Văn hóa

Tuần Văn hóa-Du lịch Gia Lai

Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô: Hứa hẹn những trải nghiệm hấp dẫn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 17-11, Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai năm 2023 trong khuôn khổ Tuần Văn hóa-Du lịch Gia Lai sẽ khai mạc tại làng Dăng, xã Ia O. Đến nay, công tác chuẩn bị cho sự kiện này đang dần hoàn tất, hứa hẹn mang đến cho người dân và du khách gần xa những trải nghiệm khó quên.

Nhiều nét mới ấn tượng

Ông Đào Lân Hưng-Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban tổ chức Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai năm 2023-cho biết: Trong lần thứ 4 tổ chức, chương trình có nhiều nét mới đáng chú ý. Cụ thể, đây là năm đầu tiên huyện phối hợp với Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai truyền hình trực tiếp Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh, từ đó quảng bá rộng rãi nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của cư dân sông nước miền biên viễn, quê hương Anh hùng A Sanh.

Phần thi trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện cũng lần đầu tiên được tổ chức trong khuôn khổ sự kiện này như một điểm nhấn thú vị. Ngoài ra, năm nay, Ban tổ chức còn quyết định đưa sân khấu chính xuống gần sát mặt nước sông Pô Cô nhằm mang đến trải nghiệm sống động và gần gũi nhất.

Đoàn kiểm tra Liên ngành huyện Ia Grai triển khai kiểm tra các cơ sở kinh doanh, lưu trú trên địa bàn xã Ia O. Ảnh: Minh Thoan

Đến nay, 32 đội đã đăng ký tham gia nội dung đua thuyền độc mộc, trong đó có các đội khách mời đến từ huyện Đức Cơ và huyện Ia HDrai (tỉnh Kon Tum). Ngoài ra, có 13/13 xã, thị trấn tham gia Liên hoan Văn hóa cồng chiêng; 15 đội đăng ký nội dung thi dân vũ, trình diễn trang phục truyền thống. Gần 1.000 nghệ nhân và vận động viên tham gia các sự kiện trên. Càng gần đến ngày khai mạc, công tác tập luyện càng được các đội đẩy mạnh. Ông Siu Bích-huấn luyện viên đua thuyền xã Ia Khai-cho hay: Xã đã tập hợp được 12 vận động viên, chia thành 6 đội. Thời gian qua, ông đã tích cực hướng dẫn các vận động viên tập luyện hàng ngày nhằm mang về thành tích cao nhất tại hội thi.

Một số hoạt động bổ trợ khác sẽ diễn ra trước lễ khai mạc 1 ngày và xuyên suốt sự kiện, đó là trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng và giới thiệu các sản phẩm du lịch của địa phương. Theo thông tin từ Ban tổ chức, dịp này có trên 20 gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP và nông sản đặc trưng của huyện, tất nhiên không thể thiếu các gian hàng ẩm thực và đồ lưu niệm. Đến với ngày hội, du khách cũng có cơ hội tìm hiểu thêm về các địa danh du lịch nổi tiếng của huyện như: thác Mơ, làng chài trên lòng hồ thủy điện Sê San 4, thác Chín tầng, Di tích lịch sử Chiến thắng Chư Nghé, Di tích lịch sử Bến đò A Sanh...; đồng thời được trải nghiệm chèo thuyền độc mộc, tìm hiểu những bộ chiêng quý ở vùng đất còn lưu giữ nhiều cồng chiêng nhất tỉnh Gia Lai.

Đảm bảo điều kiện tốt nhất cho du khách

Với mong muốn quảng bá hình ảnh địa phương, thu hút đầu tư và đẩy mạnh phát triển du lịch, huyện Ia Grai hết sức chú trọng khâu chuẩn bị về mọi mặt nhằm đảm bảo các điều kiện tốt nhất để phục vụ du khách.

Các vận động viên xã Ia Khai (huyện Ia Grai) tích cực tập luyện chuẩn bị tham gia Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh. Ảnh: Đức Thụy

Bà Lê Thị Phương Loan-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện, Phó Trưởng ban tổ chức Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai năm 2023-cho biết: Huyện đã lên kế hoạch ngày 8-11 sẽ vận chuyển thuyền độc mộc về tập kết tại địa điểm tổ chức, chuẩn bị bố trí đường đua và hướng dẫn các đội tham gia tập luyện để làm quen với đường đua. Trước đó, đoàn liên ngành huyện đã triển khai kiểm tra các cơ sở kinh doanh, lưu trú tại những điểm đảo, bán đảo, khu vực ven bờ sông Pô Cô trên địa bàn xã Ia O.

Cụ thể, đoàn đã kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh, đưa đón khách du lịch, đăng ký tạm trú, tạm vắng… Thành viên đoàn kiểm tra cũng nhắc nhở các cơ sở kinh doanh đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm như: kiểm định nguồn nước, vệ sinh khu vực chế biến, sử dụng thùng rác và lưu mẫu thức ăn đúng quy định. Bên cạnh đó, các cơ sở có tổ chức đưa đón du khách tham quan lòng hồ, làng chài, thác Mơ cần đảm bảo về phương tiện, trang bị đầy đủ áo phao và thực hiện các quy định liên quan. Đồng thời, đoàn kiểm tra cũng yêu cầu các cơ sở kinh doanh, lưu trú thực hiện niêm yết giá, tránh tình trạng “chặt chém” du khách, đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai thông tin thêm: Hiện nay, ngoài trang trí cổ động trực quan dọc tỉnh lộ 664, Ban tổ chức tiếp tục quảng bá sự kiện này trên các nền tảng số và mạng xã hội. Huyện cũng chỉ đạo các xã Ia O, Ia Khai, Ia Krai huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên đăng ký vào đội ngũ tình nguyện viên hướng dẫn du khách tham quan và giới thiệu về thuyền độc mộc, văn hóa cồng chiêng, các sản phẩm đặc trưng, các điểm du lịch, di tích trên địa bàn xã. Công tác phân luồng giao thông, đảm bảo vệ sinh môi trường cũng được chuẩn bị chu đáo.

“Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, chúng tôi mong muốn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch và quảng bá hình ảnh, con người Ia Grai. Qua đây, huyện cũng kỳ vọng đẩy mạnh xúc tiến thương mại, du lịch, thu hút đầu tư, góp phần thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển du lịch huyện Ia Grai năm 2023”-ông Hưng nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm