Xã hội

Gia đình

Hãy dành cho con "một vé đi tuổi thơ"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Các con đang bị “nhốt” trong các lớp học thêm, năng khiếu. Các con đang đốt từng ngày hè trong màn hình công nghệ. Để rồi con chẳng phân biệt được con trâu hay con bò, chẳng bao giờ tận hưởng cảm giác chạy nhong nhong trên cánh đồng lộng gió… Vậy thì, chúng ta sao chẳng nhanh tay mua “một vé đi tuổi thơ” cho con trẻ?

 (ảnh minh họa)
(ảnh minh họa)



Mấy hôm trước đưa con về thăm quê, tôi có dịp cùng con khám phá lại những trò chơi thời thơ bé. Mấy trò con nít ngày xưa vẫn đọng lại thành kỷ niệm miên man êm đềm trôi bên dòng sông ký ức. Giờ đây, cùng con trải nghiệm, cùng con khám phá, tôi bỗng thấy mình bé lại, đầy háo hức.

Mấy cụm cây trinh nữ bên ngoài cổng rào đã khơi lên nỗi tò mò của mấy bé con. Từng chiếc lá đang xòa bung ra bỗng e thẹn khép mình khi bàn tay bé bỏng của con chạm vào. Con thích thú vuốt nhẹ từng chiếc lá một và bật cười khanh khách như nhà ảo thuật tài ba hóa phép buộc cây rùng mình, xếp lá.

Rồi bọn trẻ túm tụm quanh khóm trinh nữ, mắt giương to chờ đợi từng chiếc lá xòe ra. Các con chẳng dám nói to, thở mạnh, cười lớn, sợ cây nghe tiếng người chẳng chịu xòe cánh. Tôi vờ bảo các con càng chăm chú nhìn, cây càng mắc cỡ. Vậy nên chúng ta phải giả vờ chẳng thèm quan tâm đến nó, nấp sau bụi cây kia mà rình xem điều kỳ diệu của tạo hóa.

Mấy cái đầu con trẻ chuyển sang lấp ló sau bụi râm bụt len lén nhìn về những chiếc lá đang dần chuyển mình kia. Loáng một cái, tất tần tật đều xòe bung ra, lũ trẻ vỗ tay bôm bốp. Thế là chúng lại dùng đôi tay “phép thuật” của mình ra lệnh cây khép lá.

Các con chơi mãi trò ảo thuật chẳng chịu chán trong khi bóng nắng đã vươn lên đến ngọn cau. Tôi bèn dụ khị lũ trẻ vào nhà bằng cách khơi lên nỗi tò mò về sự tích hoa trinh nữ. Vậy mới kéo được một đám con nít đến dưới tán tre ngồi quây quần nghe kể chuyện ngày xửa ngày xưa.

Bóng tre đung đưa mát rượi, lá tre xào xạt trong gió. Lần đầu tiên các con được gần linh hồn, biểu tượng của dân tộc Việt đến thế. Vậy nên đứa xun xoe ôm lấy thân tre, đứa nhón chân với từng ngọn lá. Bài tập làm văn trên lớp đã bao lần viết về tre nhưng tất cả vẫn chỉ là tưởng tượng.

Chẳng có gì thích thú hơn khi ta tận mắt ngắm màu xanh mượt của tre, nhìn từng búp măng non núp dưới bóng mẹ! Chẳng có gì thú vị hơn khi ta tận tay chạm vào thân tre dẻo dai, sờ từng lá tre mỏng manh, mướt mát! Chẳng có gì háo hức hơn khi ta tận tai nghe tiếng tre xì xào trò chuyện, tiếng tre nghiêng mình kẽo cà kẽo kẹt!…

Bứt lá tre làm kèn, mấy cái miệng chúm chím thổi. Bản hòa ca của đám trẻ không theo một giai điệu nào vẫn rộn rã tiếng cười. Hái lá tre non đang cuộn mình làm vòng, bọn trẻ háo hức sáng tạo nhẫn, dây chuyền, vòng tay, khuyên tai. Màn trình diễn trang sức bắt đầu trong ánh mắt lấp lánh niềm vui…

Chiều dần buông trên cánh đồng chỉ còn trơ gốc rạ. Đám trẻ sau giấc ngủ trưa vội vàng theo chân cô chú ra ruộng. Người lớn tát mương bắt cá, bọn trẻ hào hứng lội bùn mò cá. Mấy con rô đồng quẫy mạnh làm bọn trẻ giật nảy mình. Sau một hồi bậm môi, trợn mắt, các con cũng nắm chặt được trong tay chú rô đồng vàng ươm.

