Kinh tế

Nông nghiệp

Hỗ trợ nông hộ chăn nuôi: Nhiều khó khăn, vướng mắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Quá trình thực hiện Quyết định số 50/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020 tại Gia Lai thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.

 

Đàn bò của một hộ dân tại huyện Đak Pơ được hỗ trợ phối giống. Ảnh: Nguyễn Hồng
Đàn bò của một hộ dân tại huyện Đak Pơ được hỗ trợ phối giống. Ảnh: Nguyễn Hồng

Ngày 4-9-2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020. Trên cơ sở đó, ngày 23-12-2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 205/2015/TT-BTC quy định về cơ chế tài chính thực hiện Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg.

Tại Gia Lai, cuối năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 879/QĐ-UBND về phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ phát triển chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh năm 2018. Đến ngày 28-9-2018, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Quyết định số 22/2018/QĐ-UBND quy định chi tiết điểm b, khoản 3, điều 6, Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó kinh phí thực hiện trong năm 2018 là hơn 13,2 tỷ đồng, gồm: ngân sách trung ương hỗ trợ hơn 6,6 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 6,6 tỷ đồng. Theo đó, Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh là đơn vị cung ứng liều tinh heo; Trung tâm Khuyến nông tỉnh cung ứng liều tinh bò và các loại vật tư đi kèm để hỗ trợ phối giống nhân tạo đàn bò của tỉnh. Sau 1 năm triển khai thực hiện, 2 đơn vị đã cung ứng 2.236 liều tinh và 4 con heo đực giống; 3.250 liều tinh bò đông lạnh và 3.250 lít ni tơ lỏng, 3.250 bộ dụng cụ phối giống, 25 con bò đực giống. Ngoài ra, 2 đơn vị đã hỗ trợ xây dựng 15 hầm biogas, đào tạo dẫn tinh viên…

Tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch hỗ trợ chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh năm 2018 do Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức mới đây, cơ quan chuyên môn và các địa phương đều có chung nhận định là kế hoạch trên gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Ông Phạm Xuân Trường-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang-cho hay: Kế hoạch phát triển chăn nuôi nông hộ năm 2018 gặp rất nhiều khó khăn như giá hỗ trợ mua bò đực giống chỉ 14 triệu đồng/con, trong khi người dân khảo sát và tìm mua thì giá khoảng 40-50 triệu đồng/con. Giá heo đực giống cũng khá cao. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ tinh vào mùa đông cũng không phù hợp. Cùng quan điểm này, ông Huỳnh Văn Hơn-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ-cho biết thêm: Người dân muốn giống bò phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương nhưng nhiều quy định lại không phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Hơn nữa, từ trước đến nay, trong các chương trình hỗ trợ, người dân đều được hỗ trợ 100% bằng tiền hoặc hiện vật, chưa có việc “bỏ tiền mua trước rồi được hỗ trợ 50% sau”. Vì vậy, người dân chưa thực sự ủng hộ chính sách này. Bên cạnh đó, các địa phương chưa thực sự triển khai quyết liệt chính sách này. Ông Võ Văn Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro-cho biết: Quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch hỗ trợ phát triển chăn nuôi nông hộ xuống huyện trong năm 2018 khá muộn, đến tháng 9-2018 mới triển khai dù huyện đã chỉ đạo rất quyết liệt. Khó khăn nhất hiện nay là bò đực giống người dân đã mua rồi, nếu không thanh toán được các địa phương sẽ đối mặt với khó khăn.

Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-nêu quan điểm: Qua 1 năm triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển chăn nuôi nông hộ, các địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc bởi các thủ tục hành chính và các quy định của Trung ương. Dù các địa phương, đơn vị cũng đã nỗ lực nhiều nhưng chưa đạt như mong đợi. Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ rà soát các quy định còn bất cập để tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh tháo gỡ nhằm giúp các địa phương, đơn vị chủ động tốt hơn kế hoạch này.


 

Nguyễn Hồng

 

Có thể bạn quan tâm