Thời sự - Bình luận

Hoa hậu 'ơ kìa'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hoa hậu Ý Nhi vừa đăng quang xong đã để lại quá nhiều tranh cãi vì những phát ngôn của cô, mà đỉnh điểm là phát ngôn đầu tiên về người bạn trai đã quen nhiều năm và những gì cô tự nhận xét so sánh mình với các bạn đồng trang lứa.

Ngày 29/7, Ý Nhi đã phải có một buổi livestream xin lỗi khán giả và lý do cô đưa ra cho những phát ngôn của mình là "do còn non nớt". Lý do đưa ra có vẻ dễ chấp nhận và thường mỗi khi gặp "tai nạn", mỗi người vẫn muốn đưa ra một biện minh riêng.

Nhưng suy cho cùng, ở tuổi 21, cái gọi là non nớt có thể được chấp nhận ở các quyết định hành động nào đó đòi hỏi một kinh nghiệm sống dày dạn mà chủ thể chưa thể đủ thời gian tích lũy. Còn ở chuyện phát ngôn, nó không đủ sức nặng để biện minh, nhất là khi lứa tuổi này được lớn lên với sự phát triển của mạng xã hội, nơi những kinh nghiệm phát ngôn có thể được mỗi người rút ra hàng ngày.

Mỗi năm có cả chục cuộc thi hoa hậu

Mỗi năm có cả chục cuộc thi hoa hậu

Thực tế, từ xưa tới nay, mỗi một hoa hậu đăng quang đều để lại những chê bai ngay từ ban đầu từ một bộ phận cộng đồng. Chín người mười ý, khó có hoa hậu nào có thể đáp ứng được 100% sự đòi hỏi của cả một cộng đồng quá lớn. Chuyện dễ chê nhất là nhan sắc. Kỳ lạ thực sự khi người ta dễ buông lời chê hoa hậu… xấu. Và thường phải sau một thời gian, khi cái mặn mòi của cô hoa hậu bắt đầu phát lộ, cộng đồng mới bắt đầu có những lời khen, từ dè dặt dần dần cho tới ngưỡng mộ.

Nhưng có một điều không thể phủ nhận, đó là số lượng hoa hậu được khen và ngưỡng mộ là không nhiều. Không phải những người không được khen không có duyên, không mặn mòi. Cơ bản, cộng đồng người Việt dường như quá khó tính, ít thích khen người khác. Nếu một hoa hậu vẹn toàn tài sắc, có trình độ, ham học hỏi, ham hiểu biết, cộng đồng cũng ít khi dành cho họ một lời khen. Ngược lại, chỉ cần một điểm mờ nào bỗng dưng bộc lộ ra, lời chê sẽ lập tức xuất hiện như mưa rào.

Còn nhớ, cố hoa hậu Nguyễn Thu Thủy từng có một phát ngôn bị ném đá là "nhan sắc cũng là một tài năng". Nhiều người đã mỉa mai câu nói ấy của cô, trong khi không hiểu cặn kẽ cô muốn biểu đạt gì. Nguyễn Thu Thủy thuộc diện số hiếm hoa hậu chịu đọc, và đọc nhiều. Cô dùng từ "tài năng" với hàm ý "talent" và ở vào bối cảnh ngành công nghiệp giải trí Việt Nam còn non nớt, vẫn chưa có nhiều công ty quản lý tài năng (talent management). Chữ "talent" này thực tế dịch sang tiếng Việt là tài năng vẫn chưa chuẩn ý. Nhưng từ ban đầu, ngay cả trong từ điển, chúng ta đã chấp nhận "talent" là tài năng. Trong khi đó, hàm ý của Thủy là nhan sắc cũng là một dạng "talent" mà các công ty quản lý có thể khai thác, thậm chí khai thác rất tốt.

Nhưng những phát ngôn của Ý Nhi thì lại khác xa tầm vóc của phát ngôn Thu Thủy trước đây. "Trong khi bạn bè đồng trang lứa dành thời gian để ngủ, để chơi, để uống trà sữa thì tôi đã tham dự cuộc thi hoa hậu. Tôi nghĩ mình trưởng thành hơn các bạn, khi mà các bạn vừa đi học vừa đi làm thì tôi đã là một hoa hậu", phát ngôn này của Ý Nhi rõ ràng cho thấy sự tự mãn thái quá sau khi đăng quang. Và nếu soi lại các phát ngôn không chỉ của Ý Nhi mà của vài hoa hậu trong mấy năm qua rồi so sánh với nhiều hoa hậu cách đây hơn 10-20 năm, chúng ta có thể giật mình vì chất lượng hoa hậu Việt Nam… xuống cấp quá.

Ở phát ngôn đầu tiên về bạn trai, khi Ý Nhi nói, "Tôi hiện tại đã ở một cương vị mới. Chắc chắn bạn trai của tôi cũng phải có những sự thay đổi nhanh chóng, tiến bộ nhiều hơn để có thể theo kịp tôi", có thể cô muốn biểu đạt rằng cô của ngày hôm nay đã khác cô của ngày hôm qua và bạn trai của cô cũng sẽ tập quen dần với sự thay đổi bất ngờ này. Song, ý là một chuyện, ngôn lại là chuyện khác. Cách biểu đạt của cô không lột tả được cái ý mà cô muốn nói. Từ đây, chúng ta có thể đặt ra một câu hỏi: Liệu phát ngôn của Ý Nhi có đủ tiêu chuẩn cho việc là một biểu tượng có thời hạn về tài sắc của phụ nữ Việt?