Rồi thì đá banh, thả diều trên cánh đồng lộng gió. Mấy trái bóng lăn tròn điệu nghệ trên đôi chân của đám trẻ. Cánh diều no gió căng phồng bay lượn dưới bầu trời thênh thang. Ánh nắng vàng vọt cuối ngày hắt trên khuôn mặt đầm đìa mồ hôi, ánh lên vàng óng trên mái tóc ướt nhẹp.


 

 (ảnh minh họa)
(ảnh minh họa)



Mùi rơm rạ khói bếp bay đến, quyện hòa thấm đậm vị quê hương. Hương thơm từ nồi cơm gạo mới khiến mấy cái bụng đánh lô tô nhưng chưa đủ sức níu những đôi chân không biết mỏi ấy quay về. Chỉ khi nắng đã tắt hẳn, bầu trời đùng đục lấp ló ánh sao, người nối người rã rời về nhà, không quên lời hẹn cuộc vui vào ngày mai, ngày kia.

Đêm, trăng khuyết nửa mảnh lơ lửng giữa trời vẫn đủ sáng cả khoảng sân. Không gian xung quanh tĩnh lặng, tưởng như nghe rõ cả tiếng cá đớp trăng ở con sông trước nhà. Chút xíu nữa thôi, khi cơm tối đã xong xuôi, cuộc vui lại bắt đầu bên hiên nhà đến tận khuya.

Ông bà ngồi trên chiếc chõng tre nhấp từng ngụm nước chè. Đàn cháu nhỏ chạy nhảy xung quanh với đủ trò nhảy dây, đánh chuyền, ô ăn quan… Rồi khi giọng kể “ngày xửa ngày xưa” vang lên, lũ trẻ thả hồn theo từng câu chuyện kể, nơi đó có ông trăng, chú Cuội, có Thạch Sanh trừ gian diệt ác, có Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt ra trận giết giặc…

Khung cảnh thanh bình hiện ra trước mắt tôi chẳng khác gì trang cổ tích vẫn nung náu đâu đó trong cõi ký ức xa xăm. Ngọt ngào. Êm đềm. An bình đến lạ kỳ!

“Ông ơi! Nhà mình có cây cau, giàn trầu và tảng đá vôi không ạ?”. “Ừm, có cây cau và tảng đá vôi thôi, cây trầu bị héo mà ông chưa kịp trồng lại”. “Ông trồng lại cây trầu đi ông”. “Ừ, để ông làm lại giàn trầu…”. “Không, ông cho cây trầu leo lên cuốn mình trên cây cau ơ…”. “Được, ông hứa, lần sau các cháu về sẽ có đủ…”.

Tôi chưa biết “lần sau các cháu về…” trong lời hẹn của ông là thời điểm nào, nhưng chắc chắn rằng tôi sẽ cố gắng hết sức để những ngày hè của con trẻ sẽ luôn vun đầy kỷ niệm, trong trẻo ký ức như bây giờ.

Nhìn lại dòng sông tuổi thơ, nhiều người đã nhận ra rằng mình khá may mắn có một tuổi thơ trọn vẹn niềm vui, trọn vẹn những ngày hè rộn rã. Nhưng tiếc thay, con trẻ hôm nay lại đang thèm khát những ngày hè đúng nghĩa của chúng ta ngày xưa.

Các con đang bị “nhốt” trong các lớp học thêm, các khóa học năng khiếu. Các con đang đốt từng ngày hè trong màn hình công nghệ. Để rồi con chẳng phân biệt được con trâu hay con bò, chẳng biết con cò trong câu ca, chẳng bao giờ tận hưởng cảm giác chạy nhong nhong trên cánh đồng lộng gió…

Vậy thì, chúng ta - những đứa trẻ ngày xưa - sao chẳng nhanh tay mua “một vé đi tuổi thơ” cho con trẻ? Vé không đắt đâu, vé được trả bằng tình yêu thương, lòng kiên nhẫn và cả sự hy sinh niềm vui riêng của chúng ta.

Xin hãy để con trẻ có một mùa hè vun đầy niềm vui, dệt thành ký ức và nhiều điều để nhớ về…

Nguyễn Thùy (dantri)

Có thể bạn quan tâm