Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Hai tấm gương khởi nghiệp nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Xuất phát điểm rất khác nhau nhưng cả 2 người đều rất thành công khi khởi nghiệp với nông nghiệp và được Thủ tướng Chính phủ trao bằng khen

Đặng Dương Minh Hoàng hiện là chủ nhiệm còn Lưu Lập Đức là phó chủ nhiệm Mạng lưới Lương Định Của toàn quốc-nơi kết nối những gương mặt tiêu biểu đoạt Giải thưởng Lương Định Của. Đây là giải thưởng thường niên của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh dành cho các thanh niên nông thôn xuất sắc.

Hai số phận

Lưu Lập Đức, SN 1992, là Giám đốc Công ty TNHH Agri Đức Tiến (Lâm Đồng) - doanh nghiệp (DN) có thành tích năm 2022 khiến nhiều người mơ ước: doanh thu 60 tỉ đồng, lợi nhuận 15 tỉ đồng.

Khởi đầu của Đức khiến nhiều người bất ngờ. Năm 2013, gia đình có biến cố nên anh phải từ bỏ sự nghiệp quân nhân chuyên nghiệp, xuất ngũ về địa phương. Kinh tế gia đình khi đó cực kỳ khó khăn, Đức phải làm nhiều việc như: bốc vác, chở nông sản… nhưng thu nhập chỉ đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của bản thân.

Năm 2015, cơ duyên đến với Đức khi một người bạn cũ điện thoại cho biết sắp mở một chuỗi cửa hàng bò né ở TP HCM, cần khoảng 200 kg xà lách carol Đà Lạt - Lâm sản. Khi đó, anh có người em vừa xuống TP HCM học nên nhận lời làm đầu mối cung cấp rau cho bạn. Đức lo gom hàng ở Lâm Đồng, người em ở TP HCM nhận hàng, giao cho bếp tổng của chuỗi bò né này.

Lưu Lập Đức thu hoạch rau tại vườn liên kết với nông dân. Ảnh: AN NA

Lưu Lập Đức thu hoạch rau tại vườn liên kết với nông dân. Ảnh: AN NA

Việc kinh doanh dần phát triển, vài tháng sau, Đức bắt đầu phối hợp với nông dân, thành lập các tổ liên kết sản xuất và hộ kinh doanh để ổn định nguồn hàng, đủ điều kiện đưa vào siêu thị (năm 2016). Đến năm 2019, anh nâng cấp mô hình kinh doanh lên DN, lấy tên là Công TNHH Agri Đức Tiến. Đến nay, DN này đã liên kết với hơn 20 hộ nông dân, tạo thu nhập ổn định cho các hộ liên kết sản xuất mới mức 15 triệu đồng/1.000 m2/tháng. DN còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 200 lao động ở địa phương.

Khác với Lưu Lập Đức - gầy dựng sự nghiệp từ tay trắng, Đặng Dương Minh Hoàng, Giám đốc Nông trại Thiên Nông (Bình Phước), lại có nền tảng vững chắc từ trước. Chàng trai sinh năm 1988 này được kế thừa nông trại 50 ha, được du học và từng làm việc tại Pháp với mức lương 75 triệu đồng/tháng.

Về nước năm 2016, Hoàng chuyển hướng trang trại gia đình theo mô hình kinh tế tuần hoàn ứng dụng công nghệ cao. Nhờ đó, dù đang làm việc tại TP HCM, anh vẫn quản lý được trang trại ở Bình Phước. Trang trại có hệ thống camera giám sát toàn vườn; tưới nước tự động bằng công nghệ Internet vạn vật (IoT); có xe phun thuốc tự động, điện năng lượng mặt trời áp mái, ứng dụng nhật ký điện tử AutoAgri truy xuất nguồn gốc, tự sản xuất nguồn phân hữu cơ…

Nhờ đó, sản phẩm Bơ Ông Hoàng (logo đã đăng ký sở hữu trí tuệ) đã xuất hiện trên kệ của các siêu thị nổi tiếng và xuất khẩu sang nhiều nước ASEAN. Sản phẩm hồ tiêu được sản xuất theo hướng hữu cơ và ký kết hợp đồng bao tiêu với Nedspice - tập đoàn gia vị hàng đầu của Hà Lan. Nông trại Thiên Nông là mô hình điểm về chuyển đổi số trong nông nghiệp, được nhiều đoàn khách đến tham quan, học tập.

Khát vọng làm giàu cho quê hương

Dù bận rộn với công việc riêng nhưng cả Đức và Hoàng đều rất "máu lửa" với các hoạt động truyền cảm hứng khởi nghiệp, hỗ trợ người đi sau để xây dựng cộng đồng khởi nghiệp nông nghiệp ngày càng mạnh lên.

Đức cho rằng anh được như ngày nay là nhờ rất nhiều "quý nhân" giúp đỡ. Sự có mặt đúng thời điểm của họ đã tạo ra những cột mốc lớn giúp anh trưởng thành, đạt nhiều thành quả. "Khởi nghiệp nông nghiệp khó vì phụ thuộc nhiều vào "ông trời". Không ai có thể làm một mình, nếu cùng hỗ trợ nhau thì sẽ có vùng nguyên liệu lớn, tăng sức cạnh tranh trên thương trường" - anh nhìn nhận.

Theo Đức, Lâm Đồng có rất nhiều lợi thế về rau củ, chỉ cần tạo được đầu ra ổn định thì sẽ mang lại thu nhập cao cho người trồng. Anh đã định hướng đi theo nông nghiệp truyền thống, trồng ngoài đất, dựa vào thiên nhiên để đa dạng chủng loại, đầy đủ dinh dưỡng và hương vị. Hiện tại, ngoài tiêu thụ trong nước, Đức còn tìm kiếm thị trường xuất khẩu để mở rộng đầu ra.

Với Hoàng, vào tháng 3-2022, vì mong muốn hiện thực hóa quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp, Nông trại Thiên Nông đã kết nối với những nông dân tiên tiến trên địa bàn để thành lập HTX Dịch vụ Nông nghiệp số Bình Phước. HTX này do anh làm giám đốc, đại diện triển khai nền tảng AutoAgri dùng để quản lý, giám sát, truy xuất nguồn gốc, chuyển đổi số nông nghiệp. Hiện nay, HTX đã thí điểm số hóa hơn 1.400 cơ sở gia công chế biến sản phẩm điều của Bình Phước; ký biên bản ghi nhớ hợp tác để hỗ trợ chuyển đổi số cho các nông hộ, DN, kết nối chuỗi nông sản nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu bền vững.

"Người trẻ luôn có nhiệt huyết muốn cống hiến, khát khao khẳng định bản thân và nhận được sự tin tưởng của thế hệ đi trước. Do đó, họ cần được "tiếp lửa" kịp thời để đưa nông nghiệp Việt Nam vươn tầm thế giới. Bởi lẽ, lợi thế và tiềm năng của nông nghiệp Việt Nam rất lớn" - Hoàng nhìn nhận.

Nỗ lực đã được ghi nhận

Đặng Dương Minh Hoàng được Thủ tướng tặng bằng khen vào tháng 6 vừa qua nhờ có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước ở lĩnh vực ứng dụng khoa học - công nghệ, góp phần phát triển nông nghiệp, nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc.

Trong khi đó, tháng 12-2020, Lưu Lập Đức cũng được Thủ tướng tặng bằng khen vì có thành tích trong sản xuất - kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Có thể bạn quan tâm