Tuyên bố này trong tọa đàm "Xây dựng các nhóm nghiên cứu xuất sắc" diễn ra hôm 13.5 mang đến niềm hy vọng về một giai đoạn phát triển mới của nền khoa học VN, dù không ít ý kiến hồ nghi giữa nói và làm.
Nhìn lại sau hơn 10 năm, số lượng công bố bài báo quốc tế tăng trưởng chóng mặt. Nhiều nhà khoa học làm nghiên cứu nghiêm túc từ vui mừng chuyển sang lo âu khi chất lượng nền khoa học với số lượng bài báo chưa chắc đã có sự tương thích. Thậm chí, nhiều đơn vị nhờ số lượng bài báo tăng vọt mà được lọt vào các bảng xếp hạng quốc tế, không ít nhà khoa học vào danh sách ảnh hưởng nọ kia, song thực chất số nhà khoa học VN được giới khoa học quốc tế biết đến lại rất ít.
Thực trạng trên là hệ lụy chủ yếu từ chính sách "đếm bài thưởng tiền". Hơn nữa, do năng lực đánh giá của giới chuyên gia hạn chế mà việc đánh giá sản phẩm khoa học bị lệ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài và các yếu tố định lượng (nhiều nhà khoa học thậm chí bi quan đến nỗi cho rằng nước mình làm gì có giới chuyên gia!).
Sự đề cao thái quá việc công bố quốc tế diễn ra ở khắp mọi diễn đàn, chính thức lẫn không chính thức. Nhiều ý kiến cho rằng nó là biểu hiện của xu hướng "công bố vị công bố", trong khi điều mà một nền khoa học lành mạnh cần là "công bố vị khoa học".
Cho đến nay, các nhà quản lý vẫn loay hoay tìm giải pháp. Việc chuyển hướng đầu tư khoa học (từ đếm bài thưởng tiền) sang đầu tư xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh đã được nhiều đơn vị nghiên cứu chủ động thí điểm thì lại vướng phải khó khăn về nguồn lực. Còn theo GS Phùng Hồ Hải, Viện Toán học VN, việc xây dựng các nhóm nghiên cứu xuất sắc sẽ đẩy nền khoa học nhanh chóng tiệm cận trình độ cao (ở một số ngành hẹp). Đây là tư duy mà nhóm xây dựng đề cương phát triển toán học VN do GS Hoàng Tụy chủ trì đề xuất từ cuối những năm 1960.
Theo Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Hồng Thái, tới đây việc đầu tư, tài trợ cho nghiên cứu khoa học sẽ không ưu tiên cho các hoạt động nghiên cứu có tính dàn trải, không ưu tiên cho những công trình nghiên cứu chỉ để có bài báo quốc tế. Đầu tư của nhà nước sẽ ưu tiên vào các đề tài khoa học lớn, đòi hỏi sự bài bản trong nghiên cứu (thành quả không chỉ là công trình khoa học mà còn đào tạo được thế hệ kế cận).
Công bố quốc tế vẫn cần và là hệ quả của một quá trình nghiên cứu thực chất chứ không phải mục đích. Công bố quốc tế đơn giản chỉ minh chứng cho thấy nhà khoa học vẫn làm việc. Việc đánh giá trình độ của một nhà khoa học là dành cho những người cùng chuyên môn chứ không phải qua số lượng bài báo.