Văn hóa

Hội thi văn hóa cồng chiêng thị xã Ayun Pa: Tái hiện chân thực không gian văn hóa truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)-Với nhiều nét mới, Hội thi văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) lần thứ III năm 2024 diễn ra trong ngày 21-12 đã tái hiện không gian văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, mang đến những trải nghiệm thú vị cho người xem.

z6152833221291-51ed9bace2a6beba5537a6e41275f29f.jpg
Các nghệ nhân phường Cheo Reo tái hiện lễ mừng lúa mới của người Jrai tại Hội thi văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số thị xã Ayun Pa. Ảnh: Vũ Chi

Phục dựng nghi lễ truyền thống

Người Jrai vùng thung lũng Cheo Reo có một nền văn hóa bản địa lâu đời và mang đậm bản sắc dân tộc. Đời sống tinh thần của họ vô cùng phong phú với nhiều nghi lễ truyền thống như lễ thổi lỗ tai, lễ trưởng thành, lễ tạ ơn, lễ bỏ mả, lễ mừng lúa mới…Trong đó, lễ mừng lúa mới được tổ chức thường xuyên, mang đậm nét tín ngưỡng đa thần của người Jrai.

Đây là nghi lễ được tổ chức sau khi thu hoạch xong vụ mùa với ý nghĩa tôn vinh hạt thóc, cảm tạ thần lúa, thần nông nghiệp đã ban cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình sung túc.

Phục dựng nghi lễ này tại hội thi, đội thi phường Cheo Reo chuẩn bị lễ vật gồm một con gà trống luộc, 1 ghè rượu ủ từ gạo mới, 1 chén cơm gạo mới. Sau khi chuẩn bị xong, già làng Nay Kem (buôn Banh, phường Cheo Reo) bắt đầu bài cúng: “Ơi Yàng, hôm nay hồn lúa về với làng. Chúng tôi cầu mong thần lúa cho sang năm mới mãi mãi đừng thiếu lúa ăn, dân làng không ai bị đói. Xin hồn lúa hãy về với chúng tôi, nhận lễ vật và ban cho dân làng được mùa bội thu, lúa đầy chòi, bắp đầy nhà…Ơi Yàng”.

Sau khi dâng lễ xong là phần mời rượu. Theo phong tục của người Jrai, người phụ nữ trong nhà được mời rượu đầu tiên, sau đó lần lượt khách từ lớn đến nhỏ cùng uống rượu chung vui với gia chủ. Trong âm thanh cồng chiêng vang vọng, vòng xoang không ngừng được mở rộng tạo nên một không gian sôi động khắp buôn làng.

z6152833876705-fe63a6d176c49189953d50d2f8004c0d.jpg
Khung cảnh nhà mồ của người Jrai được tái hiện lại trong Hội thi văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số thị xã Ayun Pa. Ảnh Vũ Chi

Nếu đoàn nghệ nhân phường Cheo Reo chọn phục dựng lễ cúng mừng lúa mới thì cộng đồng người Jrai xã Ia Sao chọn tái hiện lễ bỏ mả. Đây là nghi lễ cuối cùng trong đời người đánh dấu cái chết được hồi sinh và người sống được giải phóng. Sau lễ bỏ mả, mọi ràng buộc giữa người sống và người chết sẽ chấm dứt. Hồn ma cũng từ đó vĩnh viễn về với tổ tiên.

Nghệ nhân Nay Thơm-đội trưởng đội cồng chiêng xã Ia Sao-chia sẻ: Mặc dù nhiều lễ hội bị mai một song lễ bỏ mả vẫn tồn tại bền bỉ trong đời sống cộng đồng người Jrai. Nghi lễ được tổ chức ngay bên cạnh khu nhà mồ. Tùy theo điều kiện của gia chủ có thể chuẩn bị lễ vật là gà, heo hoặc trâu, bò để thết đãi dân làng. Tuy nhiên, không thể thiếu 1 ghè rượu, cơm, canh có người mất.

