(GLO)- Gần 2 năm trước, khi anh Nguyễn Văn Hân (thôn Jít Le 2, xã Ia Lang, huyện Đức Cơ, Gia Lai) bán chiếc xe khách để chuyển sang làm cà phê rang xay, cả gia đình đều gọi anh là “hấp”. Nhưng giờ thì không ai còn bảo thế khi sản phẩm cà phê rang xay Nguyễn Hân mà anh dày công sản xuất đã bắt đầu tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường.
Anh Hân vốn là một tài xế xe dịch vụ, chuyên chở khách đi du lịch. Tuy không giàu có nhưng công việc khá ổn định này cũng đủ để anh và gia đình có một cuộc sống tương đối thảnh thơi. Thế nhưng, gần 2 năm trước, trong một lần chở khách đi du lịch Đà Lạt, anh bị hấp dẫn bởi những nông trại cà phê với mô hình sản xuất khép kín từ trồng, chăm sóc, thu hoạch cho đến chế biến để đưa tới người tiêu dùng những phin cà phê thơm ngát. Anh chia sẻ: “Tôi thực sự thích thú với mô hình đó và nghĩ mình cũng sẽ làm được. Nghĩ là làm, tôi về và bán đi chiếc ô tô đang chạy dịch vụ của mình được vài trăm triệu đồng. Sau đó, tôi bắt đầu đi học cách làm cà phê”.
Anh Nguyễn Văn Hân và sản phẩm cà phê rang xay của mình. Ảnh: H.D |
Quyết tâm là vậy nhưng thời điểm đó, anh Hân giống như “một người mù dò đường” khi hoàn toàn không có bất cứ kiến thức gì về sản xuất cà phê bột. Và anh quay trở lại Đà Lạt, rồi lặn lội sang Đak Lak, nơi được mệnh danh là thủ phủ cà phê Tây Nguyên, để học hỏi. Anh kiên trì gõ cửa tất cả những nông trại lớn để tìm hiểu về cách trồng sao cho ra những hạt cà phê chất lượng nhất. Đến lúc đó, anh mới biết, ở đây, người ta đã bắt đầu trồng cà phê theo hướng hữu cơ từ rất lâu. Bởi lẽ, muốn có những phin cà phê sạch phải bắt đầu từ những hạt cà phê sạch.
Sau chuyến đi, anh trở về truyền đạt lại những điều mắt thấy, tai nghe cho gia đình và bà con trong thôn. Từ đó, anh bắt tay vào việc chăm sóc 6 ha cà phê của gia đình mình theo hướng hữu cơ. Nhiều người trong vùng tin tưởng vào hướng đi của anh cũng bắt đầu áp dụng theo. “Nếu vẫn dùng phân bón và thuốc trừ sâu bình thường, mỗi héc ta cà phê có thể cho thu khoảng 4 tấn nhân, còn chăm sóc theo hướng hữu cơ thì chỉ được khoảng 3 tấn. Nhưng bây giờ, người tiêu dùng đều chú trọng tới thực phẩm sạch. Vì vậy, muốn sản phẩm cà phê đạt chất lượng, có khả năng cạnh tranh thì dù năng suất giảm một chút cũng phải làm. Vườn cà phê của tôi và của bố mẹ chăm sóc theo hướng hữu cơ đều có nhật ký nông hộ ghi rõ lượng nước tưới, lượng phân bón bao nhiêu, cắt cành ngày nào...”-anh Hân cho biết.
Sau khi vùng nguyên liệu được sắp xếp ổn thỏa, anh lại tiếp tục hành trình đi học cách rang xay cà phê. Cứ nghe ở đâu nói có thầy dạy là anh lại khăn gói lên đường. Hay khi có những cuộc thi rang cà phê được tổ chức ở những thành phố lớn, anh cũng xách ba lô đến xem cách người ta làm để học hỏi thêm. Anh tâm sự: “Trên hành trình gõ cửa hết thầy này tới thầy khác để học cách sản xuất cà phê bột, tôi may mắn gặp được thầy Hoàng Văn Thanh ở TP. Hồ Chí Minh. Thầy Thanh là một chuyên gia thử nếm cà phê. Thấy tôi quá tha thiết nên thầy đã truyền dạy cho tôi những kiến thức cơ bản về lĩnh vực này mà không lấy tiền”.
Hiện tại, sản phẩm cà phê rang xay mang thương hiệu Nguyễn Hân đã có mặt tại các quán cà phê trên địa bàn huyện Đức Cơ và một số quán cà phê ở TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An, Hà Nội... Mặc dù sản lượng tiêu thụ khá khiêm tốn do sản phẩm còn quá mới nhưng anh Hân luôn trân trọng, chu đáo với mỗi mối hàng. Anh cho biết, dù việc mở rộng thị trường trước mắt còn nhiều khó khăn nhưng bản thân vẫn lạc quan và tin tưởng ở con đường mình đã chọn.
Ông Nguyễn Đức Nho-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Kinh doanh-Dịch vụ-Nông nghiệp Ia Lang (xã Ia Lang) nhận xét: “Hân là một người vô cùng nhiệt tình và năng nổ. Anh cũng là một trong những thành viên sáng lập Hợp tác xã. Ngoài quyết tâm khởi nghiệp, Hân còn hỗ trợ kết nối nông dân trong vấn đề bao tiêu sản phẩm, tích cực tuyên truyền cho bà con về cách trồng cà phê sạch và rất tâm huyết trong lĩnh vực nông nghiệp sạch. Hân đang làm thủ tục cần thiết để có chứng nhận VietGAP về cà phê sạch trong năm 2019. Tôi mong chính quyền địa phương tạo điều kiện hơn nữa để sản phẩm cà phê Nguyễn Hân có thể tiếp cận được với rộng rãi người tiêu dùng, mở rộng thị trường thông qua những cuộc trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các hội nghị hoặc những buổi kết nối cung cầu của huyện, của tỉnh và cả ở những tỉnh khác trong cả nước”.
“Ban đầu, mọi người đều nghi ngờ vào con đường tôi chọn. Nhưng giờ thì họ đã tin là tôi làm đúng. Giờ chẳng ai gọi tôi là Hân “hấp” nữa”-anh Hân nói.
HÀ DUY