Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ (Đơn vị điều trị Ban ngày - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3) cho biết, hạt cau còn có tên binh lang, đại phúc tử... là hạt chín già của cây cau. Mùa thu hoạch khoảng tháng 9 - 12 (không kể loại cau tứ thời) lấy quả thật già, róc bỏ vỏ ngoài và vỏ già, lấy nguyên hạt ở trong đem phơi sấy thật khô. Hạt được cắt lát hay bổ đôi, phơi hoặc sấy khô.
"Với nhiều tác dụng dược lý đáng chú ý, hạt cau đã được sử dụng từ hàng ngàn năm qua để điều trị nhiều loại bệnh lý khác nhau. Hạt cau chứa nhiều thành phần hoạt chất như alkaloid, tannin, flavonoid và các dưỡng chất khác, giúp mang lại lợi ích sức khỏe đáng kể", bác sĩ Vũ chia sẻ.
Thành phần hóa học và tác dụng theo y học hiện đại
Các nghiên cứu cho thấy tác động sinh học của cau lên hệ thần kinh, hệ tiêu hóa và hệ tuần hoàn máu, khám phá tiềm năng của hạt cau và chiết xuất hạt cau trong nhiều vai trò khác nhau, bao gồm thuốc chống trầm cảm, thuốc chống viêm, chất chống oxy hóa và thuốc kháng khuẩn.
Chiết xuất hạt cau có tác dụng chống trầm cảm thông qua nhiều cơ chế khác nhau, bao gồm khả năng đi qua hàng rào máu não và kích hoạt các thụ thể thần kinh. Trong quá trình chống viêm, chiết xuất hạt cau ức chế cyclooxygenase hoặc can thiệp vào các con đường truyền tín hiệu tiền viêm và ngăn ngừa sự tạo thành các oxy phản ứng.
Ngoài ra, chiết xuất hạt cau (chủ yếu là polyphenol) dọn sạch các gốc tự do được tạo ra bởi quá trình oxy hóa và tăng cường hoạt động của các enzyme chống oxy hóa.
Công dụng của hạt cau theo y học cổ truyền
Theo đông y, hạt cau có công năng chủ yếu là hạ khí, phá tích, sát trùng, hành thủy. Tác dụng trị giun sán, đầy trướng bụng không tiêu, đau quặn bụng, tiêu chảy, hội chứng lỵ, phù nề.
Một số bài thuốc đông y từ hạt cau:
Trị giun, tiêu tích: trị sán, giun kim, giun đũa, đau bụng.
Bài 1 trị sán: Hạt cau 60 g, hạt bí ngô 60 g. Hạt bí ngô nghiền thành bột, sắc nước hạt cau pha uống. Bài 2 trị giun kim: Hạt cau 20 g, vỏ lựu 12 g, hạt bí ngô 12 g. Sắc nước, uống lúc đói.
Lợi niệu, tiêu sưng: Hạt cau 16g , mộc qua 12 g, ngô thù 4 g, tía tô 4 g, trần bì 6 g, cát cánh 8 g, gừng sống 8 g. Sắc uống. Trị chân đùi sưng đau, hoặc tức ngực buồn nôn.
Hạ khí, thông tiện: Hạt cau 12 g, mộc hương 4 g, chỉ xác 8 g, hoàng bá 12 g, ngô thù 4 g, tam lăng 8 g, nga truật 8 g, thanh bì 8 g, trần bì 12 g, đại hoàng 8 g, hương phụ 12 g, khiên ngưu 12 g, mang tiêu 12 g. Mang tiêu để riêng; sắc các vị thuốc còn lại, sau đó hòa mang tiêu vào uống. Trị đau bụng, táo bón, lỵ, viêm ruột thời kỳ đầu.
Hoặc dùng hạt cau, chỉ thực, ô dược, mộc hương, liều lượng bằng nhau. Tất cả tán bột mịn làm hoàn. Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 6-10 g, chiêu bằng nước đun sôi. Trị khí trệ, đau bụng, đại tiện khó.
"Hạt cau là một vị thuốc quý, có thể góp phần nâng cao sức khỏe và cải thiện chất lượng cuộc sống của chúng ta. Việc sử dụng hạt cau để chữa bệnh nên được thực hiện dưới sự hướng dẫn của bác sĩ y học cổ truyền để đảm bảo an toàn và hiệu quả", bác sĩ Vũ chia sẻ.
Theo Lê Cầm (TNO)