Phóng sự - Ký sự

Hà Nội trong mắt tôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hà Nội đã vào cuối thu. Những cơn mưa bất chợt lại về. Những cây bàng, cây sấu đang xanh lại màu xanh của lá. Người người tấp nập và háo hức. Các con đường, ngõ phố như bừng lên khí sắc mới. Tất cả đang hướng về Đại lễ.
Những điểm nhấn trong thành phố như khu vực hồ Hoàn Kiếm, di tích trung tâm Hoàng thành, Quảng trường Ba Đình… đều được trang hoàng lộng lẫy và đâu đâu người ta cũng gặp biểu tượng rồng bay, một biểu trưng văn hóa Đại Việt, niềm tự hào của con Rồng cháu Tiên. Người khắp nơi đổ về Hà Nội. Bản tin giao thông được phát đi thường xuyên trong ngày để hướng dẫn, điều chỉnh các phương tiện đi lại, tránh sự ùn tắc trên các ngả đường ra vào thành phố. Các chuyến bay trong nước và quốc tế đến Sân bay Nội Bài  tăng cao trong những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10. Các đoàn khách quốc tế và kiều bào nước ngoài được mời dự Đại lễ cũng không kém phần háo hức, muốn được chiêm ngưỡng một kinh đô của Việt Nam ngàn năm văn hiến.
Trước ngày diễn ra Đại lễ, một số công trình ấn tượng ở thủ đô cũng đã hoàn thành như Đại lộ Thăng Long dài nhất Việt Nam (29 km), Con đường gốm sứ ven sông Hồng dài 3.950 mét, đạt kỷ lục Guiness- bức tranh gốm sứ có 21 trường đoạn theo các chủ đề nhằm tôn vinh di sản nghệ thuật của cha ông thông qua ngôn ngữ các họa tiết hoa văn theo dòng chảy lịch sử; ngoài ra còn có các công trình văn hóa khác như Tượng đài Thánh Gióng, Rạp Kim Đồng, Bảo tàng Hà Nội, Công viên Hòa Bình, Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam…
 
Mọi người không ai bảo ai nhưng đều có chung tâm trạng lo trời mưa ảnh hưởng đến lễ hội. Rạng sáng ngày 1-10, chuẩn bị khai mạc Đại lễ, trời bỗng âm u và có mưa nhưng lượng mưa không lớn và sau vài mươi phút thì tạnh hẳn, mọi người thở phào nhẹ nhõm. Buổi lễ chính thức bên dưới Tượng đài Lý Thái Tổ diễn ra một cách tốt đẹp, hoành tráng.
Trước khai mạc Đại lễ 1 ngày, tôi và anh Đoàn Minh Phụng- Tổng Biên tập Báo Gia Lai, lội ngược dòng sông Lô lên với thủ đô kháng chiến- Tân Trào, Tuyên Quang. Cũng nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang đã trao tặng cho Hà Nội một hiện vật di tích lán Nà Nưa (Nà Lừa) mô phỏng-nơi Bác Hồ đã ở 92 ngày đêm (từ tháng 5 đến tháng 8-1945). Tại đây, Người tổ chức Đại hội quốc dân Tân Trào và lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Dù chuyến đi ngắn ngủi nhưng rất có ý nghĩa này đã giúp chúng tôi có cái nhìn xuyên suốt cả một chiều dài lịch sử từ thời đại Lý Thái Tổ đến thời đại Hồ Chí Minh.
Tối 30-9, chúng tôi hòa vào dòng người dạo quanh hồ Gươm để tìm chút cảm giác của lễ hội. Hồ Gươm được ví như con mắt của Hà Nội. Đây còn được xem là nơi linh thiêng của vùng đất Thăng Long xưa, nơi sinh ra truyền thuyết Lê Lợi trả gươm cho rùa thần khi cuộc kháng chiến chống quân Minh thắng lợi. Sự độc đáo của hồ Gươm là bởi  có các cụ rùa, một loài rùa lớn quý hiếm có một không hai ở Việt Nam. Người Hà Nội xem các cụ rùa hồ Gươm là linh vật đặc biệt. Mỗi khi có sự kiện lớn của thủ đô hay cả nước thì cụ rùa thường xuất hiện, nổi lên mặt nước và bơi dạo quanh hồ. Sáng ngày 1-10-ngày diễn ra Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, cụ rùa cũng đã nổi lên trước sự hân hoan chào đón của hàng vạn du khách và nhân dân thủ đô. Hồ Gươm càng đẹp và lộng lẫy bởi hàng ngàn ánh đèn lung linh, huyền ảo.
Linh khí 1000 năm Thăng Long càng được tôn lên khi nhiều người phát hiện hình ảnh “rồng bay” trong buổi sáng khai mạc Đại lễ. Khi trời ngớt mưa, một đám mây có hình thù giống hình tượng rồng thời Lý xuất hiện trên nền trời phía Đông Hà Nội. Điều đó khiến chúng ta liên tưởng đến câu chuyện cách đây đúng 1000 năm, trên đường dời đô từ Hoa Lư ra Đại La, Lý Thái Tổ đã nhìn thấy hình ảnh rồng vàng bay lên từ vùng linh địa này nên đã đặt tên cho kinh đô Đại Việt là Thăng Long.
Lễ hội 1000 năm Thăng Long- Hà Nội còn kéo dài cho đến ngày 10-10, ngày được cho là Chiếu dời đô có hiệu lực, kinh đô mới của nước Đại Việt được xác lập trên thế đất thiêng “rồng cuộn hổ ngồi” như ngày nay. Các lễ hội tiếp tục diễn ra hết sức đa dạng, phong phú và đặc biệt là lễ diễu binh hoành tráng nhất từ trước đến nay sẽ diễn ra trong ngày bế mạc Đại lễ.
Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm