Thời sự - Bình luận

Hạn ngạch lúc... nửa đêm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Chỉ hơn sáu tiếng kể từ khi mở hệ thống khai báo hải quan điện tử bắt đầu lúc 0h ngày 12-4, đã có 39 doanh nghiệp mở tờ khai đăng ký 399.990/400.000 tấn gạo được phép xuất bán trong tháng 4-2020.



Đi cùng với lượng gạo được phép xuất khẩu trong tháng đầu tiên áp dụng hạn ngạch (quota) nói trên là nỗi bức xúc đến tột cùng của vô số doanh nghiệp đã có gạo nằm chờ sẵn ở cảng, nhưng không thể "chen" vào được hệ thống của hải quan như 39 doanh nghiệp "may mắn" kia, chỉ vì không biết thời gian mà hải quan mở mạng khai báo là lúc nào (!).

Doanh nghiệp càng bức xúc hơn khi quyết định công bố quota xuất khẩu gạo do Bộ Công thương ban hành ngày 10-4 ghi rõ thời gian có hiệu lực từ lúc 0h ngày 11-4, nhưng phải đến 24 tiếng sau, tức 0h ngày 12-4 (nhằm ngày chủ nhật), lúc Tổng cục Hải quan vừa thiết lập xong các chỉ tiêu thông tin trên hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan thì chỉ một số ít doanh nghiệp được biết và vào hệ thống đăng ký gần như sạch hết lượng gạo được phép xuất khẩu.

Trong khi đó, số đông doanh nghiệp đang có nguồn gạo dồi dào mong mỏi chờ tiêu thụ lại trắng tay, mất hàng ngàn USD/ngày cho chi phí neo đậu bến bãi kéo dài.

Câu hỏi đặt ra là vì sao khi nhận được quyết định của Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan không thông báo ngay lập tức thời hạn có hiệu lực cho doanh nghiệp?

Trong khoảng thời gian vàng 24 tiếng kể từ lúc thông tin được Bộ Công thương "bắn" đi, ngành hải quan liệu có thật sự bận đến mức không thể công bố trên trang mạng của mình về thời điểm 0h ngày 12-4 bắt đầu nhận khai báo thủ tục cho cộng đồng doanh nghiệp được rõ? Và tuy không thông báo trước nhưng thực tế đã có 39 doanh nghiệp biết và khai "trúng"?

Khẳng định không hề có lợi ích nhóm, hoặc trục lợi từ cơ chế mở cửa đăng ký vào khung giờ rất oái oăm, người đứng đầu Tổng cục Hải quan cho rằng các doanh nghiệp khi làm tờ khai giống như các hàng hóa khác, hoàn toàn không có bàn tay con người can thiệp vào vì "đây là hệ thống điện tử, doanh nghiệp thực hiện khai và nộp tờ khai điện tử 24/7, mọi lúc mọi nơi".

Thậm chí, cơ quan này còn cho rằng đã có văn bản kiến nghị Bộ Công thương và Chính phủ để góp ý cho chính sách điều hành xuất khẩu đợt đầu tiên này, đồng thời công khai xin tiếp thu kiến nghị của doanh nghiệp về việc cơ quan hải quan cần thông báo trước giờ tiếp nhận tờ khai hải quan xuất khẩu gạo.

Nhưng để dư luận lùm xùm ngành hải quan không công khai minh bạch ở thời điểm mở cửa hệ thống, thậm chí chi cục hải quan địa phương như TP.HCM cũng thừa nhận "chưa nhận được hướng dẫn chính thức nào với xuất khẩu gạo", Tổng cục Hải quan mới đề xuất văn bản góp ý thì thật khó thuyết phục.

Văn phòng Chính phủ cũng vừa truyền đạt chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu hai bộ Công thương và Tài chính phải báo cáo Thủ tướng về việc triển khai xuất khẩu 400.000 tấn gạo.

Rõ ràng, những bức xúc của cộng đồng doanh nghiệp trong những ngày qua khi đề cập đến việc điều hành, xuất khẩu gạo sau nhiều năm bỏ cơ chế hạn ngạch rất đáng để lãnh đạo Chính phủ lưu tâm.

"Quả đắng" mất mát cán bộ chủ chốt mà liên bộ Công nghiệp - Thương mại (cũ) hơn một thập niên trước lúc phân bổ quota dệt may hẳn còn nguyên giá trị, nếu lương tâm chức nghiệp vẫn chỉ là lời nói gió bay...

 

Theo TRẦN VŨ NGHI (TTO)

Có thể bạn quan tâm