Thông thường lễ bỏ mả sẽ diễn ra trong 1 ngày 1 đêm, bà con dân làng góp gạo, ghè, đến chung vui. Sau lễ cúng, bà con cùng nhau đánh cồng chiêng, nhảy xoang thâu đêm chia tay người chết.

z6152834634395-8e215372eb35161434a16006af687ce5.jpg
Các nghệ nhân trình diễn dệt thổ cẩm và đan lát tại hội thi. Ảnh: Vũ Chi

Đa dạng sắc màu

Tham gia Hội thi văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số thị xã Ayun Pa lần thứ III năm 2024 có 5 đoàn nghệ nhân với sự góp mặt của gần 200 nghệ nhân. Mỗi đơn vị được bố trí một khu vực riêng để tái hiện không gian sinh hoạt hằng ngày của các dân tộc; tổ chức các hoạt động trình diễn cồng chiêng, hát dân ca; đan lát; dệt thổ cẩm.

Nét mới của hội thi năm nay là tất cả các hoạt động được trình diễn ngoài trời trong khuôn viên Công viên Tuổi Trẻ nên đã thu hút đông đảo người dân và du khách đến thưởng thức, cổ vũ và trải nghiệm, tạo nên không khí tưng bừng, rộn rã.

Tất cả các đội thi đều có sự kế thừa khi thành phần tham gia có sự kết hợp của cả những nghệ nhân gạo cội, lão làng, những nghệ nhân là thanh niên và nghệ nhân nhí. Tuy có sự chênh lệch về tuổi tác song các nghệ nhân đều phối hợp một cách nhịp nhàng, tự tin trình diễn mang lại những tiết mục mãn nhãn người xem.

z6152831966357-fd4294857c43a3794bc36254ddbf2c63.jpg
Các nghệ nhân nhí tự tin trình diễn cồng chiêng tại hội thi. Ảnh: Vũ Chi

Tại hội thi năm nay, anh Ksor Mang-công chức văn hóa xã Ia Rtô cùng con trai trình diễn tiết mục hát dân ca “Pẽ trong loai” (hái cà đắng). Đây là bài hát ca ngợi vẻ đẹp trong lao động của người Jrai. Anh Mang cho hay: Từ nhỏ, anh đã được nghe các nghệ nhân trong làng hát dân ca nên tập hát theo. Nhưng phải đến năm 2017, anh Mang mới có dịp trình diễn các bài dân ca mình yêu thích trên sân khấu. Với mong muốn giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc, thời gian gần đây, anh đã truyền dạy lại cho con trai mình.

“Vô cùng bất ngờ khi tiết mục trình diễn của 2 cha con cùng sự hỗ trợ của đội đã đạt giải nhất thể loại hát dân ca tại hội thi. Đây thực sự là một trải nghiệm tuyệt vời và là động lực để 2 cha con tiếp tục cố gắng rèn luyện để mang đến nhiều tiết mục đặc sắc cho khán giả trong các hội thi tiếp theo”-anh Mang phấn khởi nói.

Chị Rcom H’Thuyết (xã Chư Băh) chia sẻ: “Thật vui vì thấy không gian văn hóa truyền thống của dân tộc mình được tái hiện một cách chân thực, sống động tại hội thi. Hy vọng những chương trình như này sẽ được tổ chức thường xuyên để bà con các buôn làng có dịp giao lưu, chia sẻ và gắn kết với nhau, qua đó, góp phần bảo tồn, phát huy, lan tỏa tình yêu văn hóa truyền thống trong thế hệ trẻ”.

Sau 1 ngày tranh tài sôi nổi, Ban tổ chức hội thi đã trao giải nhất toàn đoàn cho đội thi phường Cheo Reo, giải nhì cho đội thi xã Ia Rtô, giải ba cho xã Chư Băh và giải khuyến khích cho 2 xã Ia Sao và phường Sông Bờ. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng trao giải nhất, nhì, ba, khuyến khích cho các tiết mục, phần thi xuất sắc nhất trong từng nội dung.

z6152832591415-49d4d387a4bccdeac746dc9afcf47deb.jpg
Ban tổ chức trao giải tập thể cho các đội thi. Ảnh: Vũ Chi

Đánh giá về chất lượng hội thi, ông Lại Quang Minh-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao thị xã-khẳng định: Thoát ra khỏi không gian gò bó trên sân khấu, hội thi văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số thị xã Ayun Pa lần thứ III năm 2024 được tổ chức ngoài trời đã tái hiện một cách chân thực không gian văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

“Các đội thi đều có sự chuẩn bị công phu, “cháy” hết mình trong từng tiết mục, mang đến cho người xem những trải nghiệm thú vị. Đồng thời, sự giao thoa giữa các thế hệ trong từng đội thi được coi là thành công lớn, đóng vai trò quan trọng trong việc lưu giữ, bảo tồn và phát triển nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trong cộng đồng”-ông Minh nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm