Xã hội

Lao động - Việc làm

H’Hanh kết nối tạo việc làm cho phụ nữ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Những năm qua, chị H’Hanh-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Mơ Nú (xã Chư Á, TP. Pleiku) đã chủ động kết nối với các doanh nghiệp để tạo việc làm, hỗ trợ chị em phụ nữ phát triển kinh tế.

Chi hội Phụ nữ làng Mơ Nú có 526 hội viên. Đời sống của hội viên còn khó khăn. Với vai trò là Chi hội trưởng, chị H’Hanh rất quan tâm đến việc làm sao để thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho chị em để phát triển kinh tế gia đình.

Từ trăn trở này, chị H’Hanh phối hợp giúp hội viên vay vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất với tổng dư nợ từ Ngân hàng Chính sách Xã hội hơn 3 tỷ đồng; huy động hội viên thực hiện tiết kiệm và tham gia mô hình góp quỹ giúp nhau phát triển kinh tế được hơn 200 triệu đồng; vận động hội viên đổi công, hỗ trợ nhau về kỹ thuật sản xuất, tham gia mô hình “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5-10 triệu đồng” để có vốn đầu tư sản xuất, mua sắm vật dụng sinh hoạt.

Không chỉ kết nối tạo việc làm cho phụ nữ, chị H’Hanh (bìa trái) còn thường xuyên động viên chị em nỗ lực phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: N.H

Không chỉ kết nối tạo việc làm cho phụ nữ, chị H’Hanh (bìa trái) còn thường xuyên động viên chị em nỗ lực phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: N.H

Đặc biệt, chị H’Hanh còn vận động hội viên làm công nhân hoặc nhận gia công hạt điều cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố để tăng thu nhập. Có thời điểm, số hội viên phụ nữ tham gia gia công hạt điều cho các công ty do chị kết nối lên đến hơn 100 người.

Riêng từ đầu năm đến nay, ngoài một số hội viên đã xin đi làm công nhân cho các công ty thì hiện có hơn 60 hội viên ở làng được chị tạo điều kiện làm gia công hạt điều cho các công ty với thu nhập bình quân gần 3 triệu đồng/người/tháng.

Chị H’Siu phấn khởi cho biết: Nhà chị có 4 người nhưng chỉ có vỏn vẹn 1 sào lúa nước nên thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào việc làm thuê của chị và công việc đánh bắt cá của chồng. Dù chăm chỉ nhưng cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau. Vì vậy, khi chị H’Hanh vận động làm gia công hạt điều cho các công ty, chị tham gia ngay. Mấy tháng nay, chị còn xin cho con gái cùng vào làm. Mỗi tháng, 2 mẹ con chị thu nhập gần 4 triệu đồng.

“Buổi sáng, tôi tham gia bóc vỏ lụa hạt điều tại nhà chị H’Hanh còn chiều về đi bán cá. Từ 2 nguồn thu nhập này, tôi có tiền trang trải cuộc sống. Mới đây, tôi cũng mua được 3 con heo về nuôi để cải thiện thu nhập”-chị H’Siu cho hay.

Hiện nay, chị H'Hanh đang giúp cho hơn 60 hội viên, phụ nữ nhận gia công hạt điều để cải thiện thu nhập. Ảnh: Nhật Hào

Hiện nay, chị H'Hanh đang giúp cho hơn 60 hội viên, phụ nữ nhận gia công hạt điều để cải thiện thu nhập. Ảnh: Nhật Hào

Bà Trương Thị Hương-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Chư Á: “Không chỉ tạo việc làm, hỗ trợ hội viên nâng cao hiệu quả sản xuất, chị H’Hanh còn vận động chị em thực hiện tốt các phong trào, hoạt động ở cơ sở. Chi hội Phụ nữ làng Mơ Nú nhiều lần được Hội Liên hiệp phụ nữ TP. Pleiku và xã khen thưởng, được Trung ương Hội tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua và nhiệm vụ công tác Hội năm 2023. Bản thân chị H’Hanh nhiều lần được các cấp Hội Phụ nữ và Chủ tịch UBND thành phố khen thưởng vì thành tích học tập và làm theo gương Bác”.

Gia đình bà H’Hên cũng có thêm nguồn thu từ việc bóc vỏ lụa hạt điều. Bà H’Hên vui vẻ cho biết: 2 con bò mua được nhờ tích góp tiền bóc vỏ lụa hạt điều của 2 mẹ con. Gia đình có 4 người nhưng chỉ có 2 sào lúa. Bản thân bà bị cụt chân phải do tai nạn lao động nên chỉ ở nhà nuôi vài con heo, còn chồng thì ai thuê gì làm nấy.

Năm 2019, chị H’Hanh vận động bà tham gia bóc vỏ lụa hạt điều. Sau này, thấy công việc này cho thu nhập tương đối ổn định, bà xin cho con gái cùng làm. “Mỗi tháng, 2 mẹ con tôi thu nhập 4-5 triệu đồng. Nhờ có nguồn thu này, gia đình tôi bớt khó khăn hơn”-bà H’Hên bộc bạch.

Theo ông Y Hăng-Trưởng thôn Mơ Nú: Bên cạnh hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, tìm kiếm việc làm thêm, chị H’Hanh còn duy trì mô hình “Hũ gạo tình thương” hỗ trợ hội viên khi khó khăn, hoạn nạn; tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ để tặng quà cho hội viên phụ nữ nghèo vào các dịp lễ, Tết.

Nhờ đó, đời sống của gia đình hội viên ngày càng cải thiện. Năm 2023, làng có 3 hộ hội viên thoát nghèo. Ngoài hỗ trợ hội viên vươn lên trong cuộc sống, chị H’Hanh còn vận động chị em xóa bỏ các tập tục lạc hậu và tích cực đóng góp cho chương trình xây dựng nông thôn mới.

Có thể bạn quan tâm