Du lịch

Hấp dẫn tour du lịch nội tỉnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Du lịch sinh thái kết hợp tìm hiểu văn hóa bản địa không chỉ thu hút du khách bởi sự quyến rũ của cảnh quan thiên nhiên mà nó còn là sự khám phá trải nghiệm thực tế cuộc sống của đồng bào dân tộc địa phương.
 

Một góc chùa Minh Thành. Ảnh: Vũ Thảo
Một góc chùa Minh Thành. Ảnh: Vũ Thảo

Thiên nhiên ưu ái cho mảnh đất Gia Lai tiềm năng du lịch sinh thái đầy hấp dẫn với những khu rừng nguyên sinh có hệ động thực vật phong phú và đa dạng, với những ngọn thác hoang sơ hùng vĩ, những hồ nước mênh mông phẳng lặng... Gia Lai còn là cái nôi của nền văn hóa lâu đời của đồng bào Bahnar, Jrai. Trong các tour, nhiều công ty du lịch đang khai thác sản phẩm kết hợp du lịch sinh thái và du lịch bản địa.

Một số tuyến đang khai thác rất hiệu quả như tuyến đi trong ngày Pleiku-Biển Hồ-Plei Ốp-chùa Minh Thành-Công viên Đồng Xanh, đây là những điểm đến hấp dẫn. Con đường vành đai quanh Biển Hồ dự kiến sắp hoàn thành, từ đây sẽ dẫn du khách tham quan thưởng ngoạn phong cảnh tuyệt đẹp quanh hồ với những rặng thông xanh ngắt, ngắm mặt hồ trong veo. Đến Biển Hồ-“Đôi mắt Pleiku”, du khách được tìm hiểu về di chỉ khảo cổ lớn ở Tây Nguyên trên khu vực miệng núi lửa cách đây hàng triệu năm. Plei Ốp-dù là làng trong phố nhưng vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống của người Jrai với nhiều đội cồng chiêng trẻ. Đến đây, du khách được tham quan những ngôi nhà sàn, cùng tìm hiểu cuộc sống sinh hoạt thường ngày của họ. Trở về thành phố, điểm tham quan mà khách không thể bỏ qua đó là chùa Minh Thành-một quần thể kiến trúc độc đáo mang tính tâm linh. Rồi Đồng Xanh như một không gian văn hóa Bắc Tây Nguyên thu nhỏ, Quảng trường Đại Đoàn Kết như trái tim của thành phố.  Ngoài ra, từ Pleiku đi Kon Tum với khoảng cách chưa đầy 50 km, nhiều công ty còn phối-kết hợp tạo ra liên kết các điểm xuyên tour như tham quan nhà thờ gỗ, ngục Kon Tum, cầu treo, Chủng viện Thừa Sai...  

 

Mới đây, đề tài khoa học cấp tỉnh “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Gia Lai” do ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch làm chủ nhiệm được nghiệm thu và đánh giá cao, trong đó nghiên cứu đặc trưng văn hóa bản địa dân tộc thiểu số tỉnh, tiêu biểu là di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong khai thác và phát triển du lịch với loại hình “du lịch bản địa”. Đây là cơ hội để các công ty du lịch trên địa bàn khai thác có hiệu quả nhằm thu hút ngày càng nhiều du khách thập phương đến với Gia Lai.

Nói đến du lịch sinh thái không thể bỏ qua một số địa danh nổi tiếng, đó là sự kết hợp giữa tuyến thác Phú Cường-hồ Ayun Hạ. Nằm ở địa phận huyện Chư Sê, cách TP. Pleiku khoảng 45 km về phía Đông Nam, thác Phú Cường được đầu tư khai thác thành khu nghỉ dưỡng, nên cơ sở hạ tầng được đầu tư bài bản, con đường dẫn vào thác đã hoàn thành có kinh phí lên đến 12 tỷ đồng đã tạo thuận lợi về giao thông. Nhờ được đầu tư nên khu sinh thái này ngày càng thu hút được đông đảo du khách đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp tự nhiên vốn có, và hít thở bầu không khí trong lành. Từ đây, ta có thể xuôi theo đèo Chư Sê và tới hồ Ayun Hạ để đi dạo bằng thuyền quanh lòng hồ ngắm phong cảnh hùng vĩ của núi rừng, rồi câu cá, hay đến tham quan các làng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống gần đó. Xuôi về phía Đông là tuyến du lịch đi Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh-làng kháng chiến Stơr (Kbang). Loại hình du lịch này đang thu hút phần đông là khách quốc tế.

Người đam mê du lịch ngoài mục đích nghỉ ngơi, thư giãn, còn mong muốn được khám phá những điều mới lạ, được tìm hiểu đời sống, văn hóa của vùng đất mình đến. Tuyến Pleiku-thủy điện Ia Ly-Plei Phung (huyện Chư Pah) hay Đê Ktu-Đê Krơn-Đê Cốp-Đê Đoa (huyện Mang Yang) là loại hình du lịch bản địa rất đặc sắc. Đến đây, du khách sẽ được tham quan các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số, thưởng thức ẩm thực văn hóa cơm lam-thịt nướng-rượu cần, được đắm mình trong nhịp cồng chiêng rộn rã cùng điệu múa xoang của những chàng trai cô gái Jrai, Bahnar, được tìm hiểu thưởng thức không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Vũ Thảo

Có thể bạn quan tâm