Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Hồ sơ mua AVG được đóng dấu 'mật' là mấu chốt của dự án?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
“26 năm công tác, tôi chưa bao giờ tham gia một dự án nào đóng dấu mật. Điều này mang tính quyết định, khiến chúng tôi muốn phản biện nhưng không có thông tin”, cựu Phó tổng giám đốc MobiFone nói trước tòa.
 
Bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng tự bào chữa trước tòa. Ảnh: Ảnh Thái Sơn - Vũ Hân
Tự bào chữa trước tòa trong ngày  20.12, các cựu Phó tổng giám đốc và Thành viên Hội đồng Thành viên MobiFone đều cho rằng, sai phạm của dự án là giá mua cao hơn nhiều lần so với giá trị thực của AVG. 
Tuy nhiên, việc dự án được đóng dấu mật khiến họ không thể tiếp cận thông tin về tình hình tài chính, kinh doanh của AVG, không thể đưa ra ý kiến phản biện, nên chỉ làm theo chỉ đạo.
Bị cáo Nguyễn Bảo Long, Phó tổng giám đốc MobiFone, Tổ trưởng Tổ thẩm định kỹ thuật, người đã bị đề nghị mức án 2 năm 6 tháng đến 3 năm tù, cho biết: Những việc liên quan đến tình hình tài chính, kinh doanh và giá mua AVG đã được quyết định từ rất sớm, trước khi bị cáo này tham gia dự án.
“Việc đưa dự án vào danh mục tài liệu mật được thực hiện từ rất sớm, vào tháng 3.2015, trong khi đó 3 tháng sau, vào tháng 6.2015, tôi mới nhận nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ thẩm định kỹ thuật dự án. Do đưa vào tài liệu mật, tổ thẩm định kỹ thuật không được tiếp cận thông tin về tài chính, kinh doanh. Tôi với tư cách Phó tổng giám đốc kỹ thuật và Tổ trưởng tổ thẩm định chỉ đánh giá các yếu tố liên quan đến kỹ thuật vận hành dự án. Tôi buộc phải tuân thủ theo quy định của cấp trên”, bị cáo Long nói.
Về việc đã cùng Ban Tổng giám đốc ký Quyển dự án để Hội đồng thành viên trình Bộ Thông tin - truyền thông xem xét, phê duyệt dự án, bị cáo Long cho biết “phải ký theo yêu cầu của cấp trên” và “đây là một sai lầm do bản thân tôi không nắm được quy định về đầu tư”, “là một sai sót chứ không phải một hành vi phạm tội”.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Thị Phương Anh, Phó tổng giám đốc MobiFone (bị đề nghị mức án tương tự bị cáo Long), cũng cho rằng bị cáo tham gia dự án khi mọi việc đã được quyết định và bị cáo “không thể dũng cảm đến mức đưa ra nhận định trái chiều trong khi là cấp dưới”.
Luật sư của bị cáo Phương Anh cũng cho rằng việc đưa dự án vào danh mục tài liệu mật làm ảnh hưởng đến quá trình thông tin, làm cho bị cáo và các thành viên khác của tổ giúp việc không có cơ sở để so sánh, đưa ra quan điểm rõ ràng.
Đặc biệt, luật sư còn chỉ ra việc bị cáo Phương Anh đã đề xuất Tổng giám đốc Cao Duy Hải về việc thuê thêm tư vấn là AMAX (đơn vị cũng có 2 người bị truy tố trong vụ án này), góp phần giảm giá mua AVG, vì trước đó tư vấn VCBS thậm chí đưa ra mức giá 24.000 tỉ đồng. Do đó, luật sư đề nghị được cho bị cáo hưởng án treo.
Tuy nhiên, bị cáo Phương Anh đã bổ sung ý kiến của luật sư, cho rằng mình chỉ đề xuất thuê thêm tư vấn, chứ không đề xuất thuê AMAX.
Bị cáo Hồ Tuấn, Thành viên Hội đồng thành viên MobiFone, không tự bào chữa mà ủy quyền cho luật sư
