Kinh tế

Doanh nghiệp

Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai 2022: Kỳ vọng nhiều bứt phá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với chủ đề “Tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính; tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong thực hiện công vụ; đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; chủ động thích ứng an toàn, hiệu quả trong phòng-chống dịch gắn với khôi phục và phát triển kinh tế”, Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2022 sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp nhận diện rõ hơn tiềm năng, lợi thế, sự khác biệt khi đầu tư vào Gia Lai cũng như đem đến cơ hội bứt phá cho tỉnh.

Nhiều tiềm năng và dư địa đầu tư

Ông Nguyễn Hữu Quế-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết: Những lợi thế đặc biệt về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên đã mở ra cánh cửa rộng lớn để Gia Lai chào đón “làn sóng” đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh. Đây cũng là các trụ cột chính trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh gồm: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và du lịch.

Cụ thể, ở lĩnh vực nông nghiệp, với hơn 845.000 ha đất sản xuất, Gia Lai có tiềm năng rất lớn để phát triển nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, chanh dây... Thời gian qua, Gia Lai nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư với 327 dự án nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến được triển khai với quy mô khoảng 50.413 ha. Nhiều sản phẩm đã tiếp cận các thị trường lớn trên thế giới như cà phê được cấp chứng nhận Organic quốc tế và chứng nhận Rainforest Alliance (tiêu chuẩn phát triển nông nghiệp bền vững theo chuẩn quốc tế) của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp; các sản phẩm từ chanh dây của Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai (Công ty cổ phần thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao)...

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành (bên trái) ký bản ghi nhớ với các nhà đầu tư Ảnh: Đức Thụy


Sở hữu đồng cỏ rộng tới 17-18 ngàn ha, Gia Lai đang là địa phương được nhiều nhà đầu tư thuộc lĩnh vực chăn nuôi quan tâm như: Diên Hồng Gia Lai, Ricky Farm 79, THAGRICO, Trung Tây Nguyên, De Heus Việt Nam… Đáng chú ý là trang trại bò sữa Nutimilk quy mô hơn 10 ngàn con gắn với nhà máy chế biến có công suất 500 triệu lít sữa/năm, đạt tiêu chuẩn, chất lượng châu Âu của Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Nuitifood. Hay trang trại chăn nuôi bò của THAGRICO trên diện tích hơn 1.900 ha với quy mô 22 ngàn con bò giống và gần 8.000 con bò thịt. Mới đây, Tập đoàn Hoàng Gia De Heus Hà Lan và Tập đoàn Hùng Nhơn cũng đã tổ chức động thổ, khởi công Dự án Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai với tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng, gồm khu trang trại chăn nuôi 2.500 con heo giống; khu nhà máy giết mổ heo thịt và sản xuất phân hữu cơ.

Đặc biệt, Gia Lai đang nổi lên như “thủ phủ” mới của ngành công nghiệp năng lượng tái tạo. Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho hay: Tính đến nay, toàn tỉnh có trên 150 dự án điện gió và điện mặt trời đăng ký đầu tư với tổng công suất hơn 23.553 MW. Riêng điện gió có trên 100 dự án đăng ký đầu tư, trong đó, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 17 dự án với tổng công suất  1.242 MW, tổng vốn đầu tư hơn 43.000 tỷ đồng. Trong năm 2021, có 11/16 dự án điện gió với tổng công suất 563 MW đi vào vận hành thương mại.

Gia Lai có địa hình khá đa dạng, độ cao trung bình 700-800 m với nhiều thắng cảnh thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, nhiều sông hồ, ghềnh thác đẹp tựa tranh như: Biển Hồ, hồ Ia Ly, hồ Ayun Hạ, thác 50, thác Hang Dơi, thác Phú Cường… Cùng với đó là những giá trị địa chất vô cùng quý hiếm từ dấu tích của hơn 30 miệng núi lửa đã tắt như: Chư Đang Ya, Hàm Rồng, thung lũng làng Ốp… Đặc biệt là cao nguyên Kon Hà Nừng được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới có diện tích rộng hơn 417 ngàn ha với hệ sinh thái động-thực vật vô cùng phong phú. Tất cả đang mở ra cơ hội cho Gia Lai phát triển các loại hình kinh tế du lịch thân thiện với môi trường, là cơ hội cho các nhà đầu tư. Ngoài ra, Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo, Di tích khảo cổ Rộc Tưng-Gò Đá, Di tích Căn cứ địa cách mạng Khu 10, Làng kháng chiến Stơr, Di tích Chiến thắng Đak Pơ… cũng là cơ sở để Gia Lai phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa-lịch sử và du lịch cộng đồng. Cùng với việc khai thác hiệu quả tiềm năng nông nghiệp, công nghiệp, ngành du lịch tỉnh cũng đang từng bước được “đánh thức”.

