Xã hội

Gia đình

Hiểu đúng về Tết Đoan ngọ của người Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Có ý kiến cho rằng nguồn gốc Tết Đoan ngọ của người Việt bắt nguồn từ Trung Quốc. Tuy nhiên, quan niệm và cách thức thờ cúng của người Việt trong Tết này có nhiều điểm khác biệt.

Theo Phong tục Việt Nam - Đất lề quê thói của Nhất Thanh, Tết Đoan ngọ hay còn gọi là Tết Đoan dương diễn ra vào mùng 5 tháng 5 Âm lịch. Đây là ngày Tết có ý nghĩa quan trọng, không thể bỏ qua với người Việt xưa, chỉ sau Tết Nguyên đán và ngang hàng rằm tháng bảy.

 

Người dân làm lễ cúng gia tiên trong Tết Đoan ngọ.
Người dân làm lễ cúng gia tiên trong Tết Đoan ngọ.

Nguồn gốc

Về nguồn gốc của Tết Đoan ngọ, Nhất Thanh lý giải rằng những cụ nho học xưa cho rằng người Việt thấy người Trung Quốc có tục ngày Tết mùng 5 tháng 5 Âm lịch làm lễ kỷ niệm Khuất Nguyên đời Xuân Thu tuẫn tuyết vì trung nghĩa nên bắt chước theo.

Tuy nhiên, không có bằng xác đáng cho nhận định trên vì ngày ấy ở Việt Nam không có một nhà nào cúng hay nói đến Khuất Nguyên. Trái lại, Tết Đoan ngọ đối với người Việt là một lễ tiết quan trọng bậc nhất nhì sau Tế Nguyên đán.

Cách thức ăn Tết có lệ biếu quà ông bà cha mẹ, thầy học, nhạc gia không giống bắt chước người Tàu làm lễ kỷ niệm.

Bàn về vấn đề này, Phan Kế Bính trong Phong tục Việt Nam cho rằng nguồn gốc Tết Đoan ngọ của người Việt có thể bắt nguồn từ ngày kỷ niệm ông Khuất Nguyên của người Trung Quốc. Tuy nhiên, người Việt không cúng gì ông Khuất Nguyên cả.

Quan niệm, lễ nghi

Vào ngày này, nhiều nơi con cháu lo biếu Tết cho ông bà cha mẹ, con rể sêu tết nhạc gia, học trò biếu Tết thầy dạy. Quà biếu Tết mùng 5 thường là ngỗng với đậu xanh hay dưa hấu với đường.

Từ sáng sớm, lúc trẻ con còn chưa ngủ dậy, người dân thường lén bôi hồng hoàng vào thóp thở, ngực, rốn của trẻ để trừ trùng. Họ còn cho trẻ đeo chỉ ngũ sắc và một cục hồng hoàng với những túi nhỏ tết hình quả đào, khế, ớt... bằng the lụa màu sắc sặc sỡ. Trẻ nhỏ còn được nhuộm móng tay, chân bằng lá móng, trừ các ngón trỏ.

Vào sáng sớm, người dân thường uống rượu nếp, ăn mận, đào, được cho là để giết sâu bọ. Nhiều làng có tục ăn trứng luộc, kê (kê ăn lẫn với đường cát và bánh đa). Người lớn thì uống rượu hòa ít tam thần đơn hoặc hồng hoàng, cũng để giết sâu bọ.

Sau đó, người dân làm cỗ cúng gia tiên. Vì đang mùa dưa hấu nên nhiều nơi cúng bắt buộc phải có dưa hấu với đường cát.

Đến giữa trưa, người dân đi hái lá mùng 5, họ có thể hái bất kỳ lá gì bắt gặp trên đường đi. Tuy nhiên, người dân hay hái nhất là lá ích mẫu, đơn, cối xay, muỗm, vối… đem về ủ rồi phơi khô, nấu nước uống cho là lành.

Ngoài ra, có nhiều người thường lấy lá ngải cứu kết thành hình con thú tượng trưng cho năm ấy. Sau đó, lá kết được treo giữa cửa để về sau có ai bệnh đau bụng thì dùng làm thuốc rất hiệu quả.

Theo zing

Có thể bạn quan tâm