(GLO)- Trong lúc các cơ sở chăn nuôi heo rừng lai trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn thì cơ sở của gia đình bà Hoàng Thị Hà (thôn Ngol, thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa) đang ăn nên làm ra nhờ thị trường tiêu thụ ổn định, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Những năm trước đây, khi cá thể heo rừng dần cạn kiệt cũng là lúc nông dân các địa phương chuyển sang nuôi heo rừng lai (sọc dưa) để cung cấp sản phẩm thịt heo chất lượng tương đương với heo rừng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Nhiều địa phương đã hỗ trợ con giống cho nông dân xây dựng các mô hình trình diễn, chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp người dân học tập và phát triển mô hình chăn nuôi mới này.
Ảnh: Nguyễn Hồng |
Thế nhưng với chị Hoàng Thị Hà thì chuyện nuôi heo rừng lai cũng thật tình cờ. Năm 2008, anh con trai lớn của chị Hà công tác tại một đồn biên phòng trên vùng biên giới Chư Prông thường xuyên thấy đàn heo của bà con đồng bào dân tộc thiểu số thả vào rừng tìm thức ăn và phối giống với heo rừng cho ra sản phẩm heo sọc dưa thịt thơm ngon và có giá trị kinh tế cao hơn so với đàn heo lông trắng của gia đình. Trong một lần về thăm nhà, anh quyết định mua 3 con heo giống về biếu mẹ nuôi thử nghiệm trong diện tích đất vườn của gia đình rộng gần 1.000 m2, điều kiện nuôi gần giống với môi trường tự nhiên với cây cối và rau màu trong vườn nhà trồng được.
Năm 2010, những con heo sọc dưa đầu tiên ra đời, chị Hà đã có sản phẩm heo rừng lai bán cho bà con trong huyện. Đến nay, đàn heo rừng lai của chị sinh sản thường xuyên, có thời điểm lên đến 50-60 con nhưng vẫn không đủ để bán. Hiện nay, tổng đàn heo trong vườn được duy trì thường xuyên khoảng 20 con trở lên để cung cấp cho người tiêu dùng, cá biệt cao điểm mỗi ngày bán được vài ba con cho khách hàng trong và ngoài tỉnh. Một số khách hàng từ TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội cũng đã tìm đến nhà mua và đặt hàng thường xuyên. Trong các dịp lễ Tết, khách hàng phải đặt trước mới có.
Chị Hà cho biết: “Nuôi heo rừng lai không khó vì thức ăn của chúng chủ yếu là tận dụng nguồn có sẵn như rau, củ quả… chứ không dùng các loại cám tổng hợp như nuôi heo trắng. Mỗi ngày cao lắm cũng chỉ tốn 2 kg cám gạo còn lại là thức ăn tự nhiên. Mỗi năm heo đẻ được 2 lứa, lãi gần cả trăm triệu đồng. Thông thường, heo đạt trọng lượng 13-20 kg được khách ưa chuộng nhất vì ít mỡ, quay rất ngon. Chưa kể con giống sinh ra không đủ cung cấp thị trường. Tính từ đầu năm đến nay, gia đình đã bán được khoảng 50 con heo rừng lai với giá 100.000 đồng/kg hơi. Nhờ đó, cuộc sống gia đình được cải thiện, con cái được học hành bài bản”.
Không chỉ làm lợi cho riêng mình, chị Hà còn được bà con đồng bào dân tộc thiểu số trong thôn rất yêu quý vì thường xuyên đến các hộ gia đình hướng dẫn kỹ thuật nuôi heo rừng lai và những kiến thức về sản xuất nông nghiệp để bà con tự sản xuất và có cuộc sống ấm no như ngày hôm nay.
Hiện nay, nhiều chủ trang trại nuôi heo rừng lai trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn do không tìm được đầu ra cho sản phẩm hoặc sử dụng nguồn giống và các loại cám tổng hợp nhiều dẫn đến chất lượng thịt heo không ngon khiến heo không bán chạy dẫn đến phá bỏ chuồng trại. Tuy nhiên, với chị Hà cuộc sống mới lại bắt đầu từ đàn heo rừng lai này.
Nguyễn Hồng