Văn hóa

Hạt gạo của rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Ngày xưa, người Tây Nguyên làm ra hạt gạo bằng một cách rất khác. Trên những khu rừng đã chọn, sau khi đã làm lễ xin các Yàng cho phép hạ cây làm rẫy, bà con chọn ngày tốt để phát dọn cỏ cây, để khô rồi đốt cho sạch. Đám đất rẫy mới ấy đầy mỡ màu của rừng nguyên sinh, chẳng cần cày vỡ, bón phân, chỉ chọc lỗ bỏ hạt thóc là thành mùa vụ.

Cách gieo hạt của người Tây Nguyên xưa rất nhẹ nhàng và đơn giản. Trên đám rẫy tơi xốp, người đàn ông đi trước, 2 tay cầm 2 cái gậy bằng cây rừng cao tầm đầu người, to vừa tay nắm, đầu gốc vót nhọn, vừa bước vừa chọc gậy vào đất theo nhịp di chuyển hài hòa giữa chân và tay; người phụ nữ đi sau có cái ống tre hoặc giỏ đan đựng lúa giống đeo bên mình, chân bước đều, tay nhúm thóc bỏ vào từng lỗ đã được người đàn ông chọc phía trước, mỗi lỗ tầm 3-4 hạt.

Cây lúa truyền thống của người Tây Nguyên thường là giống Dai Gol, tức là lúa gạo dẻo dài ngày. Cây lúa ấy mọc đầu mùa mưa, lớn lên trong suốt mùa mưa, rất phù hợp với vùng đất Tây Nguyên. Khi chớm vào mùa khô, từ đám cỏ đến cây bắp, cây lúa đều trở nên già úa, chín vàng và khô héo, kết thúc một chu kỳ sinh trưởng phát triển theo lẽ tự nhiên. Mỗi năm 1 vụ lúa theo nước trời như bao loài hoa cỏ khác ở đất này. Cây lúa hầu như phụ thuộc vào mưa gió của trời. Nó phát triển trọn đời cây trong suốt một mùa mưa. Mưa xuống thì mọc mầm lên mạ rồi lớn. Hết mưa thì lúa chín. Gió lên thì hạt lúa khô luôn trên cây. Người Tây Nguyên xưa vì vậy không cần có sân phơi thóc.

Khi lúa trên rẫy đã chín khô, hạt khô ngay trên từng cọng rơm, nhà nông mới thu lúa đổ vào kho trong rừng. Họ không có thói quen gặt lúa, đập lúa hoặc trục lúa rồi phơi, rê sảy như người đồng bằng. Làm những việc ấy, người ta sợ đau Yàng lúa, gây nên mất mùa. Để thu hoạch lúa, người Tây Nguyên mang một chiếc gùi nhỏ trước bụng, tùy vùng chiếc gùi ấy có thể có một cái quai mây kết vào vành miệng gùi để lồng treo ở cổ hoặc dùng dây buộc vòng qua thắt lưng. Những nắm lúa tuốt bằng tay được bỏ vào gùi nhỏ. Đầy cái gùi nhỏ thì đem góp dồn vào cái gùi lớn có 2 quai, sau đó lúa được mang đổ vào kho.

Thời trước, người Tây Nguyên tính sản lượng lúa bằng gùi. Sau này, có cán bộ kháng chiến, kho lúa được đo các chiều ngang dọc chiều cao tính ra khối, quy ra tạ, tấn… Trong chiến tranh, các gia đình nhiều lúa, tính toán đủ ăn thì ủng hộ cán bộ kháng chiến toàn bộ phần lúa dư thừa, có khi lên đến hàng tấn.

Lúa Dai Gol có đặc tính lạ là cơm nấu lên thơm dẻo mềm nhưng không dính tay. Cơm gạo ấy có thể nấu một lần mang đi rẫy ăn suốt cả ngày mà vẫn dẻo ngon, không khô cứng. Cơm gói lá chuối chất trong gùi với các bầu nước, khi đói thì đem ra, nhón tay chấm với muối lá cỏ thơm.

Cách ăn này làm tôi nhớ đến kiểu ăn nếp Lào của dân xứ Nghệ. Người Nghệ giáp Lào, lại có nhiều cư dân làm ăn ở Lào, họ thường xuyên mang về gạo nếp Lào làm quà biếu ăn rất ngon. Xôi nếp ấy mềm nhưng không dính tay, khi ăn thì nhón vào ba ngón tay cho gọn, chấm nhẹ với nước mắm quê, chỉ có thế mà ngon lạ nhớ đời. Xôi nếp Lào không quá dậy mùi, không quá ngậy nên người Lào có thể ăn xôi nếp quanh năm. Người Bắc Tây Nguyên có lẽ cũng ảnh hưởng của người Lào, họ cũng thích ăn thứ nếp dẻo mềm mà không ngán ấy.

Cơm gạo dẻo Tây Nguyên thơm ngon dễ ăn ở dạng khô có lẽ vừa nhờ yếu tố giống, lại nhờ dinh dưỡng mỡ màu của đất rừng, cũng như quá trình sinh trưởng quá dài theo đúng quy luật sinh tồn của cỏ cây thiên nhiên. Đó là vị ngon từ những hạt gạo của rừng nơi đất đai còn nguyên mỡ màu thiên tạo, điều mà ngày nay người ta từng biết ở các sản vật Tây Tạng hay thung lũng Sông Hằng, Tây Bắc Ấn Độ, do sông băng của đỉnh cao Hi Mã Lạp Sơn mang lại.

Có thể bạn quan tâm