Hoa hậu Ý Nhi và 2 Á hậu Miss World Vietnam 2023

Hoa hậu Ý Nhi và 2 Á hậu Miss World Vietnam 2023

Trong 4 tiêu chuẩn thuộc về truyền thống văn hóa của người Việt dành cho phụ nữ, chữ "ngôn" được đặt ở vị trí thứ 3. "Ngôn" không chỉ là nói cái gì mà còn là nói lúc nào, nói như thế nào và biết im lặng khi nào. Ở thời hiện đại, mỗi cuộc thi sắc đẹp đều có phần thi về "ngôn". Chúng ta không bắt buộc một hoa hậu phải có năng lực hùng biện nhưng chúng ta cần một hoa hậu "biết nói" chứ không phải một hoa hậu "có thể nói". Sẽ có người cho rằng tại sao lại quá khắt khe với hoa hậu đến vậy, tại sao lại đi chấp nhặt phụ nữ ở các tiểu tiết đó; nhưng cần nhìn thẳng vào vấn đề là các hoa hậu thực sự luôn tạo ra động lực cho một bộ phận phụ nữ trẻ phấn đấu. Ai cũng muốn mình được ghi nhận là cô gái tài sắc nhất nước ở một thời điểm nào đó và họ ngưỡng mộ những ai đăng quang, có thể sẽ coi người đó như một cái đích phấn đấu của mình. Khi cái đích phấn đấu ấy quá tầm thường, nó cũng sẽ khiến một bộ phận cho rằng sự tầm thường đủ sức để tạo nên đột phá.

Và phát ngôn của Ý Nhi không chỉ được gói gọn trong đức "ngôn" của tứ đức. Cái "hạnh" cũng thiếu khi sự tự mãn thái quá mà cô thể hiện ra đã che lấp hoàn toàn cái "hạnh" mà cô có thể có. Ở tuổi 21 của cô, phụ nữ Việt không thiếu người đạt những thành tựu lớn. Điển hình, khi Ý Nhi đưa ra những đánh giá trên về những người cùng thế hệ với mình, có 4 bạn nữ trạc tuổi cô đang khoác trên mình tấm áo của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam ở lần đầu tham dự VCK World Cup. Và để có được thành tựu tham dự VCK ấy, họ đã phải nỗ lực nhiều năm trời, tức là nỗ lực từ khi còn trẻ hơn tuổi Ý Nhi khi đăng quang rất nhiều.

Trong phát ngôn của Ý Nhi, cái ý thức muốn khẳng định "tôi đang là ai" mạnh mẽ đến mức độ nó lấn át toàn bộ sự khiêm nhường cần phải có. Và cơ bản, Ý Nhi có một điểm nổi trội hơn đa phần bạn nữ cùng thế hệ là cô có sắc vóc. Sắc vóc là thứ không phải ai cũng có thể có được. Thậm chí, nhiều người còn thiệt thòi khi không được trời ban cho một sắc vóc dễ nhìn. Những cá nhân ấy buộc phải phấn đấu nhiều hơn để có thể tạo được một vị thế cho mình trong xã hội. Nỗ lực của họ lớn hơn nhiều lần cái nỗ lực tham gia một kỳ thi sắc đẹp. Mà vốn dĩ, các cuộc thi sắc đẹp xưa nay vẫn hay để lại những điều tiếng xôn xao xoay quanh chuyện "làm cách nào để đăng quang".

Trong xã hội hiện đại, xu thế hiện nay đang có những phong trào đòi bỏ các cuộc thi hoa hậu, nhất là từ những người theo chủ nghĩa nữ quyền. Họ cho rằng việc đưa các cô gái lên khoe nhan sắc là một sự xem thường phụ nữ khi mang họ ra như trò giải trí, đặc biệt là cho cánh mày râu. Phong trào này có thể là khá cực đoan bởi mỗi cuộc thi ngoài tính giải trí còn có một mục tiêu khác là tìm ra chuẩn "tài sắc" đương đại của người phụ nữ. Nhưng nói gì thì nói, không thể phủ nhận chuyện các cuộc thi sắc đẹp có tính giải trí thực sự. Song, giải trí cũng dăm bảy đường giải trí. Có những thứ giải trí mang tính nghiêm túc và có những thứ giải trí hoàn toàn tầm phào.

Để một cuộc thi hoa hậu không mang tính tầm phào, rất cần nó được tổ chức nghiêm túc, với phần tuyển lựa khắt khe thực sự. Ai đủ tầm làm giám khảo là một chuyện đáng nói. Thành viên ban giám khảo có nhất thiết phải là người nổi tiếng hay không hay cần hơn từ họ là những người có uy tín về chuyên môn? Ví dụ như ở cuộc thi mà Ý Nhi đăng quang vừa rồi, về phần "ngôn", trong ban giám khảo có mỗi một người tàm tạm coi là có thể có chút năng lực bởi thành viên ấy có khả năng làm MC. Mà như chúng ta đã biết, ngay cả MC đắt show, lừng danh nhất Việt Nam hiện nay, được xem là rất thông minh như Trấn Thành mà vẫn còn vạ miệng thì chúng ta đủ hiểu chất lượng sát hạch của cuộc thi hoa hậu kia chắc chắn có vấn đề.

Muốn có những hoa hậu thật sự chất lượng, trước tiên cần phải thay đổi cách tổ chức thi hoa hậu cái đã. Mà những năm gần đây, một trong những thứ lùm xùm nhất trong làng giải trí chính là các cuộc thi hoa hậu. Khi các cuộc thi sắc đẹp ngày một tầm thường đi, thậm chí có thể nói là "hàng chợ" hơn, việc xuất hiện các hoa hậu rất "ơ kìa" có lẽ cũng là chuyện dĩ nhiên mà thôi.

Có thể bạn quan tâm