Trước đây, để giảm tai nạn giao thông, Bộ Giao thông Vận tải đã từng có những quy định tương tự nhưng thực tế tai nạn giao thông không giảm do không kiểm soát được.
Dự thảo lần này quy định lái xe không quá 4 giờ liên tục, trong đó không quá 3 giờ liên tục kể từ 22 giờ đến 6 giờ, với lý luận nhịp sinh học thời gian này của con người cần nghỉ ngơi. Tuy nhiên, có một thực tế, ban đêm đường vắng, phương tiện sớm về đích cũng là cách giữ chất lượng hàng hóa tốt, đặc biệt với hàng tươi sống.
Ngoài ra, ban đêm nhiệt độ thấp hơn nên giảm được hư hỏng, ô nhiễm…; phương tiện lưu thông trên con đường thông thoáng cũng làm người điều khiển xe thoải mái về tâm lý như một động lực để lái xe an toàn. Nói tóm lại, tất cả những lợi ích trên đều mang dáng dấp thời gian.
Giám sát được thời gian tài xế lái xe liên tục không dễ dàng nhưng không thể không làm, bởi hiện nay các thiết bị công nghệ hiện đại hoàn toàn có thể thay thế con người một cách hiệu quả (như hộp đen trên máy bay chẳng hạn) và quan trọng nhất vẫn là sự hợp tác, tự giác từ người điều khiển phương tiện nhằm bảo vệ mình và cộng đồng.
Vì vậy, nên chăng quy định một cách dễ thực hiện hơn là lái xe đường dài hoặc chạy xuyên đêm, ít nhất phải có 2 tài xế có giấy phép lái xe phù hợp, xem như đây là điều kiện cần và đủ. Việc này vừa tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông nhanh chóng, tận dụng được phương tiện, đường sá một cách hiệu quả, trong khi vẫn bảo đảm người lái xe được nghỉ ngơi. Xe nào không đáp ứng được thì 4 tiếng và sau 22 giờ tự giác hoặc bắt buộc dừng lại nghỉ ngơi (cần đầu tư các trạm dừng nghỉ dọc đường có tiện nghi phù hợp). Khi đó chỉ cần giám sát số lượng tài xế và việc này nên gắn liền với trách nhiệm của bộ phận điều động phương tiện khi xuất phát.
Mặt khác, lực lượng kiểm tra kiểm soát cũng phải "sạch", nếu không, mọi biện pháp dù hay đến đâu cũng bằng không.
Dĩ nhiên, tăng thêm nhân sự cũng đồng nghĩa phải giải bài toán tăng chi phí quản lý, lương bổng…, ảnh hưởng lợi nhuận của doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi đã tăng thời gian hoạt động hữu ích của phương tiện lên cũng là cách tăng nguồn thu giảm giá thành.