Thời sự - Bình luận

Học sinh gặp khó khi chọn nguyện vọng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2019-2020 (đợt 1) đã cơ bản hoàn thành. Các hội đồng chấm thi tốt nghiệp đang gấp rút hoàn tất phần việc cuối cùng để công bố điểm thi, xét tốt nghiệp cho học sinh, thời điểm cuối là ngày 27-8-2020. Số học sinh chưa thi tốt nghiệp THPT do ảnh hưởng dịch Covid-19 sẽ tiếp tục thi đợt 2 vào thời điểm thuận lợi, đồng thời các quyền lợi thí sinh trong xét tuyển cao đẳng và đại học cũng được đảm bảo. Theo nhận định của các chuyên gia giáo dục và giáo viên thì đề thi năm nay tương đối “dễ thở” nên nhiều khả năng mặt bằng điểm các môn thi sẽ cao hơn năm trước và tỷ lệ tốt nghiệp THPT cũng sẽ cao.

Các thí sinh đang chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa đại học hãy cân nhắc và chọn lựa chính xác con đường mà mình nhắm đến tương lai.
Các thí sinh đang chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa đại học hãy cân nhắc và chọn lựa chính xác con đường mà mình nhắm đến tương lai. (ảnh minh họa: Internet)

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì trong gần 900.000 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, có 1/3 thí sinh không đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào cao đẳng, đại học. Như vậy, sẽ có một bộ phận lớn học sinh tốt nghiệp sẽ chọn đi vào các trường chuyên nghiệp đào tạo nghề hoặc trực tiếp tham gia lao động sản xuất.

Nhận định của các trường đại học, cao đẳng xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay thì có một số thí sinh đăng ký cao nhất đến 9 nguyện vọng xét tuyển, nhưng đa phần các em đăng ký dưới 5 nguyện vọng. Các trường đại học thuộc tốp trên với các chuyên ngành như: Y, Dược, Bách khoa vẫn giữ mức điểm xét tuyển đầu vào khá cao và có thể nhích hơn 1-2 điểm so với năm trước. Các trường thuộc tốp giữa vẫn muốn giữ điểm đầu vào như mọi năm, nhưng có một số chuyên ngành “hot” điểm có thể nhích hơn 2-3 điểm vì tỷ lệ “chọi” khá cao.

Năm nay, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đáp án các môn thi, nhiều học sinh khá băn khoăn khi chọn nguyện vọng, vì một số thí sinh thấy khả năng điểm tốt nghiệp của mình vượt trội nên muốn thay đổi nguyện vọng vào ngành nghề “hot” hơn; ngược lại, một số em thiếu tự tin khi so với bạn bè thấy sút điểm nên muốn được thay đổi để có cơ hội bước chân vào giảng đường đại học. Các trường cao đẳng, đại học cũng đang trấn an thí sinh là sau khi công bố chính thức điểm tốt nghiệp năm nay, các em còn thời gian trong vòng 1 tuần đến 10 ngày để thay đổi nguyện vọng xét tuyển.

Theo các chuyên gia tư vấn tuyển sinh thì các em nên ưu tiên chọn nguyện vọng theo sở thích và năng lực của mình để vào ngành nghề; không vì dựa vào điểm số hay chạy theo phong trào mà ép mình vào những ngành không phù hợp năng lực để rồi thất bại, dang dở con đường học vấn hay ra đời khó tìm được công việc thích hợp.

Điều khó khăn cho đa số thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm nay là tình hình nền kinh tế thế giới cũng như trong nước đang bước vào đợt suy thoái do ảnh hưởng của dịch Covid-19, “nỗi ám ảnh thất nghiệp” đang hiện hữu trước mắt. Điều đó sẽ phần nào chi phối đến sự lựa chọn nghề nghiệp của các em trong tương lai. Vì vậy, câu hỏi “học cái gì, học như thế nào?” để có việc làm ổn định sau khi ra trường là điều mà hầu hết các thí sinh đang mong tìm được câu trả lời nhất.

Nhưng tất cả những yếu tố khách quan gây trở ngại, tác động đến việc làm của người lao động rồi sẽ qua đi, vấn đề cơ bản là sự lựa chọn của các em hiện tại. Chúng ta phải tự hỏi là mình đã chọn đúng trường, đúng ngành nghề yêu thích để học chưa; mình đã xác định được tâm thế, sự quyết tâm để đạt đến sở nguyện bằng chính việc học như thế nào, học ở đâu và học cái gì? “Không ai định đoạt tương lai thay ta tốt hơn bằng chính chúng ta!”-câu triết lý ấy dù đã quen tai nhưng sự thực nó hoàn toàn đúng với thực tế từ trước đến nay.

Rất mong các thí sinh đang chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa đại học hãy cân nhắc và chọn lựa chính xác con đường mà mình nhắm đến tương lai.

 HOÀNG LINH VIỆT
 

Có thể bạn quan tâm