Thời sự - Bình luận

Hỗ trợ theo "diện" và "điểm"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

 Làn sóng dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 khiến cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục trải qua một năm đầy gian khó với bài toán cân đối dòng tiền ra sao để bám trụ. Họ cần trợ lực từ nhà nước hơn bao giờ hết.

Khác với những lần bùng phát dịch trước đây, mức độ tập trung và phức tạp của đợt này tăng lên, tác động đến doanh nghiệp cũng trực diện hơn. Trong khi đó, sức chống chịu của doanh nghiệp đã suy giảm đáng kể do bị bào mòn dần từ những đợt dịch trước. Do đó, chính sách hỗ trợ lần này phải đặc biệt và trọng điểm hơn.

Với tinh thần "không ngăn sông cấm chợ" và "khoanh vùng hẹp" để bảo đảm sản xuất, duy trì phát triển kinh tế, Chính phủ không đưa ra giải pháp giãn cách toàn bộ xã hội như lần bùng dịch đầu tiên - khi cả nước còn bỡ ngỡ trước sự xuất hiện của một căn bệnh mới lạ. Bởi vậy, mức độ tác động của dịch bệnh đến doanh nghiệp lần này rất khác nhau.

Một số địa phương cụ thể, một số doanh nghiệp cụ thể bị tác động nặng nề do nằm ở tâm dịch. Một số khác dù không nằm ở điểm nóng nhưng chịu tác động dây chuyền do thuộc chuỗi cung ứng, trong khi nhiều doanh nghiệp khác bị ảnh hưởng nhẹ hơn. Như vậy, chính sách hỗ trợ cần kết hợp giữa "diện" và "điểm" với mức độ ưu tiên khác nhau.

Cụ thể, cần tiếp tục duy trì ưu đãi thuế, phí, tín dụng... đối với toàn bộ doanh nghiệp bị ảnh hưởng trên phạm vi cả nước. Bên cạnh đó, cần chính sách riêng và kịp thời cho doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề ở những địa phương hứng chịu dịch bệnh bùng phát mạnh, đặc biệt là doanh nghiệp ở các khu công nghiệp với vai trò mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng, hoặc doanh nghiệp thuộc các ngành xuất khẩu quan trọng.

Trong đó, cần thiết giảm thuế với mức độ phù hợp bên cạnh gói hỗ trợ trả lương cho người lao động cùng ưu đãi tín dụng mạnh mẽ hơn nữa cho nhóm doanh nghiệp nằm trong tâm dịch hoặc chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch. Ngoài ra, kiên trì kiến nghị giảm thuế GTGT để kích thích tiêu dùng, từ đó đem lại lợi ích chung cho nền kinh tế.

Nếu không có chính sách đặc thù như trên, chắc chắn không ít doanh nghiệp sẽ không thể hồi phục và khó sống sót trước các đợt dịch liên tiếp.

Chính sách cần có chung, có riêng, có ưu đãi tùy theo mức độ bởi nguồn lực nhà nước có hạn. Với con số hơn 700.000 doanh nghiệp hiện nay, nếu hỗ trợ cào bằng thì ngân sách nhà nước sẽ rất khó cân đối, chưa kể hỗ trợ không đến được đúng địa chỉ, đúng trọng tâm.

Chính sách hỗ trợ đã ít nhiều được hình thành từ những đợt bùng phát dịch bệnh trước đây nhưng nhiều doanh nghiệp, người dân không tiếp cận được. Có tình trạng sợ trách nhiệm nếu tiền trợ cấp đến không đúng đối tượng, dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm, gây khó dễ cho đối tượng được hưởng trợ cấp, ưu đãi. Mục tiêu giải ngân khoản hỗ trợ chỉ làm được khi thủ tục đơn giản, cán bộ dám chịu trách nhiệm. Nếu không, các gói hỗ trợ vẫn chỉ nằm trên giấy, còn nền kinh tế ì ạch hồi phục bởi doanh nghiệp - trung tâm của nền kinh tế - phải một mình vật vã, xoay xở tìm đường sống sót.

GS TRẦN THỌ ĐẠT, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội
(Dẫn nguồn NLĐO)

Có thể bạn quan tâm