Giai đoạn 2016-2020, Gia Lai đã thu hút 520 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký là gần 833.000 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần về số dự án và 36 lần tổng mức đầu tư so với giai đoạn 2011-2015. GRDP bình quân hàng năm đạt 7,55%. Hiện nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước như: FLC, Golf Long Thành, Thành Thành Công, Trung Nam, Đồng Giao, Công ty TNHH Meiwa Việt Nam (Tập đoàn Meiwa Nhật Bản), Công ty KEPCO KDN (Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc)... đã có mặt tại Gia Lai với các dự án đầu tư quy mô lớn.

Những năm qua, hạ tầng giao thông của Gia Lai được đầu tư nâng cấp đồng bộ với các tuyến quốc lộ 19 (từ TP. Pleiku đến Cảng Quy Nhơn với chiều dài 160 km); quốc lộ 25 (từ TP. Pleiku đến TP. Tuy Hòa có chiều dài 180 km); đường Hồ Chí Minh (đoạn qua địa phận tỉnh Gia Lai dài 115,18 km). Cảng Hàng không Pleiku hiện cũng đã đủ điều kiện đón các loại máy bay hiện đại, cỡ trung, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa Gia Lai tới nhiều địa phương trong cả nước với tần suất 7-14 chuyến/ngày. Theo quy hoạch, Gia Lai sẽ có cao tốc, đường sắt trục Đông Tây, trục Bắc Nam, đường xuyên Á qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, kết nối các nước nằm trong tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng và các nước trong khu vực... Cùng với vị trí địa lý đặc biệt nằm ở cửa ngõ của khu vực, Gia Lai không chỉ trở thành đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa, dịch vụ thương mại mà còn là đầu mối giao thông quan trọng kết nối Tây Nguyên với các tỉnh khu vực miền Trung, Đông Nam Bộ và trong Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam. Đây chính là cơ sở thuận lợi cho các nhà đầu tư trong giao thương, vận chuyển hàng hóa, mở rộng thị trường.  

Chờ “làn sóng” đầu tư mới

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cho biết: “Chiến lược của tỉnh là phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững, nâng cao chất lượng tăng trưởng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh. Bên cạnh sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân, Gia Lai đã kêu gọi sự quan tâm, tăng cường hợp tác đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tỉnh tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư. Nhiều hoạt động đột phá về cải cách hành chính được tỉnh triển khai hiệu quả, đặc biệt, 100% các thủ tục đều được thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, cung cấp dịch vụ nhanh gọn, hiệu quả nhất để hỗ trợ doanh nghiệp”.

Nhiều hoạt động đột phá về cải cách hành chính được tỉnh triển khai hiệu quả, đặc biệt, 100% thủ tục đều được thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công. Ảnh: Đức Thụy


Yếu tố thể hiện sự hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư đối với Gia Lai chính là sự thăng hạng lên đến 12 bậc so với năm 2020 trên bảng đánh giá, xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức. Theo đó, Gia Lai đứng thứ 26 toàn quốc, xếp thứ 2 khu vực Tây Nguyên. Đặc biệt, từ năm 2019 đến nay, Gia Lai đã triển khai Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI), tạo nên “cú hích” quan trọng để nâng cao năng lực điều hành của các sở, ngành và địa phương, qua đó cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh.

Gia Lai bước vào năm 2022 với nỗ lực quyết tâm cao, tiếp tục đổi mới tư duy, chủ động, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, tạo dựng niềm tin, động lực và khí thế mới để hành động. Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2022 chính là hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư khởi đầu của năm nhằm giao lưu, gặp gỡ và lan tỏa thông tin về tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư vào tỉnh đến với cộng đồng các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư.

“Với quy mô gần 500 đại biểu trong và ngoài nước được mời tham dự, Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2022 là tiền đề cho các hoạt động đầu tư và mở rộng quan hệ hợp tác giữa tỉnh Gia Lai với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong tương lai. Dự kiến sẽ có khoảng 24 dự án được ký kết ghi nhớ và trao quyết định chủ trương đầu tư tại hội nghị lần này. Chính quyền và Nhân dân tỉnh Gia Lai kỳ vọng thông qua hội nghị sẽ tiếp tục mời gọi, thu hút các nhà đầu tư có năng lực đến Gia Lai, góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện, xứng tầm với những tiềm năng, thế mạnh mà tỉnh đang có. Ngoài ra, hội nghị còn đặt ra mục tiêu kêu gọi các tổ chức, cá nhân, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thực hiện công tác an sinh xã hội, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng trên địa bàn tỉnh”-ông Lê Tiến Anh-Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư-cho hay.

 

 HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm