Hội Cựu giáo chức tỉnh Gia Lai: Tận tụy với sự nghiệp "trồng người"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trải qua 13 năm hoạt động (2006-2019), Hội Cựu giáo chức tỉnh đã phát huy tốt vai trò tập hợp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên; là nơi tập hợp sức mạnh đoàn kết và trí tuệ của các nhà giáo hưu trí trong công tác giáo dục và đào tạo (GD-ĐT), khuyến học, khuyến tài; là môi trường thuận lợi để các hội viên tiếp tục cống hiến sức lực và kinh nghiệm của mình cho sự nghiệp giáo dục địa phương
Trong nhiệm kỳ 2014-2019, Hội Cựu giáo chức tỉnh đã tập trung xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, chú trọng phát triển hội viên, đảm bảo thực hiện nghiêm túc Điều lệ Hội. Đến nay, toàn tỉnh có 13 Hội Cựu giáo chức cấp huyện; 2 chi hội cấp xã, 2 chi hội cấp trường, trung tâm... với 1.488 hội viên. Thời gian qua, các cấp Hội ở địa phương tuy còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí, tuổi tác và sức khỏe nhưng với sự tâm huyết, nhiệt tình của đội ngũ lãnh đạo Hội từ cơ sở đến tỉnh nên Hội đã duy trì thường xuyên các hoạt động, đảm bảo thực hiện đầy đủ các chủ trương, kế hoạch của Hội Cựu giáo chức Trung ương và các chỉ tiêu đề ra của các cấp hội địa phương, góp phần làm cho đời sống văn hóa, tinh thần của hội viên ngày càng thêm phong phú; đóng góp tích cực cho sự nghiệp GD-ĐT tỉnh nhà.
 Hội Cựu giáo chức tỉnh tổ chức Hội thi tìm hiểu “Bác Hồ với Giáo dục-Đào tạo” năm 2017. Ảnh: K.N.B
Hội Cựu giáo chức tỉnh tổ chức Hội thi tìm hiểu “Bác Hồ với Giáo dục-Đào tạo” năm 2017. Ảnh: K.N.B
Trong nhiệm kỳ 2014-2019, có 9 tập thể và 14 cá nhân được Hội Cựu giáo chức Việt Nam tặng bằng khen; 233 cán bộ, hội viên được tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển Hội Cựu giáo chức Việt Nam”. Đồng thời, Hội Cựu giáo chức tỉnh cũng đã tặng giấy khen cho 10 tập thể và 40 hội viên có thành tích xuất sắc.

Các cấp Hội cũng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, tích cực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên. Trong 5 năm qua, các cấp Hội đã đóng góp, tích lũy trên 963 triệu đồng để tiến hành các hoạt động, trong đó nổi lên việc hỗ trợ cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn; thăm hỏi hội viên lúc ốm đau, hiếu hỷ, mừng thọ các hội viên 70 tuổi trở lên; tổ chức tham quan du lịch. Bên cạnh đó, nhiều huyện đã xây dựng được Quỹ “Tình nghĩa cựu giáo chức” nhằm giúp nhau phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội Cựu giáo chức tỉnh đã vận động hội viên đóng góp xây dựng Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa và Tượng đài Liệt sĩ Gạc Ma với số tiền hơn 5,4 triệu đồng; giúp đỡ các gia đình cựu giáo chức bị thiệt hại do lũ lụt ở các tỉnh miền Trung năm 2017 với số tiền gần 12 triệu đồng.
Để đảm bảo quyền lợi về chế độ chính sách cho cán bộ, giáo viên về hưu, những năm qua, Hội Cựu giáo chức tỉnh đã phối hợp với ngành GD-ĐT tỉnh rà soát, lập danh sách 29 nhà giáo chuyển sang làm cán bộ quản lý giáo dục; 39 nhà giáo chuyển sang quân đội, thanh niên xung phong...; 2 nhà giáo chuyển sang làm công tác tuyên giáo về hưu từ ngày 1-1-1994 đến 31-5-2011 chưa được hưởng chính sách trợ cấp một lần theo Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời lập danh sách 23 giáo viên mầm non nghỉ công tác trước năm 2013 chưa được hưởng chế độ theo Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để báo cáo về Trung ương Hội Cựu giáo chức đề xuất với các bộ, ngành liên quan giải quyết chế độ cho các đối tượng nói trên. Hội Cựu giáo chức đã phối hợp với các Hội: Người cao tuổi, Cựu chiến binh, Khuyến học ở địa phương thành lập các câu lạc bộ dưỡng sinh, văn nghệ, thơ ca… thu hút đông đảo hội viên tham gia. Ngoài ra, các cấp Hội còn vận động hội viên tiết kiệm đóng góp quỹ để hàng năm tổ chức các chuyến tham quan du lịch ngoài tỉnh… 
Đặc biệt, cùng với ngành GD-ĐT tỉnh nhà, các cấp Hội Cựu giáo chức đã tổ chức thực hiện “4 cùng” theo chủ trương của Trung ương Hội và Bộ GD-ĐT, đó là: cùng đánh giá thực tiễn và chất lượng giáo dục; cùng bàn giải pháp đổi mới sự nghiệp GD-ĐT; cùng tổ chức một số hoạt động giáo dục; cùng chăm lo đời sống nhà giáo đương chức và nghỉ hưu. Nhiệm kỳ qua, Hội Cựu giáo chức tỉnh đã cùng với Sở GD-ĐT đôn đốc hội viên, cán bộ, giáo viên bổ sung tư liệu lịch sử giáo dục địa phương để hoàn thành tập sách “Giáo dục Việt Nam 70 năm”; xúc tiến hoàn thành cuốn Lịch sử GD-ĐT tỉnh Gia Lai 70 năm xây dựng và phát triển (1945-2015); mở cuộc vận động mọi người sưu tầm, hiến tặng các di sản liên quan đến hoạt động giáo dục qua các thời kỳ cho phòng truyền thống của ngành. Nhiều cấp Hội trong tỉnh đã tổ chức hội thảo góp ý nội dung thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT; góp ý về các dự luật sửa đổi của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học. Nhiều ý kiến xác đáng của hội viên đã được tập hợp gửi về Trung ương Hội Cựu giáo chức để chuyển đến các ban soạn thảo. Các Hội địa phương và cơ sở đã phát huy khả năng và trí tuệ của mình tham gia có hiệu quả các hoạt động giáo dục ở các đơn vị; tham mưu, tư vấn cho cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo công tác giáo dục; tham gia các hoạt động ngoài nhà trường, hỗ trợ nhà trường hạn chế thấp nhất học sinh bỏ học; giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật vượt khó… Hội còn tham gia vận động phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và cuộc vận động “Mỗi thầy-cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học, tự sáng tạo”; kết hợp với trung tâm học tập cộng đồng và các trường học thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục; giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của nhà giáo, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi mục tiêu của ngành GD-ĐT tỉnh nhà.
Là thành viên trong hệ thống chính trị ở địa phương, những năm qua, nhiều Hội Cựu giáo chức cơ sở đã có các hoạt động tích cực góp phần cùng Đảng bộ và chính quyền xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Hội đã thể hiện là “mái ấm gia đình tràn đầy nghĩa tình đồng nghiệp”, là hình ảnh đẹp của tình đoàn kết, cùng chung ý chí đem nhiệt huyết của các nhà giáo nghỉ hưu nhiều thế hệ động viên nhau chăm lo giữ gìn đạo đức, truyền thống nhà giáo Việt Nam. 
BÙI QUANG VINH

Có thể bạn quan tâm