Xã hội

Gia đình

Hiếu đễ với đấng sinh thành

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Xóm tôi có một số gia đình thường xuyên tham gia hoạt động của nhà chùa. Vào các ngày lễ trọng của Phật giáo, họ thường đi chùa rất sớm, phụ giúp quét dọn, thắp hương, bày biện, làm bếp từ thiện. Nhà ai có người mất nhờ nhà chùa cúng kiếng, họ có mặt đầy đủ tụng kinh, cầu khấn rất cung kính, giúp gia đình người xấu số bớt đi phần nào nỗi hẩm hiu, đau buồn.
3 năm sau ngày cha mất, anh Chín mời hàng xóm dự đám giỗ rất trọng. Gia đình bày bàn thờ Phật trang trọng ngay giữa nhà, hương khói lan tỏa. Không kể cha mẹ mộ đạo, chị và vợ anh cũng vậy. Ngày rằm, mùng một, nhà anh gần như không quên đi chùa. Sống lễ nghĩa, hiền lành, yêu mẹ kính cha, kính trên nhường dưới như gia đình anh thì hàng xóm phải học tập dài dài, trong đó có nhà tôi.
Cũng xóm này, nhà nọ sùng đạo Phật, tích cực hoạt động nhà chùa, từ vợ chồng đến anh em, con cái. Công ăn việc làm, học hành bận rộn nhưng vào dịp lễ cả nhà đều có mặt trên chùa. Nghe nói cha anh này từng có lỗi gì đó ghê lắm nên bây giờ cả nhà sám hối, ăn năn, cầu mong đức Phật gia hộ độ trì giúp tai qua nạn khỏi. Con anh này đi làm ăn xa nhưng mỗi khi về là lên chùa làm công quả, xong lại ra đi, lặng lẽ. Họ cần lắm đức tin trở thành sự thật!  
  Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Sau mấy chục năm, khóa 3 trường THPT huyện nghèo chúng tôi quyết định họp mặt. Thầy cô, bạn bè lâu ngày gặp lại ai cũng già, luống tuổi nhưng đều không khỏi xúc động, nhất là các bạn nữ. Khóa đó chúng tôi có tất cả 84 người thì hiện chỉ còn 78 (6 người xấu số đã từ bỏ trần gian), gặp lại nhau sau 35 năm chỉ được 40 người. 40 nhưng như thầy Thạch, thầy Thuận, cô Thảo đây đã là “thắng lợi” lớn, vì là khóa đầu tiên của trường tổ chức gặp mặt sau mấy chục khóa kể từ ngày ngôi trường này đi vào giảng dạy.
Ngoài là dịp hàn huyên thầy trò, bè bạn sau mấy chục năm xa cách, một trong những quyết định mà chúng tôi nhanh chóng đi đến thống nhất là đứa ít đứa nhiều gom góp làm thành quỹ để hỗ trợ nhau lúc khó khăn, hỗ trợ con cái học hành, đặc biệt là lo hiếu hỉ đôi bên cha mẹ vợ/chồng “tứ thân phụ mẫu”. Người xưa tổng kết, về già con người cần có bạn bè, người thân, gia đình, lớp chúng tôi U60 thì cha mẹ cũng đã là lớp “xưa nay hiếm” nên việc làm này cũng không có gì khó hiểu. Không, nhiều người đã thành mồ côi mẹ, cha hoặc cả mẹ lẫn cha từ nhiều năm rồi! Và đó là lý do vì sao trong câu chuyện gia đình bạn bè, nhiều người đã không giấu được nỗi xúc động khi nhắc đến đấng sinh thành, ưu tư lo lắng cha mẹ tuổi cao sức yếu, trái gió trở trời, trong khi cháu con tứ tán... Nhất là những người phiêu bạt đi làm ăn xa và tội nhất là những người sự nghiệp chưa thành, chưa “rỡ ràng” đắc chí, mà lý do cũng vì cuộc mưu sinh trong thời buổi “gạo châu củi quế”…
Gần gũi tôi biết Hòa, Quốc, Giàu, Ba và nhiều người nữa, cha mẹ đã không còn. Tôi cũng biết Quân, Ban, Lan, Quốc, Thanh và nhiều bạn nữa, trong đó có tôi, từ lâu rồi đã lập thân lập nghiệp ở địa phương xa, người thì mất mẹ, kẻ đã mất cha nhưng nói chung còn may mắn gấp vạn lần những người bạn khác. “Còn cha còn mẹ thì hơn/Không cha không mẹ như đờn đứt dây”.
Sinh ra cùng thời nên nhiều bạn có hoàn cảnh giống tôi, giống gia đình tôi. Như đi làm ăn xa trong khi cha mẹ già yếu xế chiều, nhất nhất trụ lại ở quê. Má đang sống cùng vợ chồng chú em tôi, nông dân hiền lành, chất phác, lam lũ. Lúc còn sống, ba tôi cũng vậy, mặc các anh có “điều kiện” năn nỉ thuyết phục lên thành phố tiện bề chăm sóc, phụng dưỡng. Các anh “tứ chiếng giang hồ”, xa quê từ ngày còn nhỏ, giờ đều đã lớn tuổi, đã hưu. Thương cha, bây giờ là mẹ, các anh vẫn thường hay về. Bỗng thấy trong lòng “chộn rộn” thắc thỏm lo lắng điều gì đó là khăn gói về quê, về với má, vợ con mặc kệ. Đến lúc ra đi, đã leo lên xe rồi mà thấy má dõi theo là chỉ muốn nhảy xuống, muốn quay trở lại! Một bạn tôi kể có người anh sống trong TP. Hồ Chí Minh, làm chủ một doanh nghiệp lớn nhưng gần đây giao hẳn “sự nghiệp” cho vợ con để về sống với mẹ già ở quê…
Truyền bá lâu đời, gắn bó mật thiết với lịch sử và phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc nên đạo Phật qua các thời kỳ được nhân dân ta tin tưởng lựa chọn đi theo. Đặc biệt, điều răn dạy có giá trị cốt lõi của đức Phật “thờ cha kính mẹ” thể hiện trong bộ kinh Mục Liên sám pháp lại càng phù hợp với truyền thống đạo lý của dân tộc: “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/Một lòng thờ mẹ kính cha/Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Nhiều người thuộc lòng câu chuyện về người con Mục Liên hiếu để này. Chữ hiếu xã hội nào cũng trọng, cả Đông Tây nhưng chỉ với văn hóa phương Đông, đặc biệt là trong đạo Phật, mới thể hiện ý nghĩa đầy đủ nhất, sâu sắc nhất và đẹp đẽ nhất.
Không cứ gì Vu lan, xã hội, con cái mới nghĩ đến hiếu thuận. Nhưng đây là dịp để thêm một lần mỗi người cảm nhận đầy đủ niềm hạnh phúc làm người, làm con, nhất là khi ta còn cha còn mẹ!
 THẤT SƠN

Có thể bạn quan tâm