Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Hai mẹ con hươu cao cổ trắng quý hiếm cuối cùng bị sát hại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hai mẹ con hươu cao cổ trắng quý hiếm cuối cùng trên trái đất đã bị những kẻ săn mồi sát hại khoảng 4 tháng trước, sau khi các nhà khoa học tìm thấy bộ xương ở Kenya.

Hình ảnh hai mẹ con hươu cao cổ trắng quý hiếm cuối cùng trên Trái Đất hồi tháng 5.2017 ở Kenya. Ảnh: AFP
Hình ảnh hai mẹ con hươu cao cổ trắng quý hiếm cuối cùng trên Trái Đất hồi tháng 5.2017 ở Kenya. Ảnh: AFP



CNN dẫn lời các kiểm lâm viên tại khu bảo tồn Ishaqbini Hirola, tỉnh Garissa, Kenya hôm 10.3 cho hay, bộ xương của hai mẹ con hươu cao cổ trắng tuyệt đẹp đã được tìm thấy. Sau đó, các nhà khoa học nhanh chóng dự đoán chúng bị giết ít nhất 4 tháng trước bởi những kẻ săn trộm.

Cơ quan bảo vệ động vật hoang dã Kenya đã có mặt ngay sau khi biết tin hươu cao cổ trắng đã biến mất trong một thời gian dài.

"Đây là một ngày rất buồn cho khu vực Ijara, tỉnh Garissa nói riêng và Kenya nói chung. Chúng tôi là khu vực duy nhất trên thế giới trông coi hươu cao cổ trắng" - quản lý khu bảo tồn ở tỉnh Garissa - ông Mohammed Ahmednoor cho biết.

Họ mô tả vụ sát hại là "một cú đánh vào những bước đi to lớn của khu vực nhằm bảo tồn các loài quý hiếm và độc nhất", cũng như "một lời cảnh tỉnh để tiếp tục hỗ trợ cho các nỗ lực bảo tồn".

Cơ quan bảo vệ động vật hoang dã Kenya đang điều tra vụ việc.

Con hươu cao cổ trắng đầu tiên được phát hiện vào năm 2017. Sau đó, thế giới chào đón thêm một con hươu cao cổ trắng nữa. Điều này, thu hút sự quan tâm của nhiều du khách trên khắp thế giới.

Video về con hươu cao cổ đầu tiên được đăng lên Youtube, lôi cuốn sự chú ý của hàng triệu người. Chúng cũng được nhiều tờ báo uy tín như USA Today, The Guardian, Inside Edition và National Geographic đưa tin.

"Đây là một mất mát to lớn đối với các nhà nghiên cứu về di truyền học. Họ đã đầu tư đáng kể vào khu vực này để nghiên cứu về chúng. Hơn thế, loài động vật quý hiếm này góp phần phát triển du lịch trong khu vực", ông Ahmednoor chia sẻ.

Các con vật có màu sắc độc đáo là do leucism - chứng bạch thể. Đây là một tình trạng di truyền làm cho các tế bào da của hươu cao cổ không thể tạo ra sắc tố. Điều đó dẫn đến hươu cao cổ có màu trắng, nhợt nhạt hoặc loang lổ.

Không giống như bệnh bạch tạng, động vật mắc chứng bạch thể tiếp tục tạo ra sắc tố đen trong mô mềm của chúng, có nghĩa là mắt của hươu cao cổ màu tối.

Tổ chức Động vật hoang dã Châu Phi ước tính, hươu cao cổ đã mất 40% dân số chỉ sau 30 năm kể từ nạn săn trộm và buôn bán động vật hoang dã diễn ra.

 

https://laodong.vn/the-gioi/hai-me-con-huou-cao-co-trang-quy-hiem-cuoi-cung-bi-sat-hai-790063.ldo

Theo HỒNG HẠNH (LĐO)

Có thể bạn quan tâm