Theo luật sư, trong dự án này, vai trò của bị cáo Hồ Tuấn “là rất mờ nhạt, không được phân công bất cứ nhiệm vụ gì”. Với tư cách thành viên Hội đồng thành viên, bị cáo chỉ biểu quyết trong một số cuộc họp. Bị cáo cũng không được cung cấp tài liệu để nghiên cứu 3 ngày trước khi cuộc họp diễn ra, mà tại cuộc họp mới được phát tài liệu, phổ biến nội dung theo chỉ đạo của Ban Tổng giám đốc và Chủ tịch Hội đồng thành viên.
“Tại thời điểm năm 2015, hồ sơ dự án đóng dấu mật. Với vai trò thành viên Hội đồng thành viên, không được phân công, phân nhiệm bất cứ việc gì trong dự án, nên bị cáo không được tiếp cận hồ sơ. Hành vi và nhận thức của bị cáo Hồ Tuấn trong vụ việc này là rất đúng thẩm quyền và thận trọng”, luật sư của bị cáo Hồ Tuấn biện luận.
Ai khiến cả Ban lãnh đạo MobiFone hầu tòa, lương tâm người đó cần xem lại
Tự bào chữa cho mình, bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc MobiFone, cũng cho biết mình “rất sốc” khi nghe luận tội của Viện kiểm sát. Bị cáo Hùng được đề nghị mức án ngang với các bị cáo Phương Anh, Bảo Long và Hồ Tuấn.
“Nhiệm vụ của tôi trong vụ án này, người biết rõ nhất là người trực tiếp chỉ đạo tôi (tức Tổng giám đốc Cao Duy Hải - PV). Là (tổ trưởng) Tổ định giá kinh doanh, nhưng tôi chỉ được làm 2 báo cáo, không được làm gì hơn. Trong báo cáo gửi Tổng giám đốc, tôi đã có những cảnh báo mà nếu được xem xét đúng đắn thì tất cả chúng tôi đã không phải đứng ở đây”, bị cáo Hùng nói.
Theo bị cáo Hùng thì “rất nhiều người không hiểu, nhưng dự án đóng dấu mật đối với chúng tôi là đặc biệt khó khăn. 26 năm làm việc, tôi chưa bao giờ tham gia một dự án nào đóng dấu mật. Điều này mang tính quyết định, khiến chúng tôi không biết làm thế nào, chúng tôi muốn phản biện nhưng không đủ cơ sở để đưa ra đánh giá khách quan. Viện Kiểm sát, Hội đồng xét xử cần xem xét tình tiết này rất cẩn trọng”.
“Không chỉ bào chữa cho cá nhân tôi, tôi rất mong Hội đồng xét xử và xã hội nhìn nhận. 26 năm thành lập, MobiFone chúng tôi đóng góp rất nhiều cho đất nước, chưa để xảy ra một vi phạm pháp luật nào. Đó là điều không đơn giản. Một doanh nghiệp có bề dày văn hóa mà để cả ban lãnh đạo ngồi ở đây, trách nhiệm thuộc về ai, người đó nên có những tâm tư. Tòa án lương tâm của họ cần ngẫm lại. Chúng tôi ai cũng có gia đình, bố mẹ. Có những đồng nghiệp của tôi nói rằng, phải nói lên sự thật. Chúng tôi chỉ nói lên sự thật thôi, dù sự thật đó có thể làm ai đó đau buồn, nhưng cũng phải nói để thấy rằng chúng tôi hoàn toàn trong sáng, khách quan trong dự án này”, bị cáo Hùng nói trước tòa.
Theo cáo trạng, tại thời điểm vụ việc đi vào giai đoạn “cao trào”, ngày 5.3.2015, Phạm Đình Trọng, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Thông tin - Truyền thông) đã đề xuất MobiFone và AVG không thông tin, tuyên truyền giao dịch này và đưa giao dịch này vào danh mục “mật” của nhà nước.

Đề xuất này được các ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đồng ý. Ngay trong ngày hôm đó, ông Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, có Văn bản số 44/BTTTT-QLDN gửi Bộ Công an đề xuất đưa dự án vào danh mục tài liệu “mật”.

Thái Sơn (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm