Tuy mới tự học tiếng Anh cách đây vài tháng, vốn từ còn hạn chế, song cô gái Jrai này đã gây bất ngờ khi hướng dẫn một số du khách nước ngoài trải nghiệm văn hóa tại ngày hội lớn bằng sự nhiệt tình, mến khách.
Trò chuyện với P.V, H’Chuyên cho hay, cô là con thứ 5 trong gia đình có 7 anh chị em ở thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh. Do hoàn cảnh khó khăn, thu nhập của gia đình chủ yếu dựa vào nghề nông nên sau khi học hết lớp 12, H’Chuyên không thi đại học mà thi vào ngành Múa ở Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh (nay sáp nhập thành Trường Cao đẳng Gia Lai).
Tốt nghiệp ngành học phù hợp với sở trường, song cũng lại do điều kiện khó khăn nên H’Chuyên trở về với nghề nông. Hết việc với 3 sào ruộng, H’Chuyên lại đi làm thuê để có thêm thu nhập. Ngoài ra, cô cũng là cộng tác viên của Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện tại một số sự kiện.
Nghệ nhân Nay H’Chuyên (thứ 2 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng vợ chồng anh chị Tim-Anouk và một số du khách. Ảnh: P.D |
Tự nhận mình là người “năng động, vui vẻ, gặp ai ngoài đường cũng chào hỏi”, H’Chuyên có chút băn khoăn khi gặp du khách nước ngoài mà không biết cách giao tiếp. Vậy là cô quyết định tự học tiếng Anh trên kênh YouTube. H’Chuyên chia sẻ rất giản dị: “Khách du lịch tới đây không biết nói chuyện với ai thì mình tiếp xúc, bắt chuyện để hướng dẫn hoặc chỉ đường. Mình cho họ thấy là mình rất thân thiện, gần gũi. Giúp được phần nào cho họ cũng là hạnh phúc của mình”.
Ông Siu Y Bé-Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng đoàn nghệ nhân huyện Chư Pưh tại Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2023: “Đây là nỗ lực cá nhân rất đáng ghi nhận, dù vốn tiếng Anh của H’Chuyên chỉ mới ở mức độ giao tiếp cơ bản. Tôi đánh giá cao H’Chuyên bởi sự chịu khó, nhanh nhẹn, hoạt bát trong các hoạt động và nhất là nỗ lực quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc Jrai”.
Ban ngày làm nông, tối đến H’Chuyên lại tranh thủ dành thời gian tự học theo mục tiêu đặt ra là mỗi ngày học 5-10 từ mới. “Kênh nào thấy hay thì học. Đầu tiên học từ vựng, sau đó học cách phát âm của họ”-H’Chuyên kể. Vừa đọc thành tiếng, cô vừa viết đi viết lại vài lần để in từ mới vào trí nhớ. Trong lúc đi làm, H’Chuyên nhẩm lại số từ vựng vừa học. Cứ vậy mà tích góp vốn tiếng Anh từng chút một, đủ để giao tiếp cơ bản.
Mới đây, khi gặp vợ chồng người Thụy Sĩ là anh Tim và chị Anouk tại Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2023, H’Chuyên tự tin mời khách tham gia vòng xoang, trải nghiệm giã gạo bằng cối gỗ của đồng bào Jrai và uống rượu cần. Cô cũng tranh thủ giới thiệu về loại rượu truyền thống của dân tộc mình và di sản cồng chiêng. Không hẳn đã lưu loát và còn có chỗ bập bõm về ngữ pháp nhưng quan trọng là H’Chuyên đã chuyển tải được nội dung cần trao đổi và tạo được sự thân thiện, gần gũi.
“Có khi nào đôi bên không hiểu nhau không?”. “Có chứ! Gặp tình huống khó, mình sẽ nói: “Xin lỗi, tôi không hiểu” hoặc đôi bên sẽ diễn tả bằng cử chỉ để hiểu nhau”-H’Chuyên vui vẻ nói. Ấn tượng với sự mến khách, tự tin của chủ nhà cũng như nét văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên tại festival, anh Tim thốt lên khi được hỏi về cảm tưởng: “Tuyệt vời chưa từng thấy!”.
Nói về dự định trong thời gian tới, H’Chuyên cho biết cô sẽ tiếp tục tự học, mạnh dạn giao lưu nhiều hơn để cải thiện vốn tiếng Anh, thông qua đó quảng bá rộng rãi vẻ đẹp văn hóa độc đáo của dân tộc mình đến với du khách nước ngoài nếu có cơ hội.
Nếu được trang bị thêm công cụ hữu hiệu là ngôn ngữ quốc tế, còn ai sẽ giới thiệu, quảng bá về văn hóa bản địa tốt hơn chính những người sinh ra và lớn lên từ làng?