Thời sự - Bình luận

Hời hợt với mạng người!

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Cái chết của một thanh niên sau khi tông vào dải phân cách bê-tông đặt phi lý giữa đường dẫn lên đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đang gây bức xúc dư luận.
 

Những cái chết như thế đang diễn ra và hầu như không truy được trách nhiệm.

Trước tiên, ai cũng khó hiểu tại sao dải phân cách bê-tông lại đặt giữa đường. Giải thích cho vấn đề này, đại diện đơn vị quản lý đường dẫn này cho biết nó được đặt từ năm 2017 nhằm ngăn cản ôtô rẽ vào làn xe máy(!?). Ô hay, dải phân cách tự trong tên của nó đã biểu thị đầy đủ là dùng để phân làn xe chứ nào phải dùng chắn ôtô. Vả lại việc ngăn chặn và xử lý người đi ôtô trái làn đường rất đơn giản bằng camera phạt nguội, hoặc trực tiếp có cảnh sát chặn đường phạt nặng chứ sao dựng bê-tông ngăn đường? Thay vì làm hết trách nhiệm của mình, các cơ quan liên quan đặt bừa một vật chắn và đẩy rủi ro chết người về phía người dân. Hậu quả của nó đã rất rõ ràng, nhưng cũng như bao cái chết tức tưởi về giao thông khác, khó truy được cơ quan cụ thể, con người cụ thể để chịu trách nhiệm ngoài việc mang dải phân cách này đi.

Khối bê-tông đặt giữa đường đã kịp phản ánh tư duy quản lý giao thông bất cập đang hiện diện khắp nơi: Thiếu sự phát triển tổng thể và giải quyết thực trạng bằng các biện pháp tình thế. Đường cao tốc mấy chục ngàn tỉ vừa làm xong đã bong tróc, chi chít ổ gà. Lẽ ra các cơ quan chức năng phải thẩm tra lại toàn bộ hồ sơ thiết kế và quy trình, chất lượng làm đường chứ không phải chấp nhận cách giải trình của chủ đầu tư là do mưa, đường hỏng vì thấm nước và chấp nhận giải pháp khắc phục là vá đường. Với con đường này ai dám cam đoan sẽ không bong tróc? Những ổ gà này gây tai nạn thì ai chịu trách nhiệm? Mà có trách nhiệm đến đâu cũng không đánh đổi được tính mạng con người.

Ở cấp địa phương, chúng ta không lạ gì các con đường cứ băng ngang TP, thị xã. Khi quá nhiều tai nạn xảy ra thì vội vàng làm đường tránh. Quy hoạch phát triển dân cư ồ ạt xong mới quy hoạch giao thông để giải quyết hậu quả. Ở những thành phố lớn đã có phương án cấm xe máy vào nội đô trong khi dân cư cứ tăng vùn vụt, mật độ xây dựng cao ốc dày đặc và ôtô thì ngày càng nhiều. Cấm xe máy nếu vẫn ùn ứ thì liệu có cấm ôtô, và sau ôtô thì cấm đến gì, trong khi hệ thống giao thông công cộng vẫn ì ạch?

Ở tầm vĩ mô, muốn phát triển kinh tế thì phải phát triển giao thông. Đường sá lạc hậu thì mở rộng, xây dựng mới. Không đủ tiền thì kêu gọi doanh nghiệp phát triển đường cao tốc và tất nhiên là người dân phải trả tiền. Bài toán này làm nhanh đến mức hiện nay đường thu phí BOT giăng khắp nơi. Muốn tìm một con đường liên tỉnh không mất phí quả là gian nan, mà có đường cũng rách mướp như quốc lộ qua hàng loạt tỉnh miền Trung mà báo chí đã phản ánh. Xe máy phải đi chung với ôtô, bên cạnh là xe khách và gần đó là xe chở hàng. Chỉ cần sơ sẩy đụng ổ gà thì mất mạng tức thì và nguyên nhân cũng dễ dàng được kết luận là "va chạm giao thông".

Bỏ khối bê-tông ra khỏi con đường không khó, nhưng bỏ được tư duy ì ạch trong quản lý giao thông mới nan giải.

Hồ Phi (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm