mỡ

Reo lên tấu khúc mùa đầy.


Nhiều khi

Ông nằm ngủ dưới vòm trời cỏ cây phóng đãng

Mơ lang thang miền hoa trái không mùa

Tiếng cá quẫy còn lẫn trong giọng mớ

Đôi mắt khép hờ đau đáu nỗi niềm riêng

Đã có lần

Tôi cúi xuống hôn bàn chân ba tôi lúc ông ngủ quên

Mà nghe tim mình rung nỗi đau không dứt

Đôi bàn chân như vẫn còn thao thức

Đang gieo mầm trên mảnh đất tổ tiên

Thời gian khắc lên đôi bàn chân ông

Những vết đời tứa tấy


Có cơn bão tràn về ướt sũng niềm đau

Có nhánh lúa thơm cong về phía no đầy

Đôi bàn chân gan lỳ bước qua số phận

Đánh thức tiềm lực đất đai

Vẽ lên thế hệ sau những gam màu rực rỡ.


Ơi cánh đồng!

Đâu những miền tuổi thơ tôi qua

Khi nhớ khi quên lãng đãng

Phía sau cánh đồng người đàn bà viên mãn

Là màu nâu đen bóng ngời trên lưng ba

Vẫn còn nguyên vẹn

Rụng trong ký ức tôi những hạt nhớ

Lên mầm.


Khúc hát dòng sông


Một buổi sáng

Tôi nhận ra gương mặt sông nụ cười

Như có từ ngàn năm trước

Thanh khiết

Trong vắt

Quyến rũ như tiếng dương cầm.

1-khuc-hat-dong-song-5387.jpg
Minh họa: T.N

Tôi ào xuống dòng sông

Làm trôi đi những nỗi buồn thế kỷ

Tôi kỳ cọ da thịt tôi

Tôi kỳ cọ tâm hồn tôi thật sạch

Cho loài ký sinh ù lì không còn chỗ ẩn nấp.


Tôi hoan ca cùng dòng sông

Khúc hát chảy ra biển lớn

Cuốn phăng hết muộn phiền.


Theo dòng sông

Lòng tôi chảy đến vô biên

Qua mỗi khúc quanh, gặp bao bến bờ lau sậy

Dàn hợp xướng bên tai tôi réo gọi:

“Này người đàn bà

Thôi hoang tưởng

Hãy vịn vào mình mà đứng lên!”.

Có thể bạn quan tâm