Cùng dự có ông Nguyễn Hữu Quế-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Shiratori Sho-Giám đốc Trung tâm giao lưu Nhật-Việt; đại diện lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam tại Đà Nẵng; đại diện lãnh đạo các huyện: Tây Sơn, Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Định); lãnh đạo các huyện: Đak Pơ, Kbang, Kông Chro, Mang Yang, thị xã An Khê cùng hơn 250 đại biểu đến từ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Ngọc Minh |
Tại hội nghị, thông qua phóng sự “Đông Gia Lai-Khát vọng vươn xa và là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư” đã giúp các đại biểu hiểu thêm về đặc điểm tình hình, tiềm năng, lợi thế của các huyện, thị xã phía Đông tỉnh Gia Lai.
Trong khuôn khổ hội nghị, đại diện lãnh đạo các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường; đại diện lãnh đạo 5 huyện, thị xã tham gia tọa đàm giải đáp một số vướng mắc của các nhà đầu tư.
Tại hội nghị, tỉnh Gia Lai trao quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư cho một số công ty, doanh nghiệp có 10 dự án đầu tư vào các huyện, thị xã phía Đông tỉnh với tổng mức đầu tư 1.800 tỷ đồng. Các địa phương đã ký kết và trao biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 19 dự án của 19 nhà đầu tư trong nhiều lĩnh vực như: Hạ tầng, nông nghiệp, lâm nghiệp, giáo dục, y tế, du lịch.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, đại diện lãnh đạo sở, lãnh đạo địa phương tham dự hội nghị. Ảnh: Ngọc Minh |
Phát biểu tại hội nghị, thay mặt chí lãnh đạo tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long biểu dương sự nỗ lực phấn đấu, những kết quả đạt được và sự đóng góp của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân khu vực Đông Gia Lai vào thành tựu chung của toàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, với vị thế là cửa ngõ phía Đông của tỉnh, khu vực Đông Gia Lai không chỉ trở thành đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa, dịch vụ thương mại mà còn là đầu mối giao thông quan trọng kết nối Tây Nguyên với các tỉnh khu vực miền Trung.
Những năm qua, hạ tầng giao thông của khu vực Đông Gia Lai đã được đầu tư nâng cấp đồng bộ với các tuyến: Quốc Lộ 19 nối cảng biển Quy Nhơn với Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh thông qua tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia), các tỉnh Nam Lào và Thái Lan; Đường Trường Sơn Đông-tuyến đường kết nối huyện Đak Pơ với huyện Ia Pa, thị xã Ayun Pa về phía Tây Nam và huyện Kbang về phía Bắc. Các đường tỉnh 669, 674, 667, 666, 662 kết nối các huyện thị trong khu vực, cũng như kết nối với các huyện phía Bắc và phía Nam của tỉnh Gia Lai với các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ.
Ông Nguyễn Hữu Quế (bìa phải)-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai trao quyết định đầu tư cho nhà đầu tư. Ảnh: Ngọc Minh |
Trong lĩnh vực nông nghiệp, thiên nhiên ưu ái ban tặng cho khu vực Đông Gia Lai vùng đất rộng lớn, thổ nhưỡng phì nhiêu với diện tích đất nông nghiệp hơn 472.000 ha, chiếm 92,54% tổng diện tích tự nhiên. Đây là lợi thế mà ít địa phương nào có được để phát triển ngành nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô công nghiệp; các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với các loại cây trồng lâu năm và sản phẩm rau quả mang lại giá trị kinh tế cao.
Đông Gia Lai cũng có nhiều tiềm năng thuận lợi cho phát triển công nghiệp-thương mại, nhất là công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo. Hiện nay, đã quy hoạch 8 cụm công nghiệp, trong đó có 4 cụm công nghiệp đã được thành lập, nguồn nguyên liệu nông, lâm sản trên địa bàn phong phú, ổn định như: Cà phê, cao su, mía, mỳ,... tạo tiền đề cho các nhà đầu tư quan tâm phát triển công nghiệp chế biến và gắn kết lâu dài. Với số giờ nắng bình quân từ 1.900-2.600 giờ/năm, bức xạ mặt trời trung bình từ 4,6-5,2 kWh/m2/ngày. Tốc độ gió trung bình cao hơn 7,5 m/s tạo ra tiềm năng hấp dẫn về phát triển năng lượng tái tạo.
“Cùng với việc khai thác hiệu quả tiềm năng nông nghiệp, công nghiệp, ngành du lịch cũng đang được đánh thức, kỳ vọng sẽ mở ra nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế trong tương lai không xa. Tiêu biểu như: Khu Dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới; Quần thể di tích Quốc gia Tây Sơn Thượng đạo được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt, Di tích khảo cổ sơ kỳ đá cũ Rộc Tưng, Gò Đá tại thị xã An Khê; đồi thông Hà Tam (huyện Đak Pơ); Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, khu căn cứ cách mạng Khu 10, Thác K50….Miền đất của Lễ hội, Festival văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Lễ kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi Đống đa và Hội cầu Huê … tạo điểm đến lý tưởng của du khách và hình thành các tour du lịch lịch sử-văn hoá-sinh thái-nghỉ dưỡng hấp dẫn”-Chủ tịch UBND tỉnh dẫn chứng.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, đại diện lãnh đạo sở, lãnh đạo địa phương chụp hình lưu niệm cùng các nhà đầu tư. Ảnh: Ngọc Minh |
“Nhiệm vụ đặt ra với các địa phương khu vực phía Đông Gia Lai trong thời gian tới là rất nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm cao của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và cả hệ thống chính trị trong khu vực đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh hơn nữa. Tỉnh sẽ có những chủ trương chính sách phù hợp để Gia Lai nói chung, khu vực Đông Gia Lai nói riêng huy động cao nhất các nguồn lực, tranh thủ có hiệu quả sự hợp tác, hỗ trợ của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước”-Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.