Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Hơn 300 tỷ đồng để tái thiết rừng ở Bình Định

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bình Định đang đề xuất xin kinh phí từ Ngân hàng tái thiết Đức để thực hiện 2 dự án phục hồi, quản lý và phát triển rừng bền vững tại địa phương với kinh phí hơn 300 tỷ đồng.


Ngày 14-7, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản báo cáo gửi Bộ KH-ĐT, Bộ NN-PTNT về chủ trương đầu tư dự án “Phục hồi và quản lý bền vững rừng khu vực miền Trung và miền Bắc Việt Nam – dự án KFW9 giai đoạn 1” tại tỉnh Bình Định, với kinh phí trên 4,2 triệu Euro (trên 105 tỷ đồng).

Mục tiêu của dự án KFW9 giai đoạn 1 tại Bình Định nhằm cải thiện kết quả quản lý rừng về gia tăng giá trị sinh học, dịch vụ hệ sinh thái rừng (môi trường sống, bảo vệ tài nguyên đất và nước) và hiệu quả kinh tế thông qua áp dụng các biện pháp quản lý rừng bền vững và hỗ trợ lâm sinh.


 

Dự án KWF9 tập trung vào phục hồi, quản lý rừng phòng hộ
Dự án KWF9 tập trung vào phục hồi, quản lý rừng phòng hộ



Dự án có các nội dung cụ thể: quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; thiết lập hoạt động quản lý rừng cộng đồng; bảo vệ phục hồi rừng phòng hộ; hỗ trợ người dân sống gần rừng đảm bảo sinh kế, thu nhập để quản lý và bảo vệ rừng bền vững…

Dự kiến, dự án được triển khai trên hàng chục ngàn ha rừng tại các huyện Vĩnh Thạnh, An Lão, Tây Sơn và Phù Cát (Bình Định); UBND tỉnh Bình Định và Sở NN-PTNT tỉnh này làm chủ dự án, thời gian thực hiện dự án 7 năm, từ năm 2020 đến hết 2026. Tài trợ cho dự án này là Chính phủ Đức…

Trước đó, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng đã ký và ban hành văn bản gửi Bộ NN-PTNT đề xuất thêm dự án “Quản lý rừng bền vững và thúc đẩy chứng chỉ rừng tỉnh Bình Định” với tổng vốn trên 9,5 triệu Euro, tương đương với gần 243 tỷ đồng.

Theo ông Châu, gói dự án này bao gồm 2 hợp phần chính là quản lý rừng bền vững và thúc đẩy chứng chỉ rừng; hỗ trợ kỹ thuật. Tại hợp phần 1, dự án sẽ sử dụng vốn Ngân hàng tái thiết Đức (KFW) để cho vay lại với đối tượng tham gia chuỗi giá trị: sản xuất, kinh doanh rừng gỗ lớn, chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu. Trong đó, đẩy mạnh thực hiện liên kết giữa các doanh nghiệp với người dân trồng rừng nhằm mở rộng diện tích rừng trồng có Chứng chỉ rừng FSC.

Tại hợp phần thứ 2 bao gồm, hỗ trợ pháp lý để giao rừng; xây dựng bản đồ phân cấp lập địa cấp tỉnh, huyện và xã; hỗ trợ chuyển giao công nghệ và giống...


 

 Dự án “Quản lý rừng bền vững và thúc đẩy chứng chỉ rừng tỉnh Bình Định” tập trung vào việc trồng rừng gỗ lớn và hỗ trợ cấp chứng chỉ FSC
Dự án “Quản lý rừng bền vững và thúc đẩy chứng chỉ rừng tỉnh Bình Định” tập trung vào việc trồng rừng gỗ lớn và hỗ trợ cấp chứng chỉ FSC



Quyền Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định Trần Văn Phúc thông tin thêm, dự án “Quản lý rừng bền vững và thúc đẩy chứng chỉ rừng tỉnh Bình Định” có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc tái thiết, phát triển rừng bền vững tại địa phương.

Theo ông Phúc, dự án nếu được Bộ NN-PTNT phê duyệt thực hiện, địa phương sẽ tập trung thực hiện 2 mục tiêu chính, gồm: hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn trên 10.000ha; hỗ trợ người tham gia dự án cấp chứng chỉ trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC do Hội đồng Quản trị Rừng thế giới cấp…

Theo NGỌC OAI (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm