AI được quan tâm phát triển và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của đời sống. Ảnh minh họa: Ngọc Duy |
AI (Artificial intelligence) là một ngành thuộc lĩnh vực khoa học máy tính do con người lập trình tạo nên. Mục tiêu mô phỏng được những suy nghĩ và lập luận, khả năng học tập, biết giao tiếp do hiểu ngôn ngữ, tiếng nói, cư xử… của con người áp dụng cho máy móc, nhất là các hệ thống máy tính. Đặc biệt, với sự phát triển vượt bậc của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay, AI đã và đang là công cụ đắc lực hỗ trợ con người cả trong công việc lẫn đời sống.
Lê Hoàng Nhi (16 tuổi; tổ 2, phường Ia Kring, TP. Pleiku) cho biết: Qua tìm hiểu, em được biết, AI là thành quả mô phỏng các quá trình trí tuệ nhân tạo của con người thông qua máy móc, đặc biệt là máy tính. Ngày nay, AI còn tích hợp qua điện thoại, máy móc, robot... với các ứng dụng như: nhận dạng được giọng nói và thị giác, thay con người làm các công việc có tính chất lặp đi lặp lại. Đơn cử như Facebook sử dụng AI trong việc nhận diện hình ảnh, tin tức giả hay “ông lớn” Amazon với mô hình siêu thị “Amazon Go” không cần bất kỳ nhân viên thu ngân nào mà nhờ hoàn toàn vào công nghệ AI...
“Ngày nay điện thoại thông minh là vật bất ly thân của các bạn học sinh như chúng em. Hầu như bạn nào cũng sử dụng phần mềm nhận diện khuôn mặt đến trợ lí ảo... Những gợi ý về tin tức, video hay các bản nhạc trên mạng xã hội, những trải nghiệm mua sắm trực tuyến... đều do AI chi phối. Và em cảm thấy chúng khá hữu ích”-Nhi chia sẻ.
Chưa kể, theo Nhi, giờ đây, chỉ bằng một cú click chuột, quét mã QR hay sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt, giọng nói… chúng ta có thể dễ dàng mua sắm, giao dịch ngân hàng, làm các thủ tục hành chính. Các sản phẩm của AI cũng giúp con người trên toàn cầu xóa bỏ khoảng cách ngôn ngữ, có thể nói chuyện, hiểu nhau và thoải mái tiếp xúc, qua đó có thêm nhiều cơ hội để học tập và làm việc trên khắp thế giới.
Em Diệp Nhã An (tổ 2, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) ứng dụng công nghệ AI trong quá trình học tập. Ảnh: Đồng Lai |
Còn với em Diệp Nhã An (15 tuổi; tổ 2, phường Hoa Lư, TP. Pleiku), AI là một kho tài liệu gốc khổng lồ và luôn được cập nhật liên tục những kiến thức mới, giúp em có thể tiếp cận với nguồn tri thức ở mọi lúc, mọi nơi.
"Như hiện tại, em đang tham gia vào khóa học vẽ và nhờ Chatbot giúp em dễ dàng tìm kiếm thông tin cũng như đặt câu hỏi liên quan đến bài học một cách nhanh chóng và chính xác. Đặc biệt, AI có thể định hướng được nghề nghiệp trong tương lai bằng cách dựa vào dữ liệu cá nhân để tổng hợp, phân tích dựa trên sở thích, khả năng, tư duy của mỗi học sinh để định hướng nghề nghiệp đúng đắn”-Nhã An cho hay.
Không phủ nhận sự thuận tiện khi AI có thể thay thế con người trong một số công việc như: vị trí nhân công trong các nhà máy, công cụ trợ lý ảo Chat GPT giúp các nhà bán hàng có thể tương tác với khách hàng và trả lời các câu hỏi chung mà không cần sử dụng thời gian thực của con người, đánh giá dữ liệu, giao tiếp với khách hàng hay các cuộc gọi giới thiệu sản phẩm..., tuy nhiên, nhiều bạn trẻ ở Pleiku cũng cho rằng, vì là tích hợp trí tuệ nhân tạo nên yếu tố cảm xúc chính là nhược điểm lớn nhất.
Chưa kể, tất cả đều được lập trình sẵn và dĩ nhiên không thể hoàn toàn đưa ra phán quyết đúng hay sai. Việc lạm dụng quá mức AI sẽ dần làm triệt tiêu sức sáng tạo của con người và có thể tạo ra nhiều hệ lụy về sau.
Trần Ngọc Long (18 tuổi; tổ 8, phường Trà Bá, TP. Pleiku) cho biết: "Khi ứng dụng, mình thấy AI có thể trợ giúp đưa ra thông tin rất nhanh và độ chính xác cao. Chỉ cần đưa chủ đề, AI có thể tìm kiếm và chọn lọc những nội dung phù hợp kèm trích nguồn. Dù vậy, mình cũng không lạm dụng quá mức ứng dụng này bởi chung quy lại nó chỉ là máy móc, không có cảm xúc, tình cảm”.
Phần lớn học sinh Pleiku sử dụng điện thoại thông minh để thanh toán khi mua sắm online hay các khoản phí. Ảnh: Đồng Lai |
Trao đổi với P.V, anh Nguyễn Chí Hiếu-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Gia Lai-cho biết: Nhờ sự tiến bộ về khoa học công nghệ, đặc biệt là AI đã giúp cho học sinh chủ động trong việc học như tự nghiên cứu, tham gia đánh giá kết quả học tập của bản thân. Tuy nhiên, việc lạm dụng AI có thể dẫn đến sự lệ thuộc, thụ động về tư duy và hoạt động của người học như: sử dụng AI vào mục đích không chính đáng, gian lận trong thi cử hay tạo ra những sản phẩm phản văn hóa, phản giáo dục, lan truyền kiến thức sai lệch, mang tính định kiến, thông tin độc hại trên không gian mạng...
“Đối với học sinh, các em cần tiếp cận với những phần mềm, ứng dụng hữu ích phục vụ cho học tập, nghiên cứu mang tính tương tác, kích thích tư duy, sự sáng tạo của người học... Cùng với đó, gia đình, nhà trường nên gắn việc học tập với thực hành, trải nghiệm thực tế, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên để tránh sự lệ thuộc vào công nghệ”-anh Nguyễn Chí Hiếu nhìn nhận.
Clip:Học sinh Pleiku chia sẻ về ứng dụng AI trong học tập và cuộc sống. Thực hiện: Đồng Lai |