Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho biết theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, tính từ tháng 8.2023 đến tháng 4.2024, vẫn còn 7.215 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc.
Trong số giáo viên nghỉ việc, giáo viên bậc mầm non chiếm số lượng lớn nhất. Ảnh: H.M |
Tuy vậy, số giáo viên nghỉ việc, chuyển việc của năm học này đã giảm khoảng 2.000 người so với cùng khoảng thời gian năm trước đó, tương đương với giảm khoảng 22,4% (khoảng thời gian này năm học 2022 - 2023 có 9.295 giáo viên bỏ việc, chuyển việc, cả năm học có 12.090 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc).
Trong số 7.215 giáo viên nghỉ việc, số giáo viên bỏ nghề ở bậc mầm non chiếm tỷ lệ cao (1.600 giáo viên mầm non) và giảm dần theo các cấp học từ thấp đến cao.
Cũng theo Bộ GD-ĐT, tỷ lệ giáo viên bỏ việc ở tuổi dưới 35 còn nhiều. Giáo viên nghỉ việc chủ yếu tập trung ở các vùng kinh tế - xã hội phát triển, giáo viên có nhiều sự lựa chọn để chuyển đổi nghề nghiệp với mức thu nhập cao hơn...
Trước đó, thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, trong 3 năm học, tính từ tháng 8.2020 - tháng 8.2023, cả nước có trên 40.000 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc. Giáo viên nghỉ việc độ tuổi dưới 35 chiếm tới 60% tổng số giáo viên nghỉ việc. Trong khi đó, tình trạng thiếu giáo viên vẫn diễn ra trầm trọng trên cả nước, ở tất cả các cấp học, đặc biệt là giáo viên mầm non và giáo viên các môn học mới.
Lý giải về việc nhiều giáo viên bỏ nghề, Bộ GD-ĐT nêu do áp lực công việc lớn, thu nhập còn thấp, nhất là đối với giáo viên trẻ. Điều kiện làm việc và chế độ, chính sách đãi ngộ nhà giáo chưa tương xứng; lương nhà giáo còn thấp so với mặt bằng chung của các ngành nghề (trong 5 năm đầu, lương nhà giáo trung bình chỉ đạt 5 triệu đồng/tháng), chưa đáp ứng mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 29. Mức lương và chế độ chưa tạo được động lực trong bối cảnh áp lực công việc của nhà giáo ngày càng lớn.
Theo Bộ GD-ĐT, tổng thu nhập của nhân viên trường học (bao gồm cả các loại phí đóng bảo hiểm) có thời gian công tác dưới 15 năm dao động từ 3,6 triệu đồng đến dưới 7 triệu đồng/tháng; trong khi khối lượng công việc rất lớn, đồng thời phải kiêm nhiều nhiệm vụ khác nhau.
"Để giáo viên gắn bó với nghề và cũng để tiếp tục thu hút những người có tài, có tâm vào ngành giáo dục, chính sách đối với nhà giáo là vấn đề Bộ rất quan tâm", Cục trưởng Vũ Minh Đức nêu quan điểm.
Đồng thời, để giảm áp lực, tạo môi trường làm việc thuận lợi cho nhà giáo, ông Đức thông tin, Bộ GD-ĐT đã tham mưu và ban hành trong phạm vi thẩm quyền nhiều văn bản mới để cởi bỏ những quy định đã không còn phù hợp, là rào cản đối với nhà giáo.
Bộ GD-ĐT đang xây dựng và trình Quốc hội xem xét, ban hành luật Nhà giáo trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15. Ông Vũ Minh Đức nói, nếu luật Nhà giáo được Quốc hội thông qua sẽ là hành lang pháp lý quan trọng, đầy đủ cho việc ban hành các chính sách đãi ngộ, tuyển dụng, sử dụng và tôn vinh nhà giáo, phù hợp với đặc thù nghề nghiệp của nhà giáo.
Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ hoàn thiện dự án luật Nhà giáo để trình Chính phủ vào giữa tháng 7 năm nay. Ngày 7.7.2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 95/NQ-CP về xây dựng pháp luật, trong đó thông qua đề xuất của Bộ GD-ĐT về đề nghị xây dựng luật Nhà giáo với 5 chính sách nhằm nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo, tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo.
Ngày 22.4, Tổng thư ký Quốc hội đã có văn bản số 3525/TB-TTKQH thông báo kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Theo kết luận này, luật Nhà giáo sẽ được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 8 (tháng 10.2024).