Đô thị

Không gian sống

Hiệu quả từ thùng rác 2 ngăn trên phố ở Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, UBND TP. Pleiku đã triển khai Dự án lắp đặt hệ thống thùng rác 2 ngăn trên một số tuyến đường chính. Đây là việc làm có ý nghĩa thiết thực nhằm hướng tới xây dựng TP. Pleiku trở thành “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”.

Lê Hồng Phong là tuyến đường đầu tiên ở phố núi Pleiku được chọn triển khai lắp đặt thùng rác 2 ngăn (1 ngăn dùng để đựng rác hữu cơ, 1 ngăn đựng rác vô cơ). Với chiều dài khoảng 1 km, tuyến đường được bố trí 17 thùng rác với chi phí trên 70 triệu đồng; trong đó, người dân đóng góp hơn một nửa, còn lại vận động các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn tổ dân phố hỗ trợ.

Việc lắp đặt hệ thống thùng rác 2 ngăn giúp người dân có ý thức và kiến thức trong việc phân loại rác thải. Ảnh: T.A

Việc lắp đặt hệ thống thùng rác 2 ngăn giúp người dân có ý thức và kiến thức trong việc phân loại rác thải. Ảnh: T.A

Tiếp nối đường Lê Hồng Phong, những con đường được cải tạo, nâng cấp lòng, lề đường và làm mới vỉa hè đều được lắp đặt thùng rác 2 ngăn như: Hai Bà Trưng, Trần Phú, Phan Đình Phùng, Wừu, Quang Trung, Hoàng Hoa Thám... Ngoài việc góp phần đảm bảo mỹ quan đô thị, việc lắp đặt thùng rác 2 ngăn còn làm thay đổi nhận thức của người dân trong bảo vệ môi trường, hình thành ý thức giữ gìn vệ sinh chung.

Đã thành thói quen, chị Nguyễn Thị Út (người bán trái cây dạo trên đường Lê Hồng Phong) cầm 2 bì ni lông đựng vỏ trái cây đem bỏ vào thùng rác. Trước khi bỏ rác vào thùng, chị cẩn thận nhìn kỹ thùng nào là đựng rác hữu cơ để bỏ cho đúng. Cách đó không xa, một tài xế chạy xe Grab cũng đang dừng lại để bỏ rác vào thùng.

Bên cạnh những hình ảnh đẹp ấy thì vẫn còn một số người dân chưa có thói quen phân loại rác. Hình ảnh những chiếc thùng rác lộn xộn (trong thùng hữu cơ có cả chai lọ, thùng vô cơ có cả xác động vật...), mất ruột, mất nắp, rác chất đống, vương vãi xung quanh thùng ở tuyến đường nào cũng có. Tình trạng này không những làm cho người muốn phân loại rác, bỏ rác đúng nơi quy định thấy bực bội, nản lòng mà còn gây khó chịu cho người dân và khách du lịch bởi sự ô nhiễm.

Chị Nguyễn Thị Vân-Công nhân vệ sinh môi trường TP. Pleiku-cho hay: ‘‘Từ ngày có thùng rác 2 ngăn, tình trạng vứt rác bừa bãi đã giảm đáng kể. Người đi đường thay vì xả rác tại chỗ như trước kia thì nay đã tìm đến những thùng rác để ‘‘cho rác’’ thường xuyên hơn. Tuy nhiên, do chưa hiểu rõ về công năng của thùng rác nên một số người đã vứt cả rác sinh hoạt như đầu cá, đầu tôm, xương... vào đây, làm hôi thối, gây khó khăn cho chúng tôi rất nhiều’’.

Nguyên nhân của thực trạng trên xuất phát từ những lý do như: ý thức của một số người dân trong việc phân loại, xử lý rác thải chưa cao; thực hiện chưa nghiêm quy định giờ giấc mang rác ra đường; thùng đựng rác quá nhỏ; chế tài xử phạt chưa nghiêm; biện pháp tuyên truyền cho người dân và nâng cao ý thức cho thế hệ trẻ quan tâm chưa đúng mức. Bên cạnh đó, việc nhắc nhở, lên tiếng với những hành vi xả rác chưa thường xuyên.

Để nâng cao hiệu quả của thùng rác công cộng, thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần khảo sát lại vị trí phù hợp cho mỗi thùng rác. Ở những ngã ba, ngã tư và khu vực đông dân cư cần có những thùng rác lớn hơn.

Cùng với đó, tăng cường công tác truyền thông để mỗi người dân hiểu đúng tác dụng của thùng rác 2 ngăn đi đôi với việc xử phạt bằng tiền đối với hành vi xả rác bừa bãi. Nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung cho lớp trẻ bằng các chương trình dọn vệ sinh, chủ nhật xanh.

Mỗi người dân hãy là một tuyên truyền viên giúp những người xung quanh có ý thức và kiến thức trong việc phân loại rác thải và sử dụng thùng rác 2 ngăn một cách hiệu quả nhất.

Có thể bạn quan tâm