Văn hóa

Tuần Văn hóa-Du lịch Gia Lai

Triển lãm nhạc cụ Tây Nguyên: Thanh âm cội nguồn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Trong không gian rộn rã tiếng cồng chiêng của Tuần Văn hóa-Du lịch Gia Lai 2023, Bảo tàng tỉnh dành một nơi để người dân và du khách tìm hiểu về một số nhạc cụ độc đáo của các dân tộc anh em đang sinh sống trên vùng đất cao nguyên.
Chị Nguyễn Thị An-Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh thuyết minh cho khách tham quan triển lãm. Ảnh: L.N

Chị Nguyễn Thị An-Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh thuyết minh cho khách tham quan triển lãm. Ảnh: L.N

Mở cửa đón khách từ sáng 11-11 và kéo dài đến hết ngày 19-11, phòng trưng bày chuyên đề của Bảo tàng tỉnh bài trí một không gian đậm bản sắc thông qua khoảng 70 hiện vật quý và các hình ảnh đẹp mắt. Nhằm tạo sự mới mẻ, thu hút, trước đó, các cán bộ, nhân viên đã dày công trang trí nền tường phòng trưng bày bằng những hình vẽ minh họa bắt mắt, sống động. Có thể khẳng định, triển lãm góp phần tôn vinh, khích lệ, tăng cường sự đoàn kết trong việc bảo tồn di sản văn hóa Tây Nguyên nói riêng, xây dựng bức tranh văn hóa truyền thống đa sắc màu của các dân tộc tại chỗ gắn liền với các yếu tố hiện đại trong thời kỳ đổi mới của cả nước nói chung.

Là thành tố quan trọng cấu thành nên Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên nên các bộ cồng chiêng được ưu tiên trưng bày dịp này. Đón khách tham quan triển lãm, chị Nguyễn Thị An-Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh-nhiệt tình thuyết minh về ý nghĩa, nguồn gốc một số bộ chiêng quý như bộ chiêng Kơ đơ (9 chiếc), chiêng Aráp (16 chiếc), chiêng Lào (3 chiếc), chiêng Goong (4 chiếc)… Đi kèm là các hiện vật không thể thiếu gồm dùi đánh cồng chiêng, búa chỉnh chiêng, giỏ đựng chiêng.

“Cồng chiêng có mặt trong mọi nghi lễ của cộng đồng cũng như của từng gia đình. Với người dân Tây Nguyên, cồng chiêng không đơn thuần là nhạc cụ mà còn là một linh khí, là phương tiện giúp con người giao tiếp với thần linh, đồng thời cũng là phương tiện chuyển tải thông tin nhanh nhất giữa các buôn làng ngày trước”-chị An thông tin thêm.

Cùng với cồng chiêng, trống cũng là thanh âm cội nguồn không bao giờ vắng mặt trong các lễ hội lớn của cư dân Tây Nguyên. Đây là vật linh thiêng, là tài sản quý thể hiện quyền uy của gia đình, dòng họ, buôn làng. Toàn bộ số trống trưng bày tại triển lãm đều có tuổi đời nhiều chục năm, làm từ da trâu, được sưu tầm từ nhiều địa phương trong tỉnh. Trong số này có 2 chiếc trống lớn với đường kính lên đến 1 m, khiến người thưởng lãm không khỏi kinh ngạc. Những chiếc trống như thế này khó có thể nhìn thấy tại các lễ hội ngày nay.

Được thuyết minh viên hướng dẫn và đồng ý cho chạm vào hiện vật, em Lê Thùy Anh-học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Chu Văn An (TP. Pleiku) thích thú nhận ra sự khác nhau giữa trống lớn và trống nhỏ. Tiếng trống nhỏ có độ vang vừa phải, trong khi tiếng trống lớn vang xa trầm hùng, uy lực. Thùy Anh chia sẻ: “Con thích nhất là các loại trống trưng bày tại triển lãm, đó là truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên. Ở đây có những chiếc trống quá lớn mà lần đầu tiên con được thấy”.

Chiếc đàn đá được trưng bày nhằm tạo cơ hội tìm hiểu, trải nghiệm thú vị. Ảnh: Lam Nguyên

Chiếc đàn đá được trưng bày nhằm tạo cơ hội tìm hiểu, trải nghiệm thú vị. Ảnh: Lam Nguyên

Một phần kho tàng nhạc cụ truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số cũng được lựa chọn trưng bày dịp này, từ những chiếc đàn được làm bằng tre nứa như t'rưng, klông pút, goong… đến những nhạc cụ bằng kim loại như chũm chọe, lục lạc. Tất cả thể hiện tài năng sáng tạo văn hóa nghệ thuật đỉnh cao cũng như kỹ thuật thẩm âm độc đáo của chủ nhân vùng đất này. Bên cạnh nhạc cụ truyền thống của các dân tộc tại chỗ, nhạc cụ của cộng đồng cư dân mới đến định cư ở Gia Lai cũng góp mặt, thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa vùng miền với khèn của người HMông, đàn tính của người Tày, nhạc cụ thuộc bộ gõ của người Kinh…

Đến với triển lãm, du khách còn thích thú với bộ đàn đá độc đáo gồm 14 thanh đá khác nhau, mỗi thanh là một nốt trong trẻo, ngân vang. Quan trọng hơn, người thưởng lãm được khuyến khích trải nghiệm sử dụng loại nhạc cụ này, mày mò chơi bản nhạc tùy thích. Cùng với hàng chục hiện vật, khách tham quan còn được ngắm nhìn nhiều hình ảnh đẹp về các hoạt động thực hành văn hóa đa dạng, đầy sức hút của cộng đồng cư dân sinh sống trên vùng đất bazan như: lễ mừng nhà rông mới, liên hoan cồng chiêng, trình diễn nhạc cụ truyền thống, trang trí hoa văn trên trống, nghi thức đâm trâu, đi cà kheo…

Trò chuyện cùng P.V, chị Ngô Thị Phúc (17 Nguyễn Hữu Huân, TP. Pleiku) cho hay, triển lãm rất thú vị, là cơ hội giúp du khách tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh. “Điều tôi ấn tượng nhất là các loại nhạc cụ được bảo quản kỹ lưỡng, trưng bày đầy đủ và đẹp mắt, phản ánh rõ nét đặc trưng văn hóa các dân tộc ở Gia Lai”-chị Phúc nhận xét và không quên chụp những bức ảnh check-in tại đây.

Có thể bạn quan tâm