Đợt giãn cách xã hội hồi tháng 5, bà Năm bánh mì giúp chúng tôi đưa những phần gạo đến tặng những người bán hàng rong, làm thuê, ve chai quanh xóm cầu Sáng (phường Tân Phú, quận 7, TP.HCM) nơi bà ở trọ.
Chỉ giúp thôi chứ bà không lấy quà phần mình vì "chỉ có một mình, ăn uống không bao nhiêu, lại có mấy đứa con làm công nhân giúp đỡ".
Tháng 8 này, gọi điện hỏi thăm, tiếng thở dài của bà như sâu hơn: "Buôn bán ế ẩm lắm, ai cũng vậy. Mấy khu văn phòng hình như ít người đi làm hơn, chi tiêu cũng chặt chẽ hơn trước. Mấy đứa con làm công nhân cũng bị giãn việc, bữa đi làm, bữa nghỉ…".
Hỏi về gói hỗ trợ của Nhà nước, bà thở dài: "Tôi cũng tiếp với khu xóm đi ghi thông tin đầy đủ lắm, nhưng chỉ người tạm trú dài hạn mới được thôi. Các con tôi không được hỗ trợ vì công ty không làm được thủ tục gì đó… Giấy tờ phức tạp lắm".
Hỏi thăm mấy chị làm nghề thu mua ve chai ở xóm Hoa Sữa (Bình Hưng, Bình Chánh), tiếng cười vốn rất giòn của chị Phương nay cũng héo đi: "Hàng quán dạo không đông khách như trước nên ve chai cũng không cân được bao nhiêu, lại mưa gió.
Còn chuyện xin hỗ trợ thì không ai nghĩ đến. Hôm trước xã có tổ chức ATM gạo nhưng ai đến nhận đều phải có giấy hẹn của ủy ban xã cấp, chúng tôi không được phát vì chỉ là dân tạm cư. Con cái lại sắp vào năm học mới…".
Tác động suy giảm kinh tế của dịch covid-19 đang ngày càng sâu, càng rộng. Ở những khu du lịch nghỉ dưỡng thênh thang vắng lặng. Khu dân cư kề bên nhà nhà đóng cửa. Đằng sau sự yên ắng đó là tâm trạng "mọi người đang nghèo đi".
Vâng, nghèo đi là cách nói, đúng hơn là không còn thu nhập. Mà những người trong cảnh nêu trên đều trong cảnh "tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ".
Khó quá, không ít người trông chờ vào những bàn tay hỗ trợ của nhà hảo tâm, đặc biệt là từ Nhà nước. Ai cũng biết đến gói 62.000 tỉ cứu doanh nghiệp, người khó khăn.
Nhưng con số giải ngân không như kỳ vọng. Có gần 350 tỉ đồng đến được tay 355.000 người lao động nghèo. "Muối bỏ biển" nếu nói về số người, và cũng là "muối bỏ biển" nếu nói về số tiền.
Đã hơn bốn tháng kể từ khi gói hỗ trợ mang đầy tính nhân văn, nhân đạo này được triển khai.
Những người lao động nghèo đang rơi vào cảnh "tay quai miệng trễ" lại bất lực với những điều kiện để được nhận hỗ trợ: điền đơn xin hỗ trợ tại chính quyền nơi tạm trú, mưu sinh, lại phải xin xác nhận từ chính quyền quê quán về việc không hưởng hỗ trợ tại đó, rồi lại chứng minh thu nhập dưới chuẩn quy định.
"Thôi, chúng tôi đành không nhận. Đi xin giấy ở quê tận Vĩnh Phúc thì chịu thôi. Tôi tranh thủ đi làm, kẻo ngày mai…", chị Phương lắc đầu rồi lên xe đạp, tiếp tục một ngày rong ruổi.
Những người thật sự nghèo, thật sự cần hỗ trợ đã lắc đầu nhẹ nhàng như thế! Vì sao một chính sách lớn, đúng đắn, sát thực tế và nhân văn như thế, lẽ ra phải nhanh như những ATM gạo mà người dân đã tự làm từ ngày đầu mùa dịch, sao lại trở thành xa vời vợi như vậy?
Theo PHẠM VŨ (TTO)