Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Ngành nghề tương lai:

Học logistics và quản lý chuỗi cung ứng không sợ thất nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Logistics và quản lý chuỗi cung ứng hỗ trợ xuyên suốt các phân ngành kinh tế khác là nhu cầu hiện hữu không chỉ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ mà còn ở tất cả các lĩnh vực hoạt động khác, bao gồm cả phi lợi nhuận. Vì vậy, cơ hội việc làm của ngành này rất rộng mở.

GS-TS Thái Văn Vinh, ĐH RMIT (Úc), cho biết logistics và quản lý chuỗi cung ứng là ngành học có tính logic hệ thống cao, đồng thời đòi hỏi một số kỹ năng quan trọng về tư duy, tính toán. Vì vậy, ngành này sẽ phù hợp với những học sinh năng động, sáng tạo, tư duy logic tốt, có khả năng tập trung, thích nghi và chịu được áp lực.

GS-TS Vinh cũng thông tin, theo một nghiên cứu của Allied Market Research (bộ phận nghiên cứu thị trường dịch vụ đầy đủ và tư vấn kinh doanh của Allied Analytics LLP có trụ sở tại Portland, Oregon, Mỹ), ngành logistics trên thế giới sẽ có mức tăng trưởng kép hằng năm khoảng 5,6% trong giai đoạn 2023-2032. Còn theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics VN, ngành này đã tăng trưởng 14-16% hằng năm; là một trong những ngành kinh tế tăng trưởng nhanh nhất cả nước và có tốc độ tăng trưởng kép hằng năm dự kiến trong 5 năm tới là 15-20%.

Làm gì để có cơ hội làm việc tại các công ty đa quốc gia ?

Từng có thời gian làm việc tại một công ty đa quốc gia, Nguyễn Minh Hòa, 25 tuổi, hiện đang học bậc thạc sĩ ngành logistics và quản trị chuỗi cung ứng tại Trường ĐH Công nghệ Delft, Hà Lan, cho biết: "Lợi thế của ứng viên đến từ VN khi làm việc tại các công ty đa quốc gia trong lĩnh vực logistic và quản trị chuỗi cung ứng là học hỏi nhanh. Kể cả các sinh viên trái ngành cũng nhanh chóng bắt nhịp và xử lý được công việc. Tuy nhiên, phần lớn ứng viên gặp khó khăn về ngoại ngữ. Nguyên nhân là nhiều công ty yêu cầu các ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh như Nhật, Trung, Hàn… Ngoài ra, ứng viên còn có thể gặp khó khăn vì công ty đòi hỏi chuyên môn liên quan đến công nghệ, phân tích dữ liệu".

Sinh viên ngành logistics cần trang bị thêm các kỹ năng, chứng chỉ để tăng khả năng cạnh tranh với những ứng viên quốc tế khác nếu muốn làm việc tại các công ty đa quốc gia. Ảnh: NGUYỄN ĐIỀN

Sinh viên ngành logistics cần trang bị thêm các kỹ năng, chứng chỉ để tăng khả năng cạnh tranh với những ứng viên quốc tế khác nếu muốn làm việc tại các công ty đa quốc gia. Ảnh: NGUYỄN ĐIỀN

Minh Hòa khuyên: "Học sinh nên cân nhắc xem bản thân có thật sự phù hợp với ngành không. Trong quá trình học cần trang bị thêm các kỹ năng, chứng chỉ để có thể cạnh tranh với các ứng viên quốc tế khác, như: ngoại ngữ, các dự án thực tế, kiến thức về công nghệ, dữ liệu…".

GS-TS Thái Văn Vinh cho biết thêm các công ty đa quốc gia còn đòi hỏi ứng viên phải có khả năng sử dụng phần mềm logistics, công nghệ mới… Ngoài ra, trong quá trình làm việc người trẻ phải thích nghi với áp lực công việc cao, trung thực, có kỹ năng làm việc nhóm và giải quyết vấn đề phát sinh.

Nhiều cơ hội và vị trí việc làm rộng mở

Theo GS-TS Thái Văn Vinh, ngành này hỗ trợ xuyên suốt các phân ngành kinh tế khác và nhu cầu hiện hữu không chỉ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ mà còn ở tất cả các lĩnh vực hoạt động khác, bao gồm cả phi lợi nhuận.

"Thử hình dung nếu ca sĩ Taylor Swift quyết định đến VN biểu diễn, thì đằng sau đó đòi hỏi phải có bộ máy logistics vận hành trơn tru để buổi biểu diễn được hiệu quả và an toàn (gọi là logistics sự kiện - event logistics). Hay khi thiên tai xảy ra, rất nhiều người dân bị ảnh hưởng sẽ cần được cứu trợ nhu yếu phẩm đúng, đủ, và kịp thời, đòi hỏi công tác logistics phải được thực hiện hiệu quả (gọi là logistics sau thiên tai/logistics nhân đạo - humanitarian logistics)", GS Vinh lý giải.

Còn tiến sĩ Đỗ Thanh Vân, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho biết dự báo nhu cầu nhân lực bình quân hằng năm của ngành dịch vụ vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 là khoảng 15.500 - 16.500 người, chiếm khoảng 5% tổng nhu cầu nhân lực. Số liệu này có liên quan mật thiết tới những sinh viên đang theo học ngành logistics và quản trị chuỗi cung ứng bởi sau khi ra trường họ sẽ làm việc tại các vị trí công việc trong nhóm nêu trên.

"Cơ hội việc làm của nhân sự ngành này rất rộng, trải dài qua nhiều vị trí, lĩnh vực và không đơn giản là nhân viên giao hàng hoặc lái phương tiện. Chẳng hạn như: vận hành kho (xuất, nhập, chứng từ...), hành chính, điều phối logistics, giao nhận, khai thuế hải quan, đóng gói - dán nhãn hàng hóa, lập kế hoạch logistics, kinh doanh logistics, điều độ khai thác, phân tích dữ liệu và điều phối hệ thống phân phối…", GS Vinh cho biết.

Ngoài ra, theo GS-TS Vinh, nhân sự ngành này làm việc ở các vị trí nêu trên tại những công ty cung cấp dịch vụ logistics (vận tải bộ, vận tải thủy, vận tải đường sắt, vận tải hàng không...). Ngoài ra còn có thể ứng tuyển vào các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ, cũng như tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức chính phủ, phi chính phủ và công ty đa quốc gia.

Theo đánh giá của GS-TS Vinh, đây đang được xem là một trong những ngành có mức thù lao khá hấp dẫn. Mức lương của nhân sự làm việc trong ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng ở VN sẽ dao động theo vị trí, năng lực làm việc. Theo Vietnamworks (nền tảng tuyển dụng, việc làm, tra cứu mức lương…), tại VN mức lương khởi điểm của một sinh viên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm vào khoảng 6-7 triệu đồng/tháng; mức lương trung bình của vị trí quản lý logistics là 3.000 - 4.000 USD/tháng và giám đốc chuỗi cung ứng là 5.000 - 7.000 USD/tháng.

Có thể bạn quan tâm