Thời sự - Bình luận

Học sinh sẽ được viết thật!

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Trong giới học sinh có một câu nói thể hiện rất rõ thực trạng dạy và học văn lâu nay: Đề yêu cầu “phát biểu cảm xúc, suy nghĩ của anh/chị” nhưng viết theo ý thầy cô thì mới được điểm.

Là một phụ huynh, không ít lần tôi cố “vùng vẫy” chống lại việc con học thuộc lòng những bài văn mẫu cô cho trước kỳ kiểm tra. Nhưng cuối cùng tôi đành thỏa hiệp vì không đủ can đảm để con thành “người đặc biệt”.

Tôi tin rằng rất nhiều phụ huynh cũng rơi vào hoàn cảnh này. Bất bình, chán nản trước cảnh học văn mà phải thuộc lòng; đề cương giáo viên (GV) cho sẵn từng chi tiết; các kiểu bài được đúc thành khuôn theo công thức. Học sinh (HS) học văn mà như cái máy, cứ phát ra những cảm xúc, suy nghĩ của người khác.

Cách dạy và học văn này tồn tại bao nhiêu năm nay, ảnh hưởng đến nhiều thế hệ HS khiến cả GV và HS đều mất dần niềm vui trau dồi môn học được xem là hình thành nhân cách, truyền cảm xúc, giúp người học biết cảm nhận cái hay của nghệ thuật ngôn từ… Trừ một vài trường, lớp đặc biệt, phần lớn giờ học văn là sự thuyết giảng áp đặt một chiều từ GV, còn HS gần như không có cơ hội để phát biểu suy nghĩ của mình.

Nhưng có một nghịch lý là viết và làm theo văn mẫu thì điểm số sẽ cao. Không ít GV tâm huyết nhận thấy điều này, họ cũng muốn thay đổi nhưng mạnh dạn lắm thì chỉ có thể áp dụng với HS những lớp giữa, còn lớp cuối cấp thì buộc phải theo khuôn mẫu để còn có điểm khi đi thi. Đổi mới, sáng tạo gì đi nữa mà đề thi vẫn chỉ để kiểm tra những gì HS thuộc lòng theo cách truyền thống thì chỉ là cải cách nửa vời.

Trước khi vào năm học mới này, Bộ GD-ĐT có công văn gửi các sở GD-ĐT về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn ngữ văn ở trường phổ thông; trong đó nhấn mạnh GV có thể đưa ra những gợi ý, chỉ dẫn để giúp HS đọc nhưng không lấy việc phân tích, bình giảng của mình để áp đặt hay thay thế cho những suy nghĩ của HS; tránh đọc chép và yêu cầu HS ghi nhớ kiến thức một cách máy móc. Đặc biệt, với những khối lớp đang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ còn yêu cầu GV không ra đề thi/kiểm tra môn văn có tác phẩm, văn bản nằm trong sách giáo khoa để phát huy tính tích cực học tập của HS.

Bên cạnh đó, tháng 8 vừa qua, phát biểu tại hội thảo về dạy học môn văn, sử, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng yêu cầu: “Cần loại bỏ xúc động theo mẫu, tưởng tượng theo khuôn và tình cảm theo quy định”.

Công văn định hướng đổi mới dạy học và kiểm tra môn văn cùng với quan điểm chỉ đạo nhất quán của người đứng đầu ngành giáo dục đã có tác động, ảnh hưởng rất lớn đến từng thầy cô, các nhà trường. Ngay từ bài kiểm tra giữa học kỳ 1 mới đây, nhiều trường THPT tại TP.HCM đã thay đổi hoàn toàn cách ra đề, trong đó đưa thêm phần trắc nghiệm, tìm tòi nhiều văn bản ngoài sách giáo khoa… Các GV cũng mong chờ Bộ và các sở GD-ĐT sẽ có những thay đổi triệt để đề thi ở các kỳ thi quan trọng, vì đổi mới từ đề thi sẽ kéo theo thay đổi cách dạy và học.

Bước đầu chắc chắn sẽ có những khó khăn cho cả thầy và trò, nhưng sự thay đổi này hết sức cần thiết để từng bước triệt tiêu dạy học văn theo văn mẫu, giúp HS đến với môn văn bằng sự yêu thích khi được cảm nhận bằng cảm xúc của riêng mình, GV cũng được dạy bằng cả đam mê.

Theo NHIÊN AN (TNO)

Có thể bạn quan tâm