Thời sự - Sự kiện

Hội Nhà báo Gia Lai: “Cầu nối” với cấp ủy, chính quyền địa phương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Để thực sự là “cầu nối” với cấp ủy, chính quyền địa phương, thời gian qua Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai đã tổ chức nhiều chương trình hoạt động thiết thực nhằm động viên, khích lệ hội viên nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng tác nghiệp. Trong đó, hoạt động phối hợp với các cơ quan báo chí trung ương thường trú trên địa bàn đi cơ sở tác nghiệp là nét mới, đạt hiệu quả cao.

Theo nhà báo Huỳnh Kiên-Tổng Biên tập Báo Gia Lai, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh: Thời gian qua, nhất là năm 2020 đến nay, Hội Nhà báo tỉnh đã đổi mới cách nghĩ, cách làm và thực hiện tốt chức năng, vai trò của một tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp, trở thành “mái nhà chung” và “cầu nối” của những người làm công tác thông tin, tuyên truyền trong tỉnh. Nhiều hoạt động được Hội triển khai thực hiện có hiệu quả như: bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà báo trong tác nghiệp; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ báo chí, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên; thực hiện việc tuân thủ Luật Báo chí, 10 điều Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam; quy tắc sử dụng mạng xã hội và tham gia xây dựng, tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách về thông tin, báo chí… Từ năm 2020 đến nay, Hội Nhà báo tỉnh đạt nhiều thành tích nổi bật, cùng với cơ quan báo chí đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, được các cấp, ngành và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Hội viên Hội Nhà báo tỉnh tác nghiệp tại cơ sở. Ảnh: Lê Quang Hồi

Hội viên Hội Nhà báo tỉnh tác nghiệp tại cơ sở. Ảnh: Lê Quang Hồi

Đặc biệt, những năm qua, Hội Nhà báo tỉnh cũng luôn quan tâm tạo điều kiện cho hội viên hành nghề và bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của hội viên, giúp hội viên phát triển và nâng cao chất lượng “sản phẩm nghề nghiệp” thông qua các chuyến đi tác nghiệp thực tế tại cơ sở. Nhà báo Trần Quốc Anh-Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh-chia sẻ: Hàng năm, căn cứ vào nhiệm vụ được giao, chúng tôi lên kế hoạch cho các hoạt động cụ thể, chủ động đề xuất, tham mưu cho UBND tỉnh những nội dung, biện pháp, hình thức tổ chức các hoạt động báo chí; chỉ đạo các chi hội nhà báo trực thuộc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nghiệp vụ, xuất bản báo chí, định hướng dư luận, nhằm tạo niềm tin, phấn khởi, tự hào của Nhân dân về các thành tựu trong xây dựng và phát triển kinh tế, chính trị-xã hội, quốc phòng, an ninh; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương khi về cơ sở tác nghiệp. Trong quá trình tác nghiệp ở cơ sở, các phóng viên trong đoàn công tác bám theo từng chủ đề để tuyên truyền, trên tinh thần “tốt thì khen, chưa tốt thì phản ánh để kịp thời sửa chữa”, phát hiện và đẩy mạnh việc tuyên truyền, cổ vũ, khích lệ, nhân rộng những cách làm hay, các mô hình điển hình tiên tiến trên tất cả các lĩnh vực.

Đoàn công tác của các nhà báo, phóng viên cùng lãnh đạo thị xã Ayun Pa đi thực tế tại hồ thủy lợi Ia Rtô (thị xã Ayun Pa). Ảnh: Khôi Nguyên

Đoàn công tác của các nhà báo, phóng viên cùng lãnh đạo thị xã Ayun Pa đi thực tế tại hồ thủy lợi Ia Rtô (thị xã Ayun Pa). Ảnh: Khôi Nguyên

Những bài “thu hoạch” sau các chuyến công tác cơ sở được đánh giá cao, mang tính định hướng, cổ vũ, lan tỏa, như bài viết: “Gia Lai thoát nghèo nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng” của tác giả Lê Quang; “Trang trại hoa hòe hữu cơ đầu tiên trên đất Gia Lai”; “Phủ rợp trời cây ăn quả ở Kon Chro”; “Gỡ nút thắt chảo lửa Krông Pa…” của tác giả Tuấn Anh. Hay loạt bài về: “Anh nông dân lớp 5 làm máy phun thuốc, chặt mì, gieo hạt công nghệ sạch”; “Những người mẹ đặc biệt của trẻ mồ côi ở vùng chảo lửa”; “Nuôi cá lồng trên hồ thủy điện thu lãi khủng”; “Lưu giữ hơn 100 nhà rông với họa tiết kỳ lạ của người Ba Na” của tác giả Nay Sắt-Báo Dân trí...

Không giấu được niềm vui trong những lần đi cơ sở, phóng viên Nay Sắt bộc bạch: Tôi mới bước chân vào “làng báo” được 1 năm thì đã có hai lần được đi cơ sở tác nghiệp với các chú, các anh chị em phóng viên dạn dày kinh nghiệm trong Hội Nhà báo. Đây là cơ hội để tôi được học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng tác nghiệp. Những bài báo của em được viết lên từ cái hay, cái làm được của người dân địa phương, trong đó có phần quan trọng từ kinh nghiệm dẫn dắt, gợi mở, định hướng, là sản phẩm “cầm tay chỉ việc” của các nhà báo đi trước. Hy vọng trong thời gian tới Hội Nhà báo tỉnh sẽ tổ chức những lần đi cơ sở tiếp theo.

Cùng tâm trạng, phóng viên Tuấn Anh-Báo Nông nghiệp Việt Nam-cho biết: “Một lần đi cơ sở do Hội Nhà báo tỉnh tổ chức với tôi là một lần trải nghiệm. Người dân Gia Lai đa số là làm nông nên có rất nhiều chuyện hay, nhiều cách làm sáng tạo trên đồng ruộng để viết, để lan tỏa, nhân rộng. Đi cơ sở tác nghiệp là cách làm hay mà Hội Nhà báo đã làm, nên làm, bởi nó thực sự là “chiếc cầu nối” giữa báo chí nói chung, các phóng viên cơ quan báo trung ương thường trú trên địa bàn nói riêng với cấp ủy, chính quyền địa phương”.

Đọc được những tác phẩm báo chí sau chuyến công tác cơ sở của Hội Nhà báo tỉnh ở địa phương, ông Đinh Văn Súy-Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro-xúc động: Lần đầu tiên Huyện ủy, UBND huyện được đón đoàn nhà báo, phóng viên do Hội Nhà báo tỉnh tổ chức đi cơ sở tác nghiệp, chúng tôi thấy các nhà báo làm việc rất chuyên nghiệp, nhiệt tình. Những bài viết phản ánh rất nhanh, chân thực, mang tính tích cực, kịp thời động viên cán bộ và Nhân dân địa phương trong lao động sản xuất, phát huy tinh thần đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng đẹp và phát triển.

Có thể bạn quan tâm