Multimedia

Emagazine

E-magazine Hiến kế phát triển du lịch Tây Nguyên


Hội thảo do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức, có sự tham gia của các nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa, chuyên gia du lịch, các bộ, ngành cùng chính quyền 5 tỉnh Tây Nguyên. Hội thảo dưới sự chủ trì của Giáo sư-Tiến sĩ Lê Văn Lợi-Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long; Phó Giáo sư-Tiến sĩ Đinh Ngọc Giang-Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh); Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hòa-Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III.




Giáo sư-Tiến sĩ Lê Văn Lợi mở đầu hội thảo bằng những thông tin hấp dẫn về vùng đất Tây Nguyên với những lợi thế nổi bật về tài nguyên du lịch sinh thái (DLST), du lịch văn hóa (DLVH). Trên địa bàn Tây Nguyên có 6 vườn quốc gia và nhiều khu bảo tồn thiên nhiên quý giá như: Kon Ka Kinh, Chư Mom Ray, Yok Đôn, Chư Yang Sin, Bidup-Núi Bà, Cát Tiên; các khu bảo tồn Ngọc Linh, Đak Uy, Nam Ka, Ea Sô, Nam Nung… Những “lá phổi xanh” này là điều kiện thuận lợi để phát triển đa dạng sản phẩm DLST như du lịch khám phá mạo hiểm, nông nghiệp, nghỉ dưỡng… Tây Nguyên còn là vùng đất có sự đa dạng về văn hóa, nhất là văn hóa các dân tộc thiểu số tại chỗ. Toàn vùng còn có 450 di tích các loại, trong đó có 59 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, trong đó “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là tiềm năng to lớn để phát triển loại hình du lịch cộng đồng, trải nghiệm làng nghề, tìm hiểu bản sắc văn hóa Tây Nguyên.



Các lễ hội đương đại ở Tây Nguyên được tổ chức những năm gần đây như: Festival cồng chiêng Tây Nguyên, Festival trà ở Bảo Lộc, Festival hoa Đà Lạt, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột… là dịp để giới thiệu, quảng bá với du khách bức tranh du lịch nhiều màu sắc trên vùng đất huyền thoại và mơ tưởng này. Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên vừa diễn ra tại TP. Pleiku thêm một lần nữa khẳng định giá trị, tài nguyên văn hóa của vùng đất này. Tuy nhiên, phát triển du lịch nói chung, DLST, DLVH nói riêng ở Tây Nguyên hiện vẫn thiếu ổn định, chưa bền vững và tương xứng.



Tại hội thảo, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Trần Hoa Phượng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) khẳng định: Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm phát triển bền vững vùng Tây Nguyên. Trong đó, phát triển DLST, DLVH nhất quán với phát triển bền vững 3 trụ cột chính là phát triển bền vững về kinh tế; văn hóa-xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hải Yến-Trưởng khoa Kinh tế (Trường Đại học Tây Nguyên) cũng nêu quan điểm phát triển du lịch dựa vào cộng đồng vùng Tây Nguyên theo hướng bền vững. Trong đó, nhấn mạnh du lịch cộng đồng đang được coi là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho người dân địa phương, không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái mà còn bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của địa phương.



Gia Lai có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển của khu vực Tây Nguyên, là địa phương có lợi thế về tài nguyên DLVH và sinh thái, nổi bật là di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” và Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới. Gia Lai còn là vùng đất cổ xưa được minh chứng qua kết quả khảo cổ học, là cái nôi của lịch sử loài người, đồng thời mang bản sắc văn hóa lâu đời của cư dân Trường Sơn-Tây Nguyên. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long, phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn là quan điểm, định hướng lớn của Gia Lai trong nhiều năm qua. Lợi thế, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh là khai thác và tổ chức các loại hình DLST gắn với thể thao, du lịch văn hóa-lịch sử, du lịch lễ hội, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe, du lịch nông nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long nhấn mạnh: “Gia Lai xác định phát triển du lịch trong mối quan hệ mật thiết liên vùng, gắn kết với các tuyến điểm du lịch của khu vực, quốc gia và quốc tế. Tỉnh cũng thúc đẩy du lịch thông minh, chuyển đổi số trong du lịch.




Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp, trao đổi, gợi mở một số giải pháp và định hướng chính sách nhằm phát triển bền vững DLVH, DLST vùng Tây Nguyên. Tiến sĩ Cao Trí Dũng-Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam-khẳng định: Tây Nguyên hội đủ những điều kiện về tài nguyên du lịch, vị trí địa lý, hệ thống cơ sở hạ tầng và cơ sở dịch vụ phục vụ khách để có thể trở thành một vùng du lịch phát triển trong cả nước và khu vực Đông Nam Á theo xu thế du lịch hiện nay.



Về giải pháp phát triển du lịch thám hiểm hệ sinh thái vườn quốc gia vùng Tây Nguyên, Tiến sĩ Nguyễn Thị Tĩnh-Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Tây Nguyên cho rằng, đây là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hóa địa phương, có sự tham gia của cộng đồng dân cư. Để phát triển du lịch thám hiểm hệ sinh thái vườn quốc gia tại Tây Nguyên, các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở cần có cơ chế, chính sách cũng như quan tâm dành vốn đầu tư công hợp lý để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng làm cơ sở phát triển ở các vườn quốc gia tại đây. Đề cao vai trò quản lý nhà nước về du lịch tại vườn quốc gia. Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cần có các giải pháp tổ chức mô hình DLST như liên kết với các vườn quốc gia để đầu tư phát triển du lịch hoặc thuê rừng để thực hiện DLST tại từng vườn một cách hợp lý. Bên cạnh đó, cộng đồng địa phương cần tham gia tích cực nhằm nâng cao thu nhập cũng như góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường rừng, môi trường du lịch.




Là doanh nghiệp kinh doanh du lịch dựa vào cộng đồng bản địa khá thành công ở vùng đất phía Đông tỉnh Gia Lai, anh Đinh A Ngưi-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Dịch vụ du lịch A Ngưi cho rằng, Gia Lai nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung rất giàu về tài nguyên văn hóa, thiên nhiên để khai thác, phát triển bền vững du lịch. Tuy nhiên, việc quảng bá chưa mạnh, chưa đủ hấp dẫn. “Tỉnh cần đẩy mạnh truyền thông du lịch. Sở Thông tin và Truyền thông cũng cần vào cuộc, xây dựng đề án, chiến lược về truyền thông du lịch, tăng cường tập trung vào các kênh mạng xã hội, báo chí, quảng bá thương hiệu...”-anh A Ngưi nêu quan điểm.



Nhiều ý kiến hiến kế cho du lịch vùng còn được các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, các cơ quan Trung ương, viện nghiên cứu, các trường đại học, trường chính trị và các tỉnh Tây Nguyên đóng góp tại hội thảo. Đây là cơ sở để Ban tổ chức hội thảo tham mưu với các cơ quan Trung ương và chính quyền các địa phương có giải pháp đột phá phát triển bền vững DLVH, DLST vùng Tây Nguyên trong thời gian tới.


Có thể bạn quan tâm