Xã hội

Gia đình

Hồi hương: Mong ước cháy bỏng của những người xa xứ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ở tuổi xế chiều, nhiều Việt kiều tại Mỹ thấm thía nỗi cô đơn nơi xứ người và luôn mong ước được trở về với buôn làng thân yêu của mình.    
Hơn 10 năm trước, ông Rmah Chuil (SN 1944) đưa vợ và 3 con trai sang Mỹ theo diện HO. Gia đình ông định cư ở TP. Charlotte, tiểu bang Bắc Carolina, Hoa Kỳ. Chật vật mưu sinh nơi xứ người, năm 2016 và 2017, hai người con của ông là anh Nay Quý (SN 1987) và Nay Sim (SN 1985) lần lượt xin hồi hương. Còn gia đình người con út hiện sinh sống, làm việc ở TP. Raleigh, cách nơi vợ chồng ông ở chừng 3 giờ đi xe khách, thảng hoặc mới về thăm cha mẹ một lần. Ngày 19-11-2018, vợ chồng ông Chuil về Việt Nam thăm thân và đang làm thủ tục để xin ở lại làng Djriêk, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh. Nói về nguyện vọng hồi hương, ông Chuil chia sẻ: “Suốt thời gian ở Mỹ, tôi không xin việc được vì quá tuổi lao động. Bây giờ tuổi cao, bệnh tật nhiều, tôi quay về Mỹ thì không có nhà ở, không ai chăm sóc. Vì vậy, vợ chồng tôi xin về Việt Nam ở luôn. Những người Jrai lớn tuổi ở Mỹ mà tôi biết, họ đều có nguyện vọng trở về Việt Nam”.
  Những khoảnh khắc thảnh thơi bên con cháu như thế này là điều ông Rmah Chuil luôn trông ngóng khi còn ở Mỹ. Ảnh: T.T
Những khoảnh khắc thảnh thơi bên con cháu như thế này là điều ông Rmah Chuil luôn trông ngóng khi còn ở Mỹ. Ảnh: T.T
Vợ chồng ông Chuil có 7 người con. So với người con ở Mỹ, các con ông ở Việt Nam đều có cuộc sống khấm khá, nghề nghiệp ổn định hơn. Cô con gái làm y sĩ, có chồng là bác sĩ muốn cha mẹ ở nhà riêng tại làng Djriêk để tiện chăm sóc. Khi chúng tôi đến, ông Chuil đang cùng cháu gái đọc sách. Trò chuyện với ông, chúng tôi nhận thấy ở ông niềm vui, niềm tự hào về những người con thành đạt, những đứa cháu ngoan ngoãn, học giỏi. Khi ở Mỹ, những giây phút thảnh thơi bên gia đình như thế này đối với ông bà là một điều xa xỉ. Anh Nay Phu (làng Hrai Dong, thị trấn Nhơn Hòa), người con thứ hai của ông Chuil rất phấn chấn khi được gặp lại cha mẹ sau hơn 10 năm xa cách. Anh tâm sự: “Nguyện vọng của chúng tôi là ông bà trở về sum họp với con cháu, chia ngọt sẻ bùi. Hai người em của tôi về Việt Nam cũng rất hạnh phúc, không muốn đi Mỹ nữa. Một số người trong làng nói ở bên Mỹ sung sướng, nhưng từ hoàn cảnh gia đình mình, tôi hiểu rằng ở đâu cũng vậy, phải lao động mới có cái ăn, còn lang thang, biếng nhác thì phải chịu đói thôi”. 
Ở làng Lao (thị trấn Nhơn Hòa), chúng tôi gặp vợ chồng ông Siu Blol (79 tuổi), Việt kiều Mỹ vừa về thăm thân từ tháng 3-2019 và cũng có nguyện vọng hồi hương. Ông bà được bảo lãnh sang Mỹ từ năm 2017, ở với con gái tại TP. Greensboro, tiểu bang Bắc Carolina. Vợ chồng người con đi làm ở một công ty sản xuất giấy từ sáng đến tối, ông bà ngày càng chán chường khi chỉ quanh quẩn một chỗ nơi xứ lạ. Ông kể: “Cuộc sống bên đó khó khăn lắm, đi xe không được, tiếng thì không biết. Nhớ Việt Nam nên chúng tôi xin về. Cùng làng với tôi có ông Rmah Buk được con bảo lãnh sang Mỹ, nhưng cũng đang làm thủ tục để xin về Việt Nam trong tháng 6 này. Ở bên ấy, thỉnh thoảng gặp tôi, ông ấy lại than buồn”. 
Những cuộc gặp gỡ ngắn ngủi nhưng đầy thân tình với bà con dân làng là điều vợ chồng ông Blol không thể tìm thấy ở nước Mỹ. Từ ngày về làng, ông bà thường đến thăm bà con láng giềng, kể về cuộc sống buồn tẻ nơi xứ người. Còn ông Chuil, mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng với hy vọng người dân không còn ảo tưởng về một “thiên đường” không làm mà vẫn có ăn nên rất tích cực phối hợp với chính quyền nói cho bà con về cảnh chật vật mưu sinh ở Mỹ, khuyên họ đừng nghe những lời lừa phỉnh của kẻ xấu. Mới đây, khi biết tin Siu Cương, Siu Blỡ, Siu Kút (cùng trú tại làng Tai Pêr, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) bị bắt giữ và trao trả về địa phương khi định vượt biên, ông đến trò chuyện, khuyên họ đừng đi vào con đường lầm lỡ. Được ông Chuil khuyên bảo, cả 3 người đã dần nhận ra sai lầm. Siu Cương cho biết: “Từ trước đến giờ, tôi vẫn lo làm ăn. Vậy mà trong một phút bốc đồng, thiếu suy nghĩ, tôi định vượt biên để được đi Mỹ với mong muốn hưởng cuộc sống giàu sang. Nhưng khi nghe ông Chuil tâm sự, được cán bộ giải thích, tôi hiểu rằng suy nghĩ đó là hoàn toàn sai lầm. Tôi tự nhủ từ nay sẽ không bao giờ nghĩ đến chuyện vượt biên nữa mà chăm lo làm ăn để được hạnh phúc bên gia đình ngay trên buôn làng mình”.
 THÚY TRINH-LÊ ÁNH

Có thể bạn quan tâm