Khoa học - Công nghệ

Bí ẩn khoa học

Hàng loạt lục địa Trái Đất đã tan vỡ, tạo ra sự sống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các nhà khoa học Úc đã tìm ra bằng chứng cho thấy các lục địa ngày nay chỉ là thế hệ "con cháu" của một lớp lục địa sơ khai.
Theo bài công bố trên tạp chí khoa học Nature, một mô hình toán học dựa trên các bằng chứng địa chất đã giúp nhóm nghiên cứu từ Đại học Monash (Úc) quay ngược thời gian lại 4,5 tỉ năm về trước. Như đã biết, đó là khi trái đất mới ra đời. Từ đó cho đến 1,5 tỉ năm sau nữa chính là thời điểm của sự hình thành các lục địa đầu tiên, sự phát triển của bầu khí quyển sơ khai và sự sống nguyên thủy.
 
Các lục địa ngày nay chỉ là thế hệ "con cháu" của các lục địa sơ khai - Ảnh: PIXAPAY
Tiến sĩ Fabio Capitanio, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết mô hình đã cho thấy quá trình hình thành đáng kinh ngạc của các lục địa đầu tiên: sự giải phóng nhiệt nguyên thủy từ sâu trong lòng địa cầu gấp 3-4 lần ngày nay, gây ra sự tan chảy lớn trong lớp phủ trên (lớp ngay bên dưới lớp vỏ Trái Đất). Đá tan chảy này được ép thành dòng magma đùn lên bề mặt Trái Đất. Lớp phủ nông ở các khu vực này bị mất nước và trở thành nền móng của các lục địa đầu tiên.
Tuy nhiên trong khoảng 4,5 đến 4 tỉ năm trước, các lục địa "tổ tiên" còn rất yếu là liên tục bị phá hủy. Sau nhiều lần vỡ ra rồi tái hợp, các mảnh lục địa này mới dần cứng cáp trong vòng 1 tỉ năm kế tiếp, trở thành lõi của các lục địa ngày nay.
Đặc biệt hơn, chính quá trình tạo lõi lục địa cứng cáp này đã kéo theo quá trình phong hóa và xói mòn khắp nơi trên thế giới, làm thay đổi thành phần khí quyển, cung cấp chất dinh dưỡng cho đại dương, kết hợp với các yếu tố khác tạo nên mầm mống của sự sống.
Trước đó, nhiều nghiên cứu cũng cho thấy cho dù "mầm sự sống" Trái Đất được sao chổi và tiểu hành tinh đem về từ không gian xa xôi, nhưng chính quá trình địa chất của Trái Đất đã ấp ủ, tạo nên chất xúc tác và khởi tạo các phản ứng sinh ra sự sống thật sự. Nghiên cứu này đã xác định chiếc lò luyện sự sống chính là quá trình tạo ra lục địa.
Theo Phys.org, mô hình của nhóm nghiên cứu đã giải thích được độ nóng chảy bí ẩn và cấu trúc phân lớp được quan sát ở hầu hết các miệng núi lửa trên Trái Đất.
Nghiên cứu đã vén bức màn bí ẩn về Hadean (Liên đại Hỏa Thành), giai đoạn địa chất mà Trái Đất như quả cầu rực lửa, lớp vỏ mới hình thành bị "tái chế" hoàn toàn. Giai đoạn các lục địa cứng cáp ra đời đánh dấu cho thời kỳ mới là Archean (Liên đại Thái Cổ), tức 3-4 tỉ năm trước. Kể từ đó đến nay, các lục địa hầu như không thay đổi cho dù có nhiều lần bị kéo dính lại thành siêu lục địa hay đẩy ra xa, phân tách thành 6 châu như ngày nay.
Anh Thư (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm