Chỉ vì một tờ giấy biên nhận có nội dung bị chèn thêm vào, TAND tỉnh Đak Lak đã buộc Công ty Ô tô Thái Hòa (gọi tắt Công ty Thái Hòa, trụ sở tại TP. Buôn Ma Thuột, Đak Lak) phải trả số tiền gần 1 tỷ đồng mà công ty này khẳng định không hề vay.
Ảnh minh họa |
Ngày 2-11, ông Trần Tiến Bình, Giám đốc Công ty Thái Hòa, cho biết đã làm đơn trình báo Công an TP Buôn Ma Thuột việc Công ty thu hồi nợ Tích Tắc (trụ sở tại TPHCM) cử hơn 10 nhân viên vây ráp nhà ông (ở đường Phạm Ngọc Thạch, TP Buôn Ma Thuột) để uy hiếp, đòi số tiền gần 1 tỷ đồng mà TAND tỉnh Đak Lak tuyên buộc oan cho Công ty Thái Hòa phải trả cho bà Lê Thị Tám (nguyên là kế toán công ty). Theo giấy tờ Công ty Tích Tắc cung cấp, công ty này đã mua số nợ 1 tỷ đồng mà tòa buộc Công ty Thái Hòa phải trả cho bà Tám. Trước đó, bà Tám cũng đã gửi đơn lên Chi cục Thi hành án dân sự TP Buôn Ma Thuột, đề nghị hoãn thi hành án, để bà Tám “tự giải quyết”.
Trước đó, vào sáng 26-10, khi ông Bình đang làm việc với ông Huỳnh Văn Thiện (nhân viên phòng pháp chế Công ty Tích Tắc) tại Văn phòng luật sư L.Q.T (ở TP Buôn Ma Thuột) thì ông Thiện bất ngờ đánh ông Bình dù có sự can ngăn của luật sư. Văn phòng luật sư buộc phải gọi công an đến lập biên bản răn đe, cảnh cáo ông Thiện. Ông Bình cho biết, sau khi công an lập biên bản, nhiều nhân viên công ty này tiếp tục đứng trước trụ sở Công an phường Tân Lợi hù dọa “xử” ông. Đến 13 giờ chiều ngày, nhân viên công ty này mới cho ông Bình ra về khi người nhà ông Bình đến “giải vây”.
Vào ngày 24-1-2011, Công ty Thái Hòa mượn của bà Lê Thị Tám 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thế chấp ngân hàng. Giao dịch này được lập giấy biên nhận “Về việc mượn tài sản” do ông Bình ký. Sau đó, Công ty Thái Hòa đã trả 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Tám. Bất ngờ, đến tháng 6-2013, bà Tám làm đơn khởi kiện đòi Công ty Thái Hòa trả thêm 800 triệu đồng. Bằng chứng bà Tám đưa ra chính là tờ giấy biên nhận “Về việc mượn tài sản”. Trong giấy biên nhận mà bà Tám cung cấp cho tòa án, ngoài nội dung Công ty Thái Hòa mượn 2 chứng nhận quyền sử dụng đất còn có thêm 2 dòng chữ: “Và tiền mặt 800 triệu đồng”; “Số tiền 800 triệu đồng và lãi 14,4% năm, tôi hẹn sẽ trả vào ngày 24-2-2013 đầy đủ cả gốc và lãi”.
TAND TP Buôn Ma Thuột gửi giấy biên nhận “Về việc mượn tài sản” cho Công an tỉnh Đak Lak và Viện Khoa học hình sự giám định. Cả hai kết quả giám định đều khẳng định, 2 dòng chữ nói trên được chèn thêm sau thời điểm đôi bên cùng ký vào giấy biên nhận này. Vì thế, tòa sơ thẩm TAND TP Buôn Ma Thuột bác đơn kiện của bà Tám. Bà Tám tiếp tục làm đơn kháng cáo và được TAND tỉnh Đak Lak chấp nhận, đưa ra xử phúc thẩm ngày 21-1-2015. Theo bản án số 14/2015/DS-PT, TAND tỉnh Đắk Lắk cho rằng, do đánh giá sai chứng cứ nên tòa sơ thẩm xét xử không đúng; Tòa chấp nhận lời khai của bà Tám rằng: 2 dòng chữ được chèn thêm trong giấy biên nhận là do Công ty Thái Hòa thực hiện khi vay 800 triệu đồng chứ không phải do bà tự chèn thêm. Bởi lời khai đó cũng phù hợp với lời khai của 2 nhân chứng là ông Võ Trường Giang (nguyên kế toán Công ty Thái Hòa) và bà N.T.N.A .
Tòa buộc Công ty Thái Hòa phải trả cho bà Tám gần 1 tỷ đồng gồm số tiền 800 triệu đồng và tiền lãi theo quy định.
Ông Trần Tiến Bình cho rằng: “Việc tòa án dựa vào giấy biên nhận, buộc chúng tôi phải trả gần 1 tỷ đồng cho bà Tám là quá vô lý. Hiện bản án số 14 đã có hiệu lực, chúng tôi đang lãnh một món nợ oan mà không biết kêu ai”.
Công ty Thái Hòa đã khiếu nại bản án phúc thẩm số 14/2015/DS-PT của TAND tỉnh Đak Lak lên TAND Cấp cao tại Đà Nẵng. Luật sư Tạ Quang Tòng, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Đak Lak, khẳng định: Trong trường hợp này, Võ Trường Giang không đủ tư cách làm nhân chứng khi Giang không chỉ bị truy tố hình sự mà còn từng thông đồng với nguyên đơn để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Công ty Thái Hòa.
Công Hoan